Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế Trung Đông: Khi mỏ dầu không còn là đầu câu chuyện

Sẽ là thiếu sót lớn nếu cho rằng các quốc gia tại khu vực Trung Đông chỉ “giàu vì dầu” mà bỏ qua những lĩnh vực kinh tế tiềm năng khác.

Với nhiều người, nhắc đến Trung Đông là nói đến dầu khí. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào này thường được coi là giỏ trứng “vàng đen” của Trung Đông, khi nhiều quốc gia chủ chốt trong khu vực trở nên giàu có nhờ vào xuất khẩu dầu khí.

Song trên thực tế, chỉ một số quốc gia quanh vùng Vịnh được hưởng lợi trực tiếp từ tài nguyên thiên nhiên này, trong khi các nước còn lại có rất ít, hoặc không có trữ lượng dầu.

Thêm vào đó, hiểu rằng “không bao giờ nên bỏ hết trứng vào cùng một giỏ”, ngay cả những quốc gia vùng Vịnh vốn phụ thuộc nhiều vào dầu khí cũng đã sớm đặt ra chiến lược dài hạn để đa dạng hóa nền kinh tế từ nhiều thập kỷ trước, với tỷ trọng lĩnh vực dầu khí trong tổng GDP ngày càng giảm.

Giờ đây, dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng, song không còn là đầu câu chuyện với Trung Đông nữa.

(07.24) Trữ lượng dầu thô tại các nước Trung Đông. Nguồn: Middle East Geographies.
Trữ lượng dầu thô tại các nước Trung Đông. (Nguồn: Middle East Geographies)

Làm giàu không từ dầu

Nhiều nền kinh tế thịnh vượng, tự do và có thu nhập bình quân đầu người thuộc mức cao tại Trung Đông đều có đặc điểm chung là “nghèo dầu”, đơn cử như ba quốc gia sau.

Là nền kinh tế lớn nhất tại Trung Đông và lớn thứ 15 thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ có cơ cấu kinh tế đan xen giữa công nghiệp, nông nghiệp truyền thống và hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Ankara hiện xếp thứ 6 trong danh sách các quốc gia thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất.

Nổi tiếng là quốc gia thiếu thốn tài nguyên, Israel có GDP bình quân đầu người cao thứ 3 khu vực với thế mạnh về công nghiệp quân sự, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học và công nghệ cao.

Tương tự, Jordan cũng không phụ thuộc vào dầu khí và là một trong những nền kinh tế trung bình cao tự do nhất Trung Đông, phát triển mạnh dựa vào du lịch, thương mại, khoa học công nghệ, viễn thông và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thêm giỏ, bỏ trứng

Từ cuối thập niên 1990, nhận thức rõ nhu cầu cải cách mạnh mẽ, các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã có nhiều thay đổi nhằm giảm sự phụ thuộc đơn nhất vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, hướng tới xây dựng cơ cấu kinh tế đa dạng, hội nhập với quốc tế hơn.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát, giá dầu biến động mạnh cùng nền chính trị dầu khí ngày càng bất ổn đã đặt ra yêu cầu cấp đa dạng hóa cấp thiết với các quốc gia vùng Vịnh.

Cụ thể, tính đến năm 2018, các quốc gia GCC đã đạt nhiều tiến bộ trong giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu khí. Tỷ trọng lĩnh vực phi dầu khí trong tổng GDP tăng trưởng đáng kể, chiếm trên 50%.

Với cải cách đặc biệt thành công, Bahrain được coi là nền kinh tế “hậu dầu khí” đầu tiên của vùng Vịnh. Theo sau là UAE, riêng tại Dubai thì tỷ trọng dầu khí chỉ chiếm 2% GDP.

Các nước còn lại cũng đều thể hiện rõ mục tiêu đa dạng hóa trong những chiến lược dài hạn đầy tham vọng, hướng tới tương lai phát triển bền vững, kinh tế xanh, sạch và tái tạo. Có thể kể đến “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia, “Tầm nhìn 2035” từ Kuwait hay “Tầm nhìn 2040” của Oman.

(7.24) Tỷ trọng GDP phi dầu khí của các nước vùng Vịnh. Nguồn: Haver Analytics.
Tỷ trọng GDP phi dầu khí của các nước vùng Vịnh. (Nguồn: Haver Analytics)

Vậy họ đã, đang và sẽ làm như thế nào?

Nguồn thu nhập khổng lồ từ khai thác, chế biến và xuất khẩu dầu khí đang được tích cực chuyển hướng đầu tư cho các ngành mũi nhọn khác như năng lượng sạch, tài chính, ngân hàng (đặc biệt là hệ thống ngân hàng Hồi giáo), du lịch, bất động sản, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và giáo dục…

Đặc biệt, những nước khai thác nhiều dầu khí nhất tại Trung Đông như Saudi Arabia hay UAE lại đang thể hiện vai trò tiên phong trong đẩy mạnh tăng trưởng xanh, đầu tư sản xuất hydrogen xanh như một lối đi mới cho nền kinh tế kỷ nguyên hậu dầu khí.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng được đẩy mạnh, với 4/10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới hiện nay xuất phát từ Trung Đông.

Trở lại hậu đại dịch

Nhiều chỉ dấu cho thấy các quốc gia Trung Đông sẽ trở lại mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19.

Mặc dù suy giảm nghiêm do tác động của đại dịch, song kinh tế khu vực được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán sẽ có sự phục hồi tăng tốc trong năm nay.

