📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (6/11-12/11): Ông Biden sẽ có giọng điệu thận trọng hơn với Trung Quốc, ô tô Nhật 'bỗng dưng' bán chạy

Chu Văn 10:57 | 12/11/2020
TGVN. Ông Biden sẽ có giọng điệu thận trọng hơn về quan hệ Mỹ-Trung, giá dầu có thể lên 60USD, EU vẫn để ngỏ khả năng đình chiến với Mỹ dưới thời ông Joe Biden, ô tô Nhật Bản bán chạy... là các tin kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.
Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (6/11-12/11): Ông Biden sẽ có giọng điệu thận trọng hơn với Trung Quốc, ô tô Nhật Bản bán chạy, giá dầu được dự báo sẽ tăng lên 60 USD...

Kinh tế thế giới

Giá dầu được dự báo sẽ tăng lên 60 USD

Giá dầu đã tăng tới 14% chỉ trong hơn 2 phiên giao dịch và đang ở mức cao nhất hơn 2 tháng. Giá dầu thô Brent phiên giao dịch sáng 11/11 trên thị trường London (giờ địa phương) tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng, vượt 45 USD/thùng, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào một loại vaccine có hiệu quả trong việc chống Covid-19, giữa bối cảnh tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến.

Như vậy, xu hướng tăng của hai phiên đầu tuần đang được giữ vững (giá đã tăng 8% trong phiên 9/11, tăng tiếp 3% trong phiên 10/11). Cả hai loại dầu này đều đã tăng giá khoảng 14% kể từ đầu tuần đến nay, nhờ thông tin về vaccine chống Covid-19 của Pfizer phối hợp với BioNTech (của Đức) sản xuất cho thấy hiệu quả lên tới 90%. Trong khi đó, tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng trong tuần qua, xuống 482 triệu thùng, trong khi kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo là chỉ giảm 913.000 thùng.

Mặc dù giá đang tăng, song các chuyên gia vẫn cẩn trọng khi dự báo về triển vọng thị trường dầu. UBS cho biết, việc Châu Âu tái phong tỏa và Libya khôi phục sản xuất dầu có thể gây áp lực giảm giá trong ngắn hạn, nhưng ngân hàng này vẫn mạnh dạn dự báo giá sẽ tăng lên 60 USD/thùng vào cuối năm 2021, trên cơ sở nhận định các nhà sản xuất sẽ cắt giảm nguồn cung. (Reuters)


Mỹ-Trung Quốc

Chiến thắng dự kiến của cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua cho thấy sự chuyển hướng sang một cách tiếp cận đa phương hơn đối với thương mại và một chương trình nghị sự ít tham vọng hơn để tạo ra các thỏa thuận mới.

Bên cạnh đó, chính sách thương mại của ông Joe Biden được dự báo vẫn cứng rắn tương tự như của đương kim Tổng thống Donald Trump, nhưng có kế hoạch và dễ đoán hơn. Trong giai đoạn tranh cử, ông Biden cam kết hợp tác chặt hơn với các đồng minh của Mỹ để đối phó Trung Quốc về thương mại. Ông cũng được dự báo không sớm gỡ bỏ thuế nhập khẩu của người tiền nhiệm lên nhôm, thép nhập khẩu, cũng như hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và châu Âu. Các nhà ngoại giao, chuyên gia phân tích và cựu quan chức cố vấn cho rằng, ông sẽ có giọng điệu thận trọng hơn so với ông Trump, sẽ tăng đầu tư nhằm duy trì lợi thế của Mỹ với Trung Quốc trong các ngành công nghệ chủ chốt như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và 5G. (CNBC)


Mỹ-EU

Ngày 9/11, EU cho biết sẽ xúc tiến việc áp đặt thuế lên 4 tỷ USD hàng hoá Mỹ trong vụ trả đũa qua lại về việc trợ giá cho các hãng sản xuất máy bay của nhau. Dù vậy, EU vẫn để ngỏ khả năng đình chiến dưới thời ông Joe Biden. Theo biện pháp trả đũa của châu Âu, khu vực này sẽ đánh thuế 25% lên mặt hàng máy bay nhập khẩu từ Mỹ và 15% đối với hàng loạt mặt hàng khác như thuốc lá, các loại hạt, nước ép trái cây, túi xách… (CNBC)


