Kinh tế thế giới
Việt Nam là hình mẫu về việc hưởng lợi từ CPTPP
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ra báo cáo đánh giá về tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến các thành viên.
Theo báo cáo, CPTPP đã tác động tích cực đến xuất khẩu của các thành viên, trong đó đánh giá Việt Nam là hình mẫu về việc hưởng lợi từ CPTPP trong xuất khẩu hàng hóa; Singapore và Nhật Bản tăng xuất khẩu các sản phẩm số và đây là những tín hiệu tích cực cho các nước Đông Nam Á khác xem xét gia nhập CPTPP.
Tỷ trọng nhập khẩu từ CPTPP trong tổng nhập khẩu năm 2020 tại Peru, Mexico và Singapore đã tăng so với năm 2011 và 2017. Bên cạnh đó, các điều khoản tiêu chuẩn cao về thương mại điện tử của CPTPP đã được “xuất khẩu” sang các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác như FTA Singapore-Australia, FTA Chile-Uruguay cũng như Hiệp định đối tác kinh tế số giữa Singapore, Chile và New Zealand.
Đây là báo cáo đầu tiên trong chuỗi 5 báo cáo về tác động của CPTPP tới thương mại và đầu tư của các thành viên của CSIS. (TG&VN)
Cựu Thủ tướng Anh kêu gọi chấm dứt bất bình đẳng về tiếp cận vaccine
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng lãnh đạo các nước Mỹ, Anh và Italia cần tổ chức hội nghị khẩn trước kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.
Ông Brown cho rằng chỉ có thể chấm dứt tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vaccine khi có sự can thiệp ở mức cao nhất của 3 nhà lãnh đạo này tại hội nghị vaccine toàn cầu vào tháng 9 tới.
Cựu Thủ tướng Anh cũng kêu gọi lãnh đạo các nước trên chấm dứt tình trạng siết chặt nguồn cung vaccine của những nước giàu có hiện dư thừa vaccine để các nước này hỗ trợ tài chính và logistics cho các nước châu Phi cũng như những nước có thu nhập thấp.
Tháng 6/2021, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhất trí cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho những nước nghèo vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, ông Brown cho rằng đến năm 2022, châu Phi mới nhận được phần lớn số vaccine này. Hiện chưa đến 2% dân số châu Phi được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. (TTXVN)
Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc
Ngày 18/8, Bộ Giao thông vận tải Mỹ cho biết, bộ này sẽ giới hạn một số chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc ở mức 40% sức chứa hành khách trong 4 tuần sau khi chính phủ Trung Quốc áp đặt những hạn chế tương tự đối với 4 chuyến bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines.
Theo thông báo của Bộ Giao thông vận tải Mỹ, bộ này sẽ hạn chế trong 4 tuần đối với 4 chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc cung cấp dịch vụ hành khách từ Trung Quốc tới Mỹ ở mức 40% sức chứa hành khách.
Trước đó, ngày 6/8, Trung Quốc thông báo với United Airlines rằng nước này sẽ áp đặt các hạn chế trên sau khi 5 hành khách của hãng hàng không này đi từ San Francisco tới Thượng Hải có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 21/7. (Reuters)
Trung Quốc giới hạn một số chuyến bay của các hãng hàng không United Airlines ở mức 40%. (Nguồn: Getty Images) |
Kinh tế Mỹ
* Ngày 9/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Mỹ cần thúc đẩy đầu tư nội địa, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng trước khi cân nhắc các thỏa thuận thương mại mới và coi đây là nhân tố quan trọng nâng cao sức mạnh Mỹ so với Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác.
Theo ông Blinken, việc Mỹ duy trì chính sách thúc đẩy ngoại thương trong khi giảm đầu tư nội bộ trong một thời gian dài đã không mang lại lợi ích cho người lao động và nhân dân Mỹ và nhấn mạnh rằng thay đổi chính sách đầu tư nội địa là biện pháp thực hiện chính sách ngoại giao hiện đại.
Trong những thập kỷ gần đây, tỷ trọng đầu tư công trong nền kinh tế Mỹ đã giảm hơn 40% và Mỹ hiện đứng thứ 9 về chi tiêu cho hạ tầng. (TG&VN)
* Sau khi phê chuẩn kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD vào ngày 10/8, Thượng viện Mỹ đã ngay lập tức khởi động cuộc thảo luận về một kế hoạch chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD tiếp theo.
Kế hoạch chi tiêu này tập trung vào các ưu tiên chủ chốt của Tổng thống Joe Biden về chống biến đổi khí hậu, trường mẫu giáo miễn phí cho tất cả trẻ em Mỹ, và nhà ở giá phải chăng cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã lên tiếng ủng hộ về ý tưởng gói chi tiêu này. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, kế hoạch này cần có sự thông qua ở Hạ viện để được triển khai. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. Các chỉ số hàng tháng về công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư đều không đạt được kỳ vọng. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến vào tháng 7 do thời tiết khắc nghiệt và biến thể Delta rất dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 quét qua đất nước.
