📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (6-12/8): Lạm phát ở Nga cao nhất 5 năm, Mỹ sắp hết khả năng vay nợ, kinh tế Trung Quốc gia tăng rủi ro

Hoàng Nam 13:50 | 12/08/2021
Lạm phát ở Nga cao nhất 5 năm, ngành vận tải biển toàn cầu khủng hoảng, Mỹsắp hết khả năng vay nợ, kinh tế Trung Quốc gia tăng rủi ro… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: China Daily)

Ngành vận tải biển toàn cầu khủng hoảng

Làn sóng dịch Covid-19 tăng mạnh trên toàn cầu, thiên tai ở Trung Quốc và châu Âu đang phủ bóng đen lên ngành vận tải quốc tế, gia tăng sức ép lên các chuỗi cung ứng toàn cầu còn chưa kịp phục hồi từ sau làn sóng trước của dịch Covid-19.

Từ năm ngoái, cuộc khủng hoảng ngành vận tải biển - vốn chiếm khoảng 80% thương mại toàn cầu, đã bùng lên khi đại dịch ngày càng lan rộng. Tàu chở hàng bắt đầu ùn ứ tại các cảng biển châu Âu, buộc giới xuất khẩu châu Á phải điều cả container rỗng quay đầu để sử dụng cho các hành trình khác.

Đến năm 2021, khi các biện pháp chống dịch dần được nới lỏng, ngành vận tải biển toàn cầu tưởng chừng đã thoát được nguy cơ khủng hoảng thì nay lại phải đối mặt với thách thức không hề nhỏ.

Đầu tiên là sự bùng nổ trong hoạt động mua sắm, khiến ngành vận tải biển bị thiếu hụt container một cách nghiêm trọng. Điều này đã gây ra tình trạng chậm trễ trong hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ, đồng thời khiến giá cả hàng hóa tăng cao cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nguy cơ lây lan mạnh từ biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã dẫn tới một loạt quốc gia đưa ra lệnh cấm thủy thủ từ tàu biển lên bờ.

Lệnh cấm khiến các thuyền trưởng không thể thay đội thủy thủ đã mệt mỏi sau chuyến đi dài và số thủy thủ bị mắc kẹt ngoài biển dù đã xong nhiệm vụ lên tới khoảng 100.000 người.

Cảng biển trên toàn cầu đang ở trong tình trạng tắc nghẽn chưa từng thấy trong hàng chục năm qua. Hiệp hội Cảng biển Trung Quốc cho biết, công suất vận tải hàng hóa bằng đường biển của nước này tiếp tục bị thắt chặt, khiến thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài.

Thời gian chờ tàu vào bến tại khu vực cầu cảng quốc tế Diêm Điền ở Thâm Quyến đã tăng đột biến, từ trung bình nửa ngày lên 16 ngày.

Tại một số cảng biển tại Đức, hoạt động vận tải hàng hóa đã chậm lại đáng kể và tình trạng này có thể kéo dài sang quý IV/2021, thậm chí lâu hơn.

Một mối lo khác nảy sinh là chi phí vận tải biển tăng vọt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Forbes, giá cước trên các tuyến từ Trung Quốc/Đông Á đi Bắc Âu hay sang Mỹ cũng tăng mạnh.

Cụ thể, giá một container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đi Rotterdam (Hà Lan) tăng tới 418% (lên 10.174 USD). Giá cước vận chuyển một container kích thước tương đương từ Liên Vân Cảng (Trung Quốc) đi Mỹ tăng vọt từ mức chỉ 2.000-3.000 USD lên hơn 10.000 USD. (SGGP)

Đầu tư toàn cầu vào công nghệ xanh tăng

Trong nửa đầu năm 2021, các công ty trên toàn cầu đã đầu tư 174 tỷ USD vào ngành công nghệ xanh - nhiều hơn 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tăng trưởng trên có được là nhờ số tiền kỷ lục huy động trên các thị trường đại chúng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các thị trường này đã huy động được 28,2 tỷ USD - gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời tăng 9% và đạt mức kỷ lục là 78,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, vẫn cần nhiều nỗ lực để cứu hành tinh khỏi tình trạng nóng lên toàn cầu. (Bloomberg)

Mỹ sẽ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu

Theo kênh truyền hình CNBC ngày 11/8, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng dầu nhằm hạn chế giá xăng dầu leo thang.

Theo CNBC, các quan chức Mỹ đã đàm phán với đại diện của OPEC là Saudi Arabia trong tuần này, cũng như với đại diện từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các thành viên OPEC+ khác.

