📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23/7-30/7): Giá vàng tiến thẳng mốc 2.000 USD, mức độ nguy hiểm của Covid-19, Mỹ vẫn khó đồng thuận về gói cứu trợ

Chu Văn 13:45 | 30/07/2020
TGVN. Giá vàng tăng mạnh chưa từng thấy, Covid-19 kéo thương mại toàn cầu giảm 18,5%, bước đi cuối cùng của Airbus chấm dứt tranh chấp với Mỹ ... là một số tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.  

Kinh tế toàn cầu

Vượt mốc lịch sử giá vàng thẳng tiến 2.000 USD/ounce

Sự kết hợp giữa căng thẳng leo thang Mỹ-Trung Quốc, những lo ngại kéo dài về tác động kinh tế của Covid-19 đã tiếp thêm nhiên liệu cho đà tăng của vàng và dường như động lực này chưa thể tiêu tan ngay trong thời gian tới.

Giá vàng thế giới vẫn đang tăng mạnh chưa từng thấy và liên tục lập các kỷ lục mới. Ngày 27/7, trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.930 USD/ounce, chính thức vượt mốc lịch sử năm 2011 (1.921 USD/ounce).

Chuyên gia Marc Chandler, Chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex cho rằng, giá vàng có thể dễ dàng đạt 2.000 USD/ounce trước khi đợt tăng hiện tại dừng lại. Thị trường vàng đã chứng kiến đà tăng ấn tượng trong vài tháng qua khi nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn vì dịch Covid-19. Theo các nhà phân tích, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang đổ thêm dầu vào lửa cho sự trỗi dậy của vàng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến ngân hàng trung ương các nước hải thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ, bơm hàng nghìn tỷ USD để ổn định thị trường tài chính. Những biện pháp kích thích này đã đẩy lợi suất trái phiếu thấp đáng kể, là môi trường hoàn hảo cho vàng tăng. (Kitco News)


Covid-19 kéo thương mại toàn cầu giảm 18,5%

Theo WTO, thương mại toàn cầu đã chịu ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp hạn chế nhập khẩu cũ và mới trong giai đoạn Covid-19 ngay khi các nền kinh tế cần tái thiết.

Trong báo cáo công bố 6 tháng một lần, WTO cho rằng, một số hạn chế xuất khẩu áp dụng đối với khẩu trang y tế, dược phẩm và thiết bị y tế khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát đang được dỡ bỏ. Theo các ước tính ban đầu của WTO cho quý 2 vừa qua, dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa được áp đặt đã gây ảnh hưởng đến phần lớn người dân trên toàn thế giới, thương mại toàn cầu sẽ bị sụt giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. (Vietstock)


APEC tái khẳng định ưu tiên phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Ngày 25/7, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã tái khẳng định ưu tiên phục hồi kinh tế do Covid-19 tại hội nghị trực tuyến do Malaysia chủ trì.

Trong một tuyên bố chung, Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nền kinh tế thành viên APEC đã tái khẳng định cam kết “giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19, nhanh chóng đưa APEC hướng tới lộ trình phục hồi kinh tế nhanh chóng, toàn diện và bền vững”. Theo tuyên bố chung nói trên, các nền kinh tế thành viên APEC nhận thức được tầm quan trọng của môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, minh bạch và có thể dự đoán, để thúc đẩy sự hồi phục kinh tế trong giai đoạn nhiều thách thức như hiện nay. (THX)


Mỹ-EU

Bước đi cuối cùng của Airbus chấm dứt tranh chấp với Mỹ

Hãng chế tạo máy bay hàng đầu châu Âu Airbus thông báo đã đồng ý nâng khoản tiền lãi suất mà hãng phải trả cho các khoản vay được Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha cung cấp để phát triển máy bay A350 lên mức mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đánh giá là hợp lý.

Bước đi này được Airbus kỳ vọng sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương về vấn đề trợ cấp hàng tỷ USD cho các hãng máy bay. Airbus cho biết, đã đạt được thỏa thuận trên với Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha, nhấn mạnh quyết định này cho thấy hãng "hoàn toàn tuân thủ tất cả các quy tắc của WTO". Tuyên bố nêu rõ, sau 16 năm đưa vấn đề trên ra kiện tụng tại WTO, đây là bước đi cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài cũng như loại bỏ mọi sự biện minh cho các khoản thuế mà Mỹ áp đặt. Airbus cũng cho hay ảnh hưởng từ những biện pháp thuế quan từ phía Mỹ, cùng với sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, là lý do khiến hãng nỗ lực giải quyết cuộc tranh chấp hiện nay. (AFP).


Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã thống nhất về dự luật gói cứu trợ Covid-19 mới trị giá 1.000 tỷ USD gồm các khoản hỗ trợ 1.200 USD cho người dân, doanh nghiệp, trường học, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp liên bang

Bộ trưởng Tài chính Mỹ hy vọng sẽ sớm có thế thỏa hiệp được với Đảng Dân chủ để đệ trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ tỏ ý không đồng tình với cách tiếp cận vụn vặt. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, phe Dân chủ đang “nóng lòng để đàm phán” một gói cứu trợ tổng thể trị giá 3.000 tỷ USD; gói này đã được thông qua bởi Hạ viện nhưng đã không được Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát, thông qua. (CNBC)


Trung Quốc

Kết quả thăm dò của Reuters dự báo, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ hồi phục ổn định từ nay đến cuối năm nhờ các biện pháp kích cầu, nhưng cầu xuất khẩu yếu và căng thẳng Mỹ-Trung là những rủi ro đáng kể. Dự kiến nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 2.2% trong năm 2020, tăng 0.4 điểm so với kết quả hồi tháng 4.

Những tuần qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, nhằm giảm thiểu tác động từ bất ổn toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ lên cao. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, hy vọng thị trường nội địa khổng lồ là động lực tăng trưởng mới khi chủ nghĩa bảo hộ và rủi ro địa chính trị lên cao sẽ khó thành hiện thực, nếu nước này không đẩy mạnh cải cách cấu trúc kinh tế. Để chuyển sang dựa vào nội nhu, tiêu dùng và đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ phải được cải thiện. Muốn vậy, Bắc Kinh phải vượt qua những hạn chế cốt lõi, từ phân hóa giàu nghèo sâu sắc đến vai trò quá lớn của nhà nước trong nền kinh tế. (Reuters, SCMP)


Châu Âu

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt kéo dài 5 ngày của EU đã đạt thoả thuận về ngân sách dài hạn 2021-2027 và Quỹ phục hồi hậu Covid-19 với 465 phiếu thuận, 150 phiếu chống và 67 phiếu trắng.

Nghị viện châu Âu đánh giá Quỹ phục hồi là bước tiến tích cực để giúp hồi phục nền kinh tế châu Âu, tuy nhiên không hài lòng do ngân sách dài hạn 2021-2027 là “chưa thoả đáng”, đặc biệt là việc cắt giảm tài trợ cho “các chương trình định hướng tương lai”, như chuyển đổi xanh, kỹ thuật số, R&D, chương trình Eramus, cũng như “làm suy yếu” các nguyên tắc về pháp trị trong các điều kiện để nhận tiền.

Đức, Pháp và Ba Lan sẽ là những nước được hưởng lợi thực chất nhiều nhất từ Quỹ phục hồi, cụ thể Đức được 47,2 tỷ Euro (thay vì 33,8 tỷ Euro như dự kiến), Pháp 58,1 tỷ Euro (thay vì 50,7 tỷ Euro), Ba Lan nhận được 124 tỷ Euro trợ cấp không hoàn lại và 34 tỷ Euro khoản vay lãi suất thấp. Trong khi đó, các nước còn lại nhận được ít hơn, như Hà Lan được 6,4 tỷ Euro (thay vì 8,9 tỷ Euro) và Áo được 3,17 tỷ Euro (thay vì 4,79 tỷ Euro) (APA, ORF)


Hàn Quốc-Nhật Bản

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế và lạm phát hàng quý sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày cho biết, nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ giảm 4,7% trong năm tài khóa 2020 nhưng tăng trưởng 3,3% trong năm tài khóa 2021. Với tốc độ phục hồi kinh tế ở mức vừa phải, khó để đạt được đà lạm phát 2% trong giai đoạn dự báo. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định duy trì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá 110 nghìn tỷ yên, bao gồm các chương trình cho vay không lãi suất hỗ trợ các công ty và thu mua trái phiếu doanh nghiệp các loại (Japan Times, Kyodo)

Ngày 27/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết, Chính phủ nước này sẽ sử dụng tất cả các phương tiện chính sách có thể để khôi phục nền kinh tế.

Tổng thống Moon cho biết, quý 3/2020 là giai đoạn quan trọng để giúp kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi sự suy thoái do ảnh hưởng của Covid-19 sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, đặc biệt quý 2/2020 nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đã suy giảm đến 3,3%, mức sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.(Yonhap News)