Nhiều nước Trung Đông đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm vaccine Covid-19 – yếu tố quyết định đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Thêm vào đó, Trung Đông nằm trong số các khu vực có dân số tăng nhanh và trẻ nhất thế giới, dự báo sẽ đạt 580 triệu người năm 2030. Chưa cần nói đến giới siêu giàu hay tỷ phú, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cũng đang sở hữu khối lượng tài sản đáng kể và sẵn sàng “vung tiền”.

Sự năng động về mặt nhân khẩu học này chính là động lực tối quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng.

Ngoài ra, Trung Đông cũng sở hữu lợi thế đặc thù so với các khu vực khác. Nơi đây có chi phí vốn thấp, khả năng thâm nhập thị trường cao, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động tốt và ổn định trong nhiều lĩnh vực quan trọng, cùng vị trí địa chiến lược nằm giữa châu Âu, châu Á và châu Phi.

(7.24) Cảng Jebel Ali tại Dubai, UAE, một trong 10 cảng biển lớn nhất thế giới. Với vị trí địa chiến lược đặc thù, Trung Đông là một trong những “trạm trung chuyển” quan trọng của thế giới. (Nguồn: Wikipedia)
Với vị trí địa chiến lược đặc thù, Trung Đông là một trong những “trạm trung chuyển” quan trọng của thế giới. Ảnh chụp cảng Jebel Ali tại Dubai, UAE - một trong 10 cảng biển lớn nhất thế giới. (Nguồn: Wikipedia)

Bên cạnh đó, Trung Đông vẫn tồn tại nhiều thách thức đáng kể như nội chiến, xung đột vũ trang tại một số quốc gia và cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn.

Ngoài ra, nhiều dự báo cho thấy nỗ lực giảm phụ thuộc dầu khí tại vùng Vịnh có thể sẽ mất ít nhất một thập niên nữa mới thành công.

Song xét cho cùng, tiềm năng phát triển của khu vực này vẫn là rất lớn. Các quốc gia thịnh vượng, không phụ thuộc dầu khí đang cho thấy dấu hiệu hồi phục nhanh chóng sau Covid-19.

Trong khi đó, các quốc gia vùng Vịnh vẫn sẽ tiếp tục “ngồi trên đống vàng” kể cả trong tầm nhìn 10 năm tới.

Kỷ nguyên hậu dầu khí có lẽ vẫn còn ở tương lai xa, mặc dù đã được dự đoán từ trước. Đến giữa năm 2021, giá dầu thô không những đã hồi phục mà còn vượt cả mức trước khi đại dịch bùng phát.

Ngân sách từ nguồn dầu sẽ tạo dư địa để các quốc gia vùng Vịnh thử nghiệm, điều chỉnh chính sách, đầu tư vào các lĩnh vực mới, tìm kiếm lối đi phù hợp để chuẩn bị cho tương lai “hậu dầu khí”.

Việt Nam-Trung Đông: Tiềm năng rộng mở

Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với các đối tác chủ chốt tại Trung Đông tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7,4 tỷ USD. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh các bên đều bị tác động mạnh bởi Covid-19.

Tuy nhiên, kết quả tích cực vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông.

Các nước Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và lương thực thực phẩm lớn. Việt Nam, với khả năng xuất khẩu mạnh các sản phẩm này, là đối tác phù hợp.

Ngoài ra, cả hai bên đều có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ, du lịch, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo…

Đây là mảnh đất màu mỡ, song chưa được khai thác nhiều trong hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông.

(07.24) Khu vực gian hàng Quốc gia của Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế Gulfood Dubai 2020. (Nguồn: Vinamilk)
Khu vực gian hàng Quốc gia của Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế Gulfood Dubai 2020. (Nguồn: Vinamilk)

Nhắc đến Trung Đông, đa số sẽ nghĩ ngay rằng điểm sáng kinh tế duy nhất của khu vực là những mỏ dầu dồi dào. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn những bài báo “giật tít” về sự lên xuống “gây sốc” của giá dầu, chúng ta thấy rằng Trung Đông thực chất là một thị trường rộng lớn, cởi mở, với nhiều ngành nghề kinh tế phát triển đa dạng để tìm hiểu và khai phá.

Thập niên tới sẽ là giai đoạn vàng để các quốc gia vùng Vịnh hiện thực hóa chiến lược đa dạng hóa kinh tế. Đồng thời, đây cũng là quãng thời gian cất cánh để Việt Nam phát triển bứt phá hướng tới Mục tiêu 2030, trở thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có những góc nhìn, tư duy đổi mới về kinh tế Trung Đông để tích cực tăng cường hợp tác kinh tế đa lĩnh vực, tận dụng sự đổi mới trong chính sách phát triển, tái cơ cấu kinh tế và dịch chuyển đầu tư của khu vực.

Chúng ta cần tạo ra và nắm bắt vận hội mới ngay từ bây giờ, hướng tới một tương lai hợp tác Việt Nam-Trung Đông thực chất, dựa trên phát triển bền vững, nền kinh tế xanh và hội nhập với quốc tế.

Ông Biden khởi động chuỗi làm việc với các lãnh đạo Trung Đông để 'nghe ngóng'

Ông Biden khởi động chuỗi làm việc với các lãnh đạo Trung Đông để 'nghe ngóng'

Ngày 19/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm với Quốc vương Jordan Abdullah, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở ...

Người Palestine đụng độ cảnh sát Israel ở Jerusalem, Núi Đền gặp nguy, EU lo ngại, Ai Cập cảnh báo

Người Palestine đụng độ cảnh sát Israel ở Jerusalem, Núi Đền gặp nguy, EU lo ngại, Ai Cập cảnh báo

Căng thẳng đã gia tăng trong những ngày gần đây tại quần thể đền Al-Aqsa (còn được gọi là Núi Đền) ở Jerusalem khi xảy ...