EU-Anh

Liên minh Châu Âu (EU) và Anh nối lại đàm phán thương mại dự kiến đầu tuần 16-22/11. Đây là thông báo mới nhất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra ngày 7/11 sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Mặc dù đã đạt được một số tiến triển, nhưng vẫn còn những khác biệt lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực đánh bắt cá và cạnh tranh công bằng. Chủ tịch von der Leyen và Thủ tướng Johnson đều nhất trí duy trì các kênh tiếp xúc cá nhân, được đánh giá là tín hiệu cho thấy các nỗ lực chính trị đang được thúc đẩy để đảm bảo EU và Anh đạt được một thỏa thuận đối tác thương mại mới trước khi giai đoạn quá độ Brexit kết thúc vào ngày 31/12 tới. Trước thời hạn này, EU và Anh cần có vài tuần để thỏa thuận được cơ quan lập pháp xem xét và phê chuẩn. (THX)


Kinh tế Mỹ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, mặc dù trong bối cảnh tăng trưởng việc làm chậm lại, các ca nhiễm Covid-19 gia tăng và kết quả bầu cử có thể cản trở gói kích thích tài chính. Phố Wall dự đoán kết quả bầu cử Tổng thống có thể tháo gỡ nút thắt cuối cùng, thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách của Fed tăng cường chính sách kích thích kinh tế trong tương lai. Kể từ cuộc họp cuối cùng của Fed vào giữa tháng 9, số lượng tăng trưởng việc làm đã chậm lại và các trường hợp nhiễm Covid đã tăng lên. Hiện tại, mỗi tháng Fed mua khoảng 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp. (TGVN)

Ngày 6/11, Bộ Lao động cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống còn 6,9% và các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 638.000 việc làm trong tháng 10/2020. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nam giới là 6,7% và nữ là 6,5%. Tỉ lệ gia tăng việc làm đáng chú ý trong lĩnh vực giải trí và khách sạn (tăng 271.000 việc làm), dịch vụ và kinh doanh (tăng 208.000 việc làm), thương mại bán lẻ (tăng 104.000 việc làm), xây dựng (thêm 84.000 việc làm). (Abc News)


Kinh tế Trung Quốc

Phó hiệu trưởng Đại học Nhân Dân Trung Quốc Lưu Nguyên Xuân đã chỉ ra 5 thách thức chủ yếu đối với phát triển kinh tế và xã hội Trung Quốc trong thời kỳ "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14", bao gồm: (i) Bẫy thu nhập trung bình; (ii) Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc; (iii) Cải cách toàn diện; (iv) Phát triển xã hội của Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với phát triển kinh tế, vấn đề mất cân bằng và kém phát triển đang nổi lên và phản ánh tại một số lĩnh vực dân sinh, cũng như mạng lưới an toàn xã hội chưa thực sự đáng tin cậy; (v) Cần cải thiện hiện tượng phân cực tồn tại trong phân bổ thu nhập như hiện nay, thu hẹp khoảng cách giữa phân phối thu nhập thành thị - nông thôn và khoảng cách phân bổ thu nhập theo vùng miền, để có thể mở rộng hơn nữa tầng lớp thu nhập trung bình, từ đó kích thích tiềm năng tiêu dùng.(Economic Times)

Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 8,9% so với dự báo của Bloomberg), nhập khẩu lại giảm nhiệt, chỉ tăng 4,7% trong tháng 10 (giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, ngoại thương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phục hồi tốt hơn so với nhiều dự báo, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm y tế. Theo báo cáo “Nhập khẩu dịch vụ Trung Quốc 2020” được công bố tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ 3 (đang diễn ra tại Thượng Hải), nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới trong 7 năm liên tiếp, kể từ năm 2013, trong đó 10 đối tác hàng đầu cung cấp dịch vụ cho Trung Quốc là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Đức, Vương quốc Anh, Canada, Hàn Quốc, Singapore, Nga và Pháp, với kim ngạch 264,22 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng giá trị nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc. (Bloomberg)


Châu Âu

Chính phủ Đức ngày 7/11 cho biết, nước này đã kéo dài thời hạn chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 tới giữa năm 2021, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các lao động tự doanh trong thời kỳ khủng hoảng này. Chương trình cứu trợ trên cho phép các doanh nghiệp đăng ký các khoản vay được nhà nước hỗ trợ lên đến 25% doanh thu của họ trong năm 2019, với tối đa 800.000 Euro (950.900 USD). Các khoản cho vay này được cung cấp bởi ngân hàng KfW thuộc sở hữu nhà nước của Đức. Chương trình này cũng sẽ được mở rộng đối tượng áp dụng, bao gồm những người tự kinh doanh và các công ty có tối đa 10 nhân viên. Chính phủ Đức cũng cam kết hỗ trợ thêm 10 tỷ Euro cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa mới từ tháng 11 này như nhà hàng, quán bar, trung tâm văn hóa và giải trí. Các biện pháp trên được đưa ra khi Đức liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới dịch Covid-19 gia tăng. (AFP)