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết các thị trường năng lượng cạnh tranh sẽ đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, đáng tin cậy, và OPEC+ phải tăng cường hành động để hỗ trợ sự phục hồi này.

Hồi tháng 7/2021, OPEC+ tuyên bố 23 thành viên của nhóm nhất trí từ tháng 8-12/2021 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức là hàng tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. OPEC+ sẽ "đánh giá các diễn biến thị trường" vào tháng 12 tới.

OPEC+ cũng nhất trí kéo dài thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022, thay vì đến tháng 4/2022 như kế hoạch trước đó. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ giảm giá khi dữ liệu công bố mới cho thấy sự gia tăng số lượng việc làm, làm tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng các gói kích thích. Trong tháng 7, Mỹ đã tăng thêm gần 1 triệu việc làm, vượt mức dự báo của các nhà phân tích.

Tính đến tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 5,4%, mặc dù cải thiện đáng kể song vẫn cao hơn tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm 2019. Các nhà đầu tư đã định giá lại lãi suất của Mỹ, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên 1,30 %. (Financial Times)

* Theo một cuộc khảo sát của Fed, trong tháng 7, kỳ vọng trung bình về lạm phát cho năm tới vẫn ở mức cao nhất 4,8%. Kỳ vọng về lạm phát trong 3 năm tới đã tăng nhẹ lên mức trung bình 3,7% từ mức 3,6% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013. (Reuters)

* Ngày 9/8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục hối thúc Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công, trong bối cảnh chính phủ nước này sắp hết khả năng vay nợ. Mỹ được dự đoán sẽ hết khả năng vay nợ vào tháng 10 tới, và nếu Quốc hội không thông qua việc nâng trần nợ, hiện đang ở mức 28.500 tỷ USD, điều này có thể dẫn đến kịch bản đóng cửa chính phủ hay vỡ nợ.

Nợ công của nước này tính đến tháng 6/2021 là 28.500 tỷ USD và thâm hụt trong năm 2021 ước tính sẽ lên tới 3.000 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục trong năm 2020. (Reuters)

Tính đến cuối tháng 7/2021, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã lên tới 3.235,9 tỷ USD, tăng 21,9 tỷ USD, tương đương 0,68% so với cuối tháng 6. (Nguồn: CNN)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo Bloomberg, các rủi ro của nền kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng trong nửa cuối năm 2021 với tốc độ tăng trưởng dần chậm lại và áp lực lạm phát ngày càng lớn. Một báo cáo công bố hôm 9/8 cho thấy giá hàng hóa giao tại cổng nhà máy đã tăng trở lại mức 9% trong tháng 7.

Cùng với đó, giá tiêu dùng lõi - ngoại trừ thực phẩm và năng lượng - chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong vòng 18 tháng qua. Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta cũng đang đe dọa triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.

JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2021 xuống còn 8,9%. Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của nước này xuống 8,3%, thấp hơn mức ban đầu 0,3%. (Bloomberg)

* Theo số liệu mới nhất do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố, tính đến cuối tháng 7/2021, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã lên tới 3.235,9 tỷ USD, tăng 21,9 tỷ USD, tương đương 0,68% so với cuối tháng 6.

Đại diện Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước nhận định, tuy tình hình kinh tế, tài chính quốc tế bấp bênh, bất ổn, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi ổn định và cải thiện, phát triển chất lượng cao đã đạt được những kết quả mới, cung cấp sự ổn định tổng thể của dự trữ ngoại hối. (THX)

* Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu ngoại thương trong 7 tháng đầu năm nay với tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 21,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT), tăng 24,5%. Trong số đó, xuất khẩu là 11,66 nghìn tỷ NDT, tăng 24,5%; nhập khẩu là 9,68 nghìn tỷ NDT, tăng 24,4%; thặng dư thương mại là 1,98 nghìn tỷ NDT, tăng 24,8% so với cùng kỳ. (TG&VN)

Kinh tế châu Âu

* Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra thương vụ Facebook mua lại Kustomer - một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Liên minh châu Âu (EU) lo ngại thương vụ này có thể củng cố hơn nữa sức mạnh của Facebook trên thị trường quảng cáo online, bổ sung thêm vào kho dữ liệu khổng lồ sẵn có của Facebook và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường cung ứng phần mềm CRM. (Reuters)

* Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Jens Weidmann cảnh báo các chính phủ về chi phí vay và hối thúc ECB thắt chặt chính sách tiền tệ trong trường hợp lạm phát tăng không bền vững, trong bối cảnh các nước Eurozone đẩy mạnh đi vay để ứng phó với đại dịch. Ông cũng đề xuất dừng chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) của ECB ngay khi đại dịch kết thúc. (Politico)

