Kinh tế thế giới tuần qua
OPEC+ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+), ngày 3/2 đã bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu thô trong năm 2021.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp hàng tháng của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng OPEC+ dưới hình thức trực tuyến, các thành viên liên minh dầu mỏ này đã thể hiện sự “lạc quan” về sự phục hồi của thị trường trong năm 2021. OPEC+ cho rằng, quá trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang từng bước được triển khai trên toàn thế giới sẽ là nhân tố tích cực trong năm nay, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Kể từ đầu tháng 11/2020, niềm tin đã trở lại trên thị trường dầu mỏ khi giá “vàng đen” dần phục hồi và hiện được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng, tương đương mức giá của giai đoạn đầu năm ngoái. Giá dầu đã được hỗ trợ sau khi các thành viên OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng để đối phó với nhu cầu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo kế hoạch, OPEC+ tiếp tục cắt giảm 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2 này và 7,05 triệu thùng/ngày trong tháng 3 tới. Bên cạnh đó, Saudi Arabia đã cam kết cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 2-3/2021 để duy trì sự cân bằng trên thị trường. (OPEC)
WEF kỳ vọng thúc đẩy hợp tác toàn cầu ngăn Covid-19 và thúc đẩy kinh tế
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021 (WEF) trực tuyến đã diễn ra từ ngày 25-29/1/2021. Với chủ đề "Một năm quan trọng để xây dựng lại niềm tin", hơn 1.500 nhà lãnh đạo từ các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp của hơn 70 quốc gia và khu vực đã tham dự Diễn đàn.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng, chương trình nghị sự của hội nghị Davos đặt trọng tâm vào các vấn đề, gồm tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu. Hội nghị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Hội nghị thường niên đặc biệt năm 2021 của WEF tại Singapore sẽ được triệu tập vào ngày 17-20/8. Hội nghị theo hình thức trực tiếp này đã bị lùi lại 3 tháng so với dự kiến trước đó là ngày 25-28/5, do những thách thức liên quan tới đại dịch Covid-19. (WEF)
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ sẽ xem xét lại thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ xem xét tất cả các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia mà cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra, bao gồm cả thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết vào tháng 1/2020.
Tại một cuộc họp báo, bà Psaki cho biết, Chính quyền ông Biden sẽ chưa thay đổi với khoản thuế mà nước Mỹ đang áp lên 370 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi quá trình xem xét được tiến hành. Tại phiên điều trần trước các nhà lập pháp vào tuần trước, tân Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng phát đi tín hiệu sẽ triển khai đánh giá toàn diện về cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại của Trung Quốc. Bà đồng thời nhấn mạnh, Washington sẽ làm việc với các đồng minh để giải quyết những hành vi "mang tính lạm dụng" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. (Bloomberg)
Anh-EU
Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/1 đã đột ngột đảo ngược kế hoạch sử dụng các biện pháp khẩn cấp trong thỏa thuận Brexit để hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 qua biên giới Cộng hòa Ireland sang Vương quốc Anh.
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố biện pháp giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca gia tăng, liên quan đến vấn đề giao nhận vaccine. Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực với các nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vaccine đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC.
Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vaccine cho các nước ngoài khối, đồng thời trình kế hoạch xuất khẩu trước 3 tháng. Ban đầu, biện pháp này dự kiến được thực hiện trong 6 tuần, nhưng sau đó đã được gia hạn đến ngày cuối tháng 3/2021. Động thái trên của EC đã vấp sự phản đối kịch liệt từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có nguy cơ châm ngòi mâu thuẫn với Anh vài tuần sau khi nước này chính thức hoàn tất việc rút khỏi EU. Bắc Ireland cũng lên tiếng kịch liệt phản đối quyết định ban đầu của EU. (BBC)
Kinh tế Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ ước tính, tăng trưởng GDP Quý IV năm 2020 của Mỹ là 4%, thấp hơn 0,3 điểm % so với dự báo. Tăng trưởng GDP cả năm của Mỹ - 3,5%, được đánh giá là thấp nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới II kết thúc. Tăng xuất khẩu, đầu tư, chi tiêu, tiêu dùng… đã đóng góp tích cực vào GDP quý IV, trong khi chi tiêu chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương giảm trên diện rộng đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân chiếm 68% các hoạt động kinh tế Mỹ với tốc độ tăng là 2,5% trong quý IV.