Nhật Bản và Hàn Quốc

Doanh số ô tô tại Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10/2020, sau quãng thời gian sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Hiệp hội kinh doanh ô tô Nhật Bản, doanh số ô tô tại thị trường Nhật Bản trong tháng 10/2020 đạt 406.851 chiếc, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh số của dòng xe phổ thông và xe tải đạt 253.304 chiếc, tăng 31,6%; dòng xe đô thị cỡ nhỏ đạt 153.547 chiếc, tăng 25,6%. Doanh số ô tô tại Nhật Bản bắt đầu đi xuống kể từ khi chính phủ nước này tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào tháng 10/2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh số ô tô tại thị trường Nhật Bản trong tháng 4/2020 - thời điểm chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc - đã ghi nhận mức giảm là 28,6%, Tháng 5/2020 ghi nhận mức giảm tới 44,9%.

Kể từ tháng 6/2020, doanh số ô tô tại Nhật Bản bắt đầu phục hồi, mức độ sụt giảm được thu hẹp, trong đó tháng 9/2020 ghi nhận mức sụt giảm 14,3%. Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10/2020 song các chuyên gia nước này cũng cho rằng, chỉ số này được hưởng lợi khi doanh số ô tô tại Nhật Bản trong tháng 10/2019 là mức thấp nhất trong lịch sử do ảnh hưởng từ việc tăng thuế tiêu dùng lên 10% và thiệt hại nghiêm trọng do bão Hagibis gây ra. (Just Auto).

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 5/11 thông báo thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc trong tháng 9/2020 đạt mức cao nhất trong hai năm qua, nhờ xuất khẩu hồi phục trong bối cảnh làn sóng bùng phát thứ hai của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc trong tháng 9/2020 tăng 3,64 tỷ USD so với tháng trước đó lên 10,21 tỷ USD. Tài khoản vãng lai được xem là thước đo lớn nhất về thương mại xuyên biên giới. Thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng 9/2020 của Hàn Quốc là mức thặng dư cao nhất kể từ tháng 9/2018 và đây cũng là lần đầu tiên trong hai năm qua mức thặng dư cao hơn 10 tỷ USD. Trước đó, tài khoản vãng lai của Hàn Quốc rơi vào tình trạng ảm đạm trong 5 tháng liên tiếp sau khi Hàn Quốc thông báo thâm hụt 3,33 tỷ USD trong tháng 4/2020, mức thâm hụt cao nhất trong gần một thập niên do xuất khẩu giảm mạnh giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát. (Trading Economics)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Theo số liệu được cơ quan thống kê Indonesia (BPS) công bố ngày 5/11, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 khi đại dịch Covid-19 khiến 2,67 triệu người mất việc làm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng cộng có 9,77 triệu người thất nghiệp. Tại họp báo trực tuyến, người đứng đầu BPS, ông Suhariyanto cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động bất thường đến thị trường lao động, ảnh hưởng đến khoảng 29,12 triệu người, tương đương 14,2% lực lượng lao động của cả nước. Trong số đó, 24 triệu người có thời gian làm việc ít hơn, 1,7 triệu người bị cho nghỉ việc không lương, 2,56 triệu người mất việc, và 760.000 người không còn được coi là một phần của lực lượng lao động. Kinh tế Indonesia đã chính thức bước vào suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 sau khi GDP quý III/2020 tiếp tục sụt giảm 3,49% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 gia tăng liên tục. (The Jakatar Post)

Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) ngày 4/11 cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thái Lan đã giảm 29% trong giai đoạn từ tháng 1- 9/2020 xuống còn 118,5 tỷ Baht (khoảng 3,8 tỷ USD), do các nhà đầu tư bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào Thái Lan với 139 dự án có tổng trị giá 37,5 tỷ Baht, tiếp theo là Trung Quốc với 21,2 tỷ Baht cho 129 dự án. Hà Lan đầu tư 62 dự án ở Thái Lan với tổng trị giá 17,5 tỷ Baht, trong khi Singapore với 76 dự án có tổng trị giá 12 tỷ Baht. Ủy ban thường trực về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) tiếp tục duy trì dự báo kinh tế của Thái Lan sẽ giảm 7-9% trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai ở nhiều nước có thể cản trở sự phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này trong quý IV/2020. (Bangkok Post)