* Tình hình lạm phát ở Nga lên mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại, đạt 6,5% trong tháng 7 mặc dù giá thực phẩm có ghi nhận giảm. Nhằm phản ứng trước lạm phát tăng mạnh, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát và giữ đà phục hồi kinh tế đi đúng hướng. (The Moscow Times)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Tổng Giám đốc của Tập đoàn Nissan (Nhật Bản) cho biết Tập đoàn hiện đi đầu trong việc tái sử dụng pin ô tô điện cũ, dùng để lưu trữ điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng trong lĩnh vực vận tải đường sắt và rô-bốt vận chuyển trong các nhà máy.

Công nghệ này được dự báo sẽ thay đổi toàn bộ lĩnh vực sản xuất ô tô điện do các Tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất ô tô điện (như Tesla, Volkswagen) đều chưa có các công nghệ tái sử dụng pin. Đây được coi là thành tựu to lớn đối với Nissan, đặc biệt khi tập đoàn đặt mục tiêu ngừng sản xuất xe tiêu thụ năng lượng hoá thạch vào năm 2030. (Financial Times)

* Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng 6/2021 đạt 8,85 tỷ USD, là tháng thặng dư tài khoản vãng lai thứ 14 liên tiếp. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đang trên đà phục hồi nhờ xuất khẩu chip và ô tô tăng mạnh, đồng thời cải thiện nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 do biến thể Delta đã ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế của quốc gia này. Thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc trong năm 2022 dự kiến đạt 65 tỷ USD. (Yonhap)

* Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI), nền kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều bất ổn, trong bối cảnh đà phục hồi nhu cầu trong nước có thể chậm lại khi số ca lây nhiễm dịch Covid-19 gần đây gia tăng đột biến. BoK đã đưa ra dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tại Hội nghị Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 14 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 6/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã kêu gọi Nhật Bản và các nước Mekong tăng cường hợp tác phục hồi kinh tế ở tiểu vùng sông Mekong thông qua tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao tính ổn định và khả năng phục hồi thông qua tạo thuận lợi cho việc đi lại, thúc đẩy kết nối vật lý, phần mềm và kỹ thuật số, kiến thức kỹ thuật số và an ninh mạng, nhằm giúp các khu vực công, tư nhân và nhân dân ứng phó với môi trường bình thường mới. (TTXVN)

* Cục Thống kê Malaysia (DOSM) công bố doanh thu ngành chế tạo của Malaysia trong 6/2021 đạt 124,4 tỷ RM (hơn 29,6 tỷ USD), tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,3% so với tháng 5/2021.

Số lao động trong ngành chế tạo là 2.215.420 người (tăng 1,2%). Trong Quý II/2021, doanh thu của ngành chế tạo của Malaysia đạt 377,7 tỷ RM, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2020. (TTXVN)

* Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) công bố số vốn đầu tư đăng ký trong nửa đầu năm 2021 vào Thái Lan đat 386 tỷ Baht (11,5 tỷ USD), tăng 158% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tính riêng các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) có tổng giá trị đăng ký 279 tỷ Baht, tăng gần 400% so với cùng kỳ năm 2020. (Reuters)

* Hội đồng Kinh doanh Brazil - Trung Quốc (CEBC) công bố Brazil thu hút khoảng 66,1 tỷ USD vốn FDI từ Trung Quốc trong 14 năm qua, chiếm tới 47% nguồn lực mà quốc gia châu Á đầu tư cho các dự án sản xuất trên khắp Nam Mỹ kể từ năm 2007 và đưa Brazil trở thành quốc gia đứng đầu Mỹ Latinh về thu hút FDI từ Trung Quốc.

FDI của Trung Quốc đầu tư vào Brazil trong giai đoạn trên đã mang lại lợi ích cho 176 dự án sản xuất khác nhau tại Brazil, tạo ra 34.500 việc làm. (TTXVN)

* Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean (CEPAL) cho biết dòng vốn FDI đầu tư vào khu vực đạt 105,48 tỷ USD, giảm 34,7% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ 2010. Phần lớn nguồn vốn nước ngoài vào khu vực này vẫn chủ yếu đến từ châu Âu mặc dù đã giảm gần một nửa so với năm 2019, trong khi FDI từ Mỹ tăng thêm 10 điểm phần trăm, chiếm 37% tổng vốn FDI đầu tư vào Mỹ Latinh. (TTXVN)