Tổng đầu tư trong nước của khu vực tư nhân tăng 25,3%, nhưng chi tiêu và đầu tư của Chính phủ giảm 1,2%. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt là 22% và 29,5%. Kinh tế được dự báo sẽ phục hồi mạnh vào cuối năm 2021, khi vaccine được phân phối rộng rãi hơn và nền kinh tế có thể trở lại mức bình thường. (CNBC)
Hiệp hội thương mại nông sản và thực phẩm đã thúc giục các nhà lãnh đạo Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ sớm bỏ phiếu xác nhận bà Katherine Tai là Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ. Các doanh nghiệp cho rằng, bà Katherine Tai có trình độ và hiểu rõ nhiệm vụ của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong việc mở cửa thị trường nước ngoài, giảm rào cản đối với các công nhân và nhà xuất khẩu thực phẩm, nông nghiệp Mỹ, vì lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Đồng thời, bà Tai cũng được đánh giá cao về khả năng tạo dựng sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với các chính sách thương mại toàn cầu của Mỹ. (Inside Trade)
Kinh tế Trung Quốc
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 đạt mức 2%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số dự báo là 1,9%. WB dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2021 sẽ đạt 7,9%, so với mức 8,2% của IMF. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu trong nước của Trung Quốc trong năm 2021 sẽ có không gian để tăng trưởng, khi người tiêu dùng hướng tới việc chi tiêu vượt số tiết kiệm tích lũy được trong năm 2020 và khi niềm tin vào khả năng kiềm chế dịch Covid-19 được củng cố. (TTXVN)
Theo số liệu được công bố bởi Cục Thống kê Quốc gia NBS, thị trường lao động Trung Quốc đã ghi nhận 11,86 triệu việc làm mới được tạo ra trong khu vực kinh tế thành thị năm 2020, hoàn thành 131,8% mục tiêu đặt ra trong năm.
Tính đến tháng 12/2020, tỷ lệ thất nghiệp thành thị đạt 5,2%, không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân cả nước ước tính 3,8%. Tại cuộc họp tổng kết năm 2020 (15/12/2020) của Bộ Chính trị Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu quốc gia này đã tập trung vào đề xuất cải cách kinh tế từ phía cầu, mục tiêu tối ưu hóa hệ thống phân phối thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội, để củng cố sức mạnh thị trường lao động trong nước, qua đó nâng cao sức mạnh và tiềm năng chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình trên cả nước. (THX)
Châu Âu
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định, cho đến nay, các ngân hàng lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã ứng phó tốt với cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng có thể đang đối mặt với những rủi ro lớn từ các khoản nợ xấu.
ECB nhận định, tình hình kinh tế xấu đi cùng với việc một số biện pháp hỗ trợ sẽ kết thúc trong năm 2021, nợ xấu có thể làm gia tăng những tác động bất lợi và ECB khuyến nghị các ngân hàng tuân thủ sự chỉ dẫn về các giải pháp dự phòng, tăng cường giám sát một số lĩnh vực quan trọng có nguy cơ nợ xấu tăng bất ngờ. Tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo đại dịch Covid-19 vẫn gây ra "những rủi ro nghiêm trọng" cho hệ thống y tế công, cũng như nền kinh tế Eurozone và toàn cầu. Theo bà, triển vọng tăng trưởng của Eurozone "vẫn nghiêng về hướng suy giảm nhưng ít rõ rệt hơn". (AFP)
Bulgaria có thể trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của EU. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ là một trong những trọng tâm cải tiến mới trong kế hoạch khôi phục của EU mà Chính phủ Bulgaria sẽ đề xuất trong thời gian tới.
Nước này mong đợi khoản tài trợ 7,7 tỷ Euro từ kế hoạch khôi phục của EU, nhưng các đề xuất ban đầu đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các doanh nghiệp vì thiếu ý tưởng và tham vọng phát triển. Bà Mariya Gabriel, Cao ủy EU về Đổi mới và Nghiên cứu cho rằng, Bulgaria là một “nước tiên phong” tiềm năng của EU trong lĩnh vực công nghệ mới. Hiện có 47 công ty khởi nghiệp của nước này đang nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo. Kế hoạch phục hồi hiện tại của Bulgaria là thành lập một quỹ đặc biệt cho các dự án khoa học và đổi mới trị giá 220 triệu Euro. (TTXVN)
Anh chính thức nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 1/2/2021.
