Liên hợp quốc cảnh báo, sự phát triển con người ở Gaza có nguy cơ bị lùi lại 44 năm nếu cuộc xung đột hiện nay tiếp tục kéo dài sang tháng thứ chín. (Nguồn: UNDP) |
Những năm 2020 đã mang đến thế giới mức độ hỗn loạn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Sau đại dịch chưa từng có là cuộc xung đột toàn diện ở châu Âu, căng thẳng leo thang ở Trung Đông, tất cả đều đã và đang đẩy giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, các hình thái thời tiết cực đoan tiếp tục cho thấy biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động nguy hiểm đến đời sống, xã hội và kinh tế.
Sự bế tắc nguy hiểm
Trong một báo cáo có tiêu đề “Những quốc gia nào có mức sống tốt nhất và tồi tệ nhất?”, các nhà phân tích của The Economist chỉ ra rằng, chính sự khởi đầu đầy biến động của những năm 2020 đã tạo ra sự chuyển dịch đi xuống trong con đường phát triển con người trên khắp thế giới, khiến các quốc gia yếu và nghèo nhất bị bỏ lại phía sau; tình trạng bất bình đẳng trầm trọng hơn và gây ra sự phân cực chính trị trên quy mô toàn cầu.
Tình trạng này đang dẫn đến sự bế tắc nguy hiểm cần phải hiệp lực giải quyết gấp.
Báo cáo cho thấy tác động của các sự kiện “chưa từng có” như đại dịch toàn cầu, xung đột quân sự ở châu Âu và các sự cố thời tiết khắc nghiệt rất khủng khiếp. Các con số thiệt hại gây ra bởi các tác nhân trên đối với mức sống toàn cầu rõ ràng như đã thấy trong bộ Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Liên hợp quốc - thước đo cơ bản phản ánh tổng GDP của một quốc gia hay nền kinh tế, thu nhập (GNI) bình quân đầu người, trình độ học vấn và tuổi thọ trung bình… HDI hiện là một trong những thước đo được sử dụng rộng rãi nhất để đo lường sự phát triển của các quốc gia, chỉ sau GDP.
Cụm từ “thời điểm chưa từng có” nghe có vẻ nhàm chán và trống rỗng, nhưng tất cả các vấn đề trong đó đang trực tiếp tác động mạnh đến mức sống toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, HDI đã giảm lần đầu tiên vào năm 2020 (năm xảy ra đại dịch Covid-19), kể từ khi ra mắt vào năm 1990. HDI tiếp tục giảm vào năm 2021. Số liệu mới nhất cho thấy, HDI toàn cầu có tín hiệu tăng trở lại, nhưng tiến độ còn chậm và không đồng đều.
Ngoài ra, trong 20 năm qua, khoảng cách giữa các quốc gia có giá trị HDI cao nhất và thấp nhất đã được thu hẹp (ngoại trừ giai đoạn ngắn xung quanh khủng hoảng tài chính 2007-2009). Nhưng kể từ năm 2020, khoảng cách này mở rộng hơn, như báo cáo đề cập, cho thấy xu hướng giảm dần bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo trong hai thập kỷ qua hiện đang bị đảo ngược. Các nước giàu đang có mức độ phát triển con người cao kỷ lục trong khi một nửa số nước nghèo nhất thế giới vẫn ở dưới mức trước khủng hoảng.
Việt Nam đã tăng tám bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao. |
Hợp tác chưa đủ
Trong bảng xếp hạng HDI 2023-2024, Thụy Sỹ đứng đầu bảng với số điểm 0,967. Na Uy và Iceland đứng thứ hai và thứ ba với số điểm lần lượt là 0,966 và 0,959. Hong Kong (Trung Quốc) nền kinh tế châu Á duy nhất lọt vào Top 5; đứng ở vị trí thứ tư với số điểm 0,956. Các vị trí trong Top 10 hầu hết đều do các quốc gia châu Âu chiếm giữ. Singapore là nền kinh tế châu Á còn lại, đứng ở vị trí thứ 9 với số điểm 0,949.
Liên hợp quốc cảnh báo sự phát triển của con người ở các quốc gia như Peru, Colombia, Libya và Lebanon đạt rất ít tiến bộ kể từ năm 2019. Mức sống ở Ukraine và Nga cũng giảm sút, lần lượt giảm 23 và 4 bậc trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022.