Các chỉ số hằng tháng về hoạt động công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư đều cho thấy tốc độ tăng trưởng giảm nhanh hơn dự kiến - và giảm tốc so với mức tăng trưởng hằng năm của tháng 6. (WSJ)
* Giá cổ phiếu toàn cầu đã giảm sau khi niềm tin của Trung Quốc giảm mạnh một cách đáng ngạc nhiên về sự phục hồi được “dẫn dắt” bởi vaccine. Sau một đợt tăng kéo dài, thị trường chứng khoán đã phản ứng tiêu cực trước những dấu hiệu cho thấy điều kiện tín dụng khó khăn hơn và sự bùng phát mới của Covid-19 đang đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. (The Guardian)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 16/8, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận cho phép Quỹ Bảo lãnh châu Âu, do Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) quản lý, bảo lãnh cho các đợt chứng khoán hóa để giúp các doanh nghiệp tại 22 quốc gia thành viên EU chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Chứng khoán hóa là nghiệp vụ phát hành những công cụ tài chính mới bằng cách kết hợp các tài sản tài chính khác lại với nhau, sau đó bán những sản phẩm này cho các nhà đầu tư.
Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết với ngân sách dự kiến 1,4 tỷ Euro (1,65 tỷ USD), những sản phẩm mới sẽ giúp huy động ít nhất 13 tỷ Euro cho vay mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. (TTXVN)
Thặng dư thương mại của Khu vực đồng Euro (Eurostat) trong tháng 6/2021 tăng. (Nguồn: Getty) |
* Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 13/8 công bố thặng dư thương mại của Khu vực đồng Euro (Eurostat) trong tháng 6/2021 tăng nhờ xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu. Khu vực 19 quốc gia này đã ghi nhận thặng dư thương mại 18,1 tỷ Euro (21,2 tỷ USD) trong tháng 6/2021, tăng so với mức 7,5 tỷ Euro trong tháng 5/2021.
Dù vậy, thặng dư thương mại của Eurozone trong tháng 6/2021 giảm nhẹ so với mức 20 tỷ Euro của tháng 6/2020. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu của Eurozone tăng nhanh hơn xuất khẩu. (Reuters)
* IMF thông báo sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình ở Belarus sau khi cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi việc hạn chế giải ngân quỹ dự trữ khẩn cấp cho chính phủ Tổng thống Alexander Lukashenko, người bị phương Tây chỉ trích đã gian lận bầu cử hồi tháng 8/2020.
Trước đó, phương Tây, bao gồm Anh, Canada và Mỹ, đã ra các lệnh trừng phạt lên các cá nhân và doanh nghiệp Belarus. (Reuters)
* Cơ quan Thống kê Quốc gia của Anh (ONS) ngày 12/8 công bố số liệu cho thấy kinh tế nước này đã tăng trưởng nhanh hơn dự đoán trong tháng 6, với mức tăng 1% nhờ sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ. GDP trong quý II của Anh cũng đã tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán kinh tế nước này sẽ phục hồi về các mức trước đại dịch vào quý IV năm nay, chậm hơn so với Mỹ. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 16/8 thông báo trong quý II/2021, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bất ngờ tăng trưởng trở lại với việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với quý I/2021, bất chấp việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba ở 10 trong tổng số 47 tỉnh, thành trong gần hai tháng. (TTXVN)
* Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Phát triển Nhật Bản gần đây cho thấy, gần 30% các công ty lớn trên khắp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư vốn vào các công nghệ để giảm lượng khí thải carbon dioxide, phản ánh những nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được một xã hội không có carbon. (Kyodo News)
* Ngày 13/8, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố chỉ số giá xuất khẩu tháng 7/2021 đạt 111,19 điểm (với mức chuẩn 100 điểm năm 2015), tăng 1,7% so với một tháng trước, đà tăng 8 tháng liên tiếp. Đây cũng là mức cao kỷ lục kể từ sau tháng 9 năm 2013 (111,38 điểm). (KBS)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã bắt đầu rời xa dầu mỏ, than đá và các tài nguyên gây ô nhiễm khác, xuất phát từ lực đẩy toàn cầu nhằm cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tổng công ty điện lực Perusahaan Listrik Negara (PLN) của Indonesia đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và có kế hoạch chuyển công suất than hiện nay sang năng lượng tái tạo từ năm 2025-2060.
Thái Lan cũng đang xem xét yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo lượng phát thải khí nhà kính và bắt các công ty không tuân thủ phải nộp phạt và đang soạn thảo kế hoạch trung hòa carbon để trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Tại Việt Nam, các ưu đãi thuế dành cho xe ô tô điện (EV) cũng đang được xem xét, bao gồm cả việc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô. (Nikkei Asia)
* Ngày 11/8, Bộ Công Thương Singapore (MTI) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này lên mức 6-7% cho năm 2021 (tăng so với dự báo trước đó ở mức 4-6% công bố vào tháng 11 năm ngoái) trong bối cảnh Singapore bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 từ tuần này và độ phủ vaccine hiện đã đạt mức trên 70% dân số.
Việc nâng dự báo tăng trưởng cũng dựa trên tình hình hoạt động tốt hơn so với dự kiến của nền kinh tế Singapore của trong nửa đầu năm 2021. GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 7,7% so với 6 tháng đầu năm 2020. (TG&VN)
* Ngày 17/8, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita đã công bố chiến lược thay thế 35% hàng nhập khẩu vào năm 2022 nhằm tăng khả năng tự chủ và thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.
Theo đó, Indonesia sẽ ưu tiên cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn trong năm 2019 như máy móc, hóa chất, kim loại, điện tử, thực phẩm, thiết bị điện, dệt may, ô tô, kim loại, cao su và các vật liệu làm bằng cao su.
Nước này cũng sẽ khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường tiện ích của ngành sản xuất trong nước và thúc đẩy đầu tư để sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. (TTXVN)