Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế Trung Quốc: Nội ngoại nhu kết hợp

Liệu Trung Quốc có phải là quốc gia đầu tiên thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu? Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện Trung Quốc Trương Ngọc Đài đã giải đáp câu hỏi lớn này.
Xây dựng khu trưng bày China Pavilion tại Expo Thế giới 2010 ở Thượng Hải.

Trung Quốc phục hồi trước tiên?

 

Theo ông Trương Ngọc Đài, kinh tế Trung Quốc (TQ) quý I/2009 đã xuất hiện một số biến chuyển tích cực, đặc biệt là các chỉ số của tháng 3 được cải thiện rõ rệt so với 2 tháng trước, đầu tư và tiêu dùng đều tăng trưởng nhanh chóng. Nhờ tác động hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế, kinh tế TQ đã ấm lại đầu tiên và đang phát triển theo hướng tăng trở lại, dự kiến bắt đầu trong quý II.

 

Tuy nhiên, TQ vẫn đang đứng trước nhiều nhân tố bất lợi. Khủng hoảng tiền tệ quốc tế làm giảm ngoại nhu, tác động đến kinh tế TQ, làm cho mâu thuẫn mang tính cơ cấu và vấn đề về thể chế tích tụ lâu nay nổi cộm lên. Sau 8 năm tăng trưởng với tốc độ cao, từ quý III/2008, kinh tế TQ bước vào trạng thái giảm thấp mang tính chu kỳ. Tuy nhiên, việc sụt giảm mạnh trên 5 điểm phần trăm vào quý IV/2008 và quý I/2009 đã vượt ra ngoài mức độ điều giảm mang tính chu kỳ bình thường.

 

Nguyên nhân chủ yếu là tác động tiêu cực của khủng hoảng tiền tệ quốc tế lan rộng, mức độ suy thoái và giảm nhập khẩu của các nền kinh tế chủ yếu Mỹ, EU, Nhật đã vượt xa dự kiến. Xuất khẩu của TQ quý I/2009 sụt giảm -19,4%. Nhưng nhờ kích thích kinh tế mạnh, nhanh, hiệu ứng lan tỏa bước đầu có kết quả, không ít chỉ số kinh tế quan trọng quý I/2009 tốt hơn dự kiến, chẳng hạn tốc độ tăng đầu tư tài sản cố định tăng 28,8%, cao nhất trong 3 năm qua; tốc độ tăng thực tế tổng mức bán lẻ xã hội là 15,9%.

 

Suy thoái đã chạm đáy?

 

Từ quý IV/2008 đến quý I/2009, kinh tế TQ ở trong quá trình dò đáy nhưng vẫn không thể khinh suất nói là đã thấy đáy. Hiện nay, theo đà giá cả sản phẩm sơ cấp ổn định trở lại và mức tồn kho của doanh nghiệp giảm xuống, nhân tố tiêu cực ngắn hạn tác động đến tăng trưởng kinh tế có xu hướng yếu đi; nội nhu quý I/2009 tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tiệm cận trở lại sự điều giảm mang tính chu kỳ bình thường.

 

Tuy nhiên, xét môi trường bên ngoài, cục diện suy thoái kinh tế thế giới vẫn chưa thay đổi, việc các nền kinh tế chủ yếu tiêu hóa xong khối tài sản tiền tệ xấu và ngoại nhu tăng trưởng trở lại vẫn còn ở phía trước.

 

Xét về nội nhu, việc tự đầu tư của các doanh nghiệp chủ đạo vẫn chưa hoàn toàn tăng theo, việc tăng thu nhập cho cư dân khó khăn khá lớn, cơ sở để tiêu dùng tăng nhanh liên tục còn chưa vững chắc. Do đó, khi kinh tế có những biến chuyển tích cực, vừa phải tăng cường lòng tin, vừa cần thực sự cầu thị, theo dõi chặt chẽ những hiện tượng mới, xu thế mới trong vận hành kinh tế. Cùng với đó là phải đánh giá khó khăn đầy đủ hơn, đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn, đảm bảo kinh tế tăng trưởng liên tục ổn định, phòng ngừa trở lại dò đáy lần 2.

 

Thách thức lớn nhất

 

Đó là làm thế nào đối phó với ngoại nhu suy yếu và một loạt vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh. Tháng 1, xuất khẩu giảm gần 20% là mức giảm chưa từng có. Do quy mô suy giảm của ngoại nhu tương đối lớn, tồn tại khác biệt tương đối lớn về kết cấu với nội nhu nên trong thời gian ngắn dựa vào mở rộng nội nhu khó có thể thay thế hoặc bù đắp hoàn toàn thiếu hụt nhu cầu do ngoại nhu suy giảm gây ra. Làm thế nào ổn định ngoại nhu sẽ là một vấn đề lớn mà TQ phải đối mặt. Quan hệ giữa nội nhu và ngoại nhu là thúc đẩy chứ không phải thay thế. Chính sách kích thích kinh tế đã phát huy tác dụng đối với ổn định nội nhu nhưng cơ sở vẫn chưa vững chắc.

 

 

Phương án kích thích kinh tế mới

 

Kế hoạch cả gói duy trì tăng trưởng, mở rộng nội nhu đã thực hiện từ cuối năm 2008. Chính sách tài chính và chính sách tiền tệ có độ trễ nhất định. Việc triển khai rất nhiều dự án đòi hỏi phải làm tiền khả thi, quy hoạch, thiết kế rồi mới đi vào khởi công. Sau khi triển khai dự án, để hình thành lực kéo và thúc đẩy đầu tư đối với các ngành nghề hỗ trợ cũng đòi hỏi một thời gian nữa. Đến nay, kế hoạch cả gói mới thể hiện hiệu quả bước đầu, điều quan trọng trước mắt là triển khai thật tốt các chính sách biện pháp đã ban hành. Tất nhiên, phải quan sát và nắm bắt kịp thời xu hướng kinh tế, sớm có dự phòng, sẵn sàng ra tay, có lợi cho việc tăng thêm lòng tin của thị trường.

 

Về mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%

 

Xét tổng thể, GDP quý I tăng 6,1% đã trực tiếp phản ánh biến chuyển theo hướng tốt của kinh tế TQ, hơn nữa chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô vẫn còn phát huy hiệu quả, vì vậy mục tiêu 8% là có thể thực hiện được. 8% không phải là mục tiêu duy nhất, càng không phải là mục tiêu cuối cùng của lần điều tiết vĩ mô này. Phải giữ được cân đối tổng hợp của kinh tế vĩ mô; kết hợp giữa kích thích kinh tế ngắn hạn với tối ưu hóa, nâng cấp cơ cấu trung dài hạn. Hiện nay cần kiên trì đồng thời tiến hành mở rộng nội nhu và lợi dụng hiệu quả ngoại nhu, tiếp tục thực thi chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng thích đáng, kịp thời bổ sung, hoàn thiện.

 

Cúc Xuân(Theo Mạng nhân dân)