Yemen bị chiến tranh tàn phá; Belize nghèo và mắc nợ; quốc đảo Micronesia có nguy cơ bị mực nước biển dâng cao nuốt chửng, tất cả đều có HDI đạt đỉnh vào năm 2010, rồi giảm dần hàng năm kể từ đó. Ở Dải Gaza, HDI sau sáu tháng xung đột, đã giảm xuống chỉ còn 0,598, kéo lùi 33 năm. Liên hợp quốc cảnh báo, sự phát triển con người ở Gaza có nguy cơ bị lùi lại 44 năm, nếu cuộc chiến hiện nay tiếp tục kéo dài sang tháng thứ chín.
Sự bất bình đẳng trên toàn cầu được nhân lên bởi sự tập trung kinh tế rất lớn. Gần 40% thương mại hàng hóa toàn cầu tập trung ở ba quốc gia hoặc ít hơn; và vào năm 2021, vốn hóa thị trường của ba công ty công nghệ lớn nhất thế giới vượt qua GDP của hơn 90% quốc gia trên thế giới.
Một vấn đề được các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo - Mặc dù xã hội toàn cầu được kết nối chặt chẽ với nhau, nhưng vẫn chưa đủ. Thiếu sự hiệp lực nhằm thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu, số hóa hay nghèo đói và bất bình đẳng không chỉ cản trở sự phát triển con người mà còn làm trầm trọng thêm sự phân cực và làm xói mòn thêm niềm tin của người dân.
Mới đây nhất (ngày 28-29/4), tại Hội nghị đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2024 tại Saudi Arabia, các nhà lãnh đạo thế giới chỉ ra rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu là sự “suy thoái địa chính trị”, điển hình là các cuộc xung đột quân sự.
Điều nguy hiểm được Chủ tịch WEF Borge Brende cảnh báo là “hiện có rất nhiều điều không thể đoán trước, có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát”. Trong khi, một số nhà lãnh đạo khác lo ngại, “thế giới hiện đang đi trên dây, cố gắng cân bằng giữa an ninh và thịnh vượng. Nhưng một tính toán sai lầm hoặc một thông tin sai lệch sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng”.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk phân tích: “Báo cáo của UNDP nêu rõ sự phân cực, bất bình đẳng và mất lòng tin đang đẩy chúng ta đến bờ vực thảm họa. Chúng ta có thể làm tốt hơn, phải phá vỡ bế tắc địa chính trị và hành động vì tương lai chung. Chúng ta cần một “khế ước xã hội mới”, được xây dựng trên đối thoại, sự đồng cảm, hợp tác và quyền lợi cho tất cả mọi người”.
The Economist kêu gọi hành động tập thể để giải quyết những thách thức hiện tại. Theo các chuyên gia, những nỗ lực tập thể đã được chứng minh từ thực tế. Chẳng hạn, sự hỗn loạn của những năm 2020 cho thấy, các chính phủ có thể hợp tác trong những vấn đề lớn, mang tính toàn cầu. Cụ thể, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vaccine đã được phát triển, sản xuất và phân phối với tốc độ chưa từng có, ước tính cứu được khoảng 20 triệu sinh mạng trong năm đầu tiên.
Hay tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) năm 2023, các nhà lãnh đạo quốc gia đã cho thấy sự đồng lòng thể hiện quyết tâm về một thỏa thuận giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (dù việc thực hiện nó lại đặt ra những thách thức khác). Thế giới cần hợp tác, cần những nỗ lực tập thể nhiều hơn nữa để vượt qua những thất bại ngay từ đầu thập kỷ này.
| Kinh tế thế giới nổi bật (3-9/5): Hầu hết công ty Thụy Sỹ vẫn thích Nga, Trung Quốc giảm trữ ngoại hối, tăng ‘ôm’ vàng; Đức gây bất ngờ Hầu hết các công ty Thụy Sỹ vẫn kinh doanh với Nga bất chấp xung đột ở Ukraine, Trung Quốc tích cực dự trữ vàng, ... |
| Nỗi lo vàng hóa nền kinh tế Giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục mọi thời đại trong bối cảnh làn sóng mua vào diễn ra mạnh mẽ tại nhiều ... |
| Kinh tế toàn cầu: Một chút hy vọng vào Hội nghị mùa Xuân! Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một thập kỷ “tăng trưởng ảm đạm” ... |
| Xung đột Israel-Hamas: Một số nước châu Âu sẽ công bố quyết định công nhận nhà nước Palestine trong tháng tới Ngày 29/4, Ngoại trưởng các nước Arab và châu Âu đã nhóm họp tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia để thảo luận về những nỗ ... |
| EU tuyên bố người châu Âu sẽ 'không hy sinh vì Donbass', nhưng khẳng định hỗ trợ Kiev Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố, các quốc gia ... |