Ngày 31/1, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss thông báo sẽ chính thức đề nghị với những người đồng cấp Nhật Bản và New Zealand về việc gia nhập CPTPP vào ngày 1/2. Theo Chính phủ Anh, việc gia nhập CPTPP sẽ loại bỏ các loại thuế đối với thực phẩm, đồ uống và xe hơi, đồng thời giúp thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ. Bộ Thương mại Anh cũng cho biết, các cuộc đàm phán về việc Anh gia nhập CPTPP dự kiến sẽ được tiến hành trong năm nay. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, London đang thiết lập các mối quan hệ đối tác mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân sau khi rời EU. Việc đăng ký trở thành quốc gia tiếp theo tham gia CPTPP thể hiện quyết tâm của Anh muốn hợp tác với bạn bè và đối tác trên khắp thế giới trong điều kiện tốt nhất, đồng thời đóng góp và ủng hộ tích cực nền thương mại tự do toàn cầu. (Reuters)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Hạ viện Nhật Bản ngày 26/1 đã thông qua gói ngân sách bổ sung thứ ba trong tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021) tập trung cho chính sách khôi phục nền kinh tế. Ngân sách bổ sung lần này bao gồm 4.358,1 tỷ Yen để triển khai chính sách phòng chống dịch Covid-19 và 573,6 tỷ Yen để triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Dự toán ngân sách bổ sung lần thứ ba của tài khóa 2020 sẽ được Thượng viện Nhật Bản thảo luận và thông qua trong ngày 28/1. Tổng chi ngân sách của Nhật Bản trong tài khóa 2020, bao gồm ba khoản ngân sách bổ sung, đã ghi nhận mức cao kỷ lục nhất từ trước đến nay là 175.687,8 tỷ Yen, gấp 1,7 lần so với dự toán ngân sách ban đầu. (Nikkei)
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, Hàn Quốc đã duy trì các quy định giãn cách xã hội ở cấp độ 2,5 (mức cao nhất là cấp độ 3) trong khoảng hai tháng qua. Hàn Quốc đang chuẩn bị ban hành đạo luật bảo vệ các chủ doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Thủ tướng Hàn Quốc thừa nhận, hỗ trợ tài chính của Chính phủ nước này cho các chủ doanh nghiệp nhỏ có thể không đủ để bù đắp những thiệt hại mà họ đã phải gánh chịu. Bắt đầu từ đầu tháng này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu phân phát tiền cứu trợ đợt ba cho khoảng 2,88 triệu chủ doanh nghiệp nhỏ và những người làm nghề tự do bị thiệt hại do Covid-19. (TTXVN)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Những kết quả tích cực trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam trở thành “ngôi sao đang lên” trong bản đồ kinh tế thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế toàn cầu đang rơi vào thời kỳ suy thoái thời bình tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Riêng Việt Nam được ví như “điểm đến đầu tư hứa hẹn” khi có mức tăng trưởng GDP trong năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam cần có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả để nâng cao hơn nữa chất lượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có định hướng phát triển bền vững, hỗ trợ hạ tầng, công nghệ và bí quyết quản lý. (SGGP)
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, nước này sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư thân thiện với môi trường để tạo ra giá trị bền lâu. Indonesia đang bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vì một nền kinh tế xanh. Đại dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy quá trình phát triển công nghệ và số hóa các nền kinh tế trên thế giới. Người dân tại nhiều quốc gia ngày càng quen và cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện mua sắm trực tuyến và làm việc tại nhà bằng các công cụ kết nối Internet. (Jakarta Post)
Theo Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) của Singapore, lĩnh vực chế tạo sản xuất là điểm sáng tăng trưởng trong cả năm 2020 của nước này. So với cùng kỳ năm 2019, sản lượng các nhà máy trong tháng 12/2020 tiếp tục gia tăng 14,3%. Sản lượng của nhóm ngành hóa chất trong tháng 12 tăng 12,3%, lĩnh vực cơ khí chính xác của Singapore trong tháng 12/2020 cũng đã tăng trưởng 11%. Trong khi đó, sản lượng chế tạo sản xuất của các ngành công nghiệp chung trong tháng 12/2020 cũng tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Ở chiều ngược lại, sản lượng của phân khúc hàng không vũ trụ giảm 41,8%. (EDB)
Bộ Thương mại Myanmar ngày 25/1 thông báo hoạt động xuất khẩu các sản phẩm hàng công nghiệp trong quý I của tài khóa 2020/2021 đem về cho nước này khoản tiền hơn 2,02 tỷ USD. Theo đó, giá trị xuất khẩu ba tháng đầu của tài khóa 2020/2021 giảm 1,03 tỷ USD so với cùng kỳ tài khóa 2019/2020. Trong quý I tài khóa 2020/2021, Myanmar xuất khẩu lượng hàng hóa với tổng giá trị hơn 4,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 4,56 tỷ USD, qua đó nhập siêu 230 triệu USD. sản phẩm hàng công nghiệp hoặc lĩnh vực sản xuất công nghiệp đứng đầu trong danh sách các Mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất của Myanmar, tiếp đến là nông nghiệp và khai khoáng. Khoảng 80% hoạt động thương mại của Myanmar được thực hiện qua đường biển. (MMTimes)
Chính phủ Thái Lan sẽ dành tổng cộng 24,4 tỷ Baht (khoảng 814 triệu USD) để chi cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tài khóa 2022, tăng so với mức 19,9 tỷ baht trong tài khóa 2021. Năm 2020, tổng chi tiêu của Thái Lan cho R&D ước tính khoảng 166 tỷ Baht, tương đương 1,09% GDP. Khu vực tư nhân đóng góp 71%, phần còn lại đến từ khu vực chính phủ. Tổng chi tiêu của Thái Lan cho R&D năm 2021 ước tính đạt 270 tỷ baht, chiếm 1,5% GDP, chủ yếu do khu vực tư nhân thực hiện với mức dự kiến chiếm 70% chi tiêu cho R&D. (Bangkok Post)