Những tòa nhà này ở Bakhmut nằm trong số hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy trên khắp Ukraine do hậu quả của cuộc xung đột với Nga. (Nguồn: Getty Images) |
IMF dự báo, GDP của Ukraine có thể tăng 1-3% trong năm 2023, dù vẫn có một số rủi ro tăng trưởng.
Dù nền kinh tế vẫn đang “chìm” trong chiến dịch quân sự với Nga, tăng trưởng kinh tế của Ukraine không còn ở tình trạng tụt dốc mạnh như năm 2022 – giảm tới 29%, mà “quá trình phục hồi của nền kinh tế này đang thực sự diễn ra từ đầu năm 2023”, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực vừa công bố.
Cụ thể, trong bối cảnh các cuộc tấn công quân sự vẫn diễn ra và các cơ sở hạ tầng vẫn bị thiệt hại năng nề, nền kinh tế Ukraine bắt đầu phục hồi vào đầu năm 2023, tăng trưởng 2,4% được điều chỉnh trong quý đầu tiên của năm và tiếp tục mở rộng trong quý 2/2023.
Sự hồi phục chung này của nền kinh tế là do khả năng phục hồi của các công ty và hộ gia đình tăng trở lại ngay trong thời kỳ xung đột tiếp diễn, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nhu cầu trong nước và tâm lý người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp bắt đầu cải thiện.
Trong khi đó, thị trường ngoại hối nhìn chung vẫn ổn định nhờ sự hỗ trợ tài chính quốc tế khá lớn.
Tuy nhiên, “bất chấp những kết quả tích cực gần đây, thời gian và cường độ của cuộc xung đột với Nga đang gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng kinh tế. Triển vọng trung hạn vẫn sẽ phụ thuộc vào kết quả của xung đột quân sự, quy mô chi tiêu tái thiết, sự trở lại của người di cư, cải cách cơ cấu và triển vọng gia nhập EU”, tài liệu của IMF viết.
IMF đề cập, kể từ tháng 7/2023, Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) đã cắt giảm lãi suất cơ bản tích lũy xuống 20%, do lạm phát chung và lạm phát cơ bản giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến và điều này mang lại cho NBU cơ hội để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
Vào tháng 8/2023, lạm phát chung đã giảm xuống 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 11,3% - ghi nhận vào tháng 7 và 26,6% vào cuối năm 2022.
Các nhà phân tích của IMF chỉ rõ, tình trạng giảm phát mạnh phản ánh việc nới lỏng các nút thắt nguồn cung (bao gồm thực phẩm và nhiên liệu), điều kiện thị trường ngoại hối thuận lợi trong bối cảnh tỷ giá hối đoái của đồng Hryvnia mạnh hơn và kỳ vọng lạm phát được cải thiện.
Dự trữ quốc tế tăng trưởng vượt trội nhờ cán cân tài khoản vãng lai tốt hơn mong đợi và dòng chảy ngoại hối giảm. Tổng dự trữ quốc tế đã vượt quá 40 tỷ USD vào cuối tháng 8.
Tại đợt đánh giá đầu tiên của IMF, dự trữ ngoại hối Ukraine ước đạt 4,1 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong năm tới. Điều này phần nào phản ánh số dư tài khoản vãng lai tốt hơn mong đợi. Kiểm soát vốn cũng giúp kiềm chế dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế.
“Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại và dòng vốn ngoại hối chảy ra từ hệ thống ngân hàng thấp hơn dự kiến cũng giúp củng cố vị thế dự trữ quốc tế mạnh mẽ”, IMF đánh giá.
Tuy nhiên, thâm hụt tài chính của Ukrane đã xấu đi so với năm ngoái, do chi tiêu cao hơn lấn lướt vào khoản doanh thu đã tốt hơn. Sự tăng trưởng trong chi tiêu chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu liên quan đến quốc phòng, trong khi nguồn thu từ thuế được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế.
Nhưng tất nhiên, khoản thâm hụt ngân sách của Ukraine tiếp tục được tài trợ chủ yếu bằng hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Hệ thống ngân hàng Ukraine vẫn hoạt động và có tính thanh khoản cao, trong khi bảng cân đối kế toán tiếp tục điều chỉnh theo các quy định thiết quân luật. Tổng tài sản và tiền gửi của hệ thống ngân hàng đã tăng lần lượt là 32% và 48% trên thị trường NBU và thị trường liên ngân hàng.
IMF cho biết thêm, tỷ lệ thanh khoản ngắn hạn trung bình cao gấp 3 lần so với yêu cầu tối thiểu vào tháng 5/2023, đồng thời tỷ lệ vốn cốt lõi và tổng vốn của các ngân hàng đã tăng lần lượt lên 14,3% và 23,8%.
Ngày 29/6, Ban điều hành IMF đã hoàn thành đánh giá đợt đầu tiên về chương trình cho vay trị giá 15,6 tỷ USD dành cho Ukraine với nhận định Kiev đã đạt được "tiến bộ mạnh mẽ" trong việc đáp ứng các cam kết cải cách, cho phép ngay lập tức giải ngân 890 triệu USD để hỗ trợ ngân sách nước này.
“Tất cả các tiêu chí hiệu quả định lượng cho đến cuối tháng 4 và các tiêu chuẩn cơ cấu cho đến cuối tháng 6 đều được đáp ứng”, IMF cho biết. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, cần có động lực cải cách bền vững, bao gồm cả các khuôn khổ quản trị và chống tham nhũng.
“Với áp lực chi tiêu ngày càng tăng, việc xây dựng và thực hiện ngân sách năm 2024 phù hợp với tính bền vững về tài chính và nợ sẽ rất quan trọng. IMF sẽ thực hiện đợt đánh giá thứ hai cùng với việc tham vấn Điều IV vào mùa Thu năm 2023”, IMF kết luận.
Trong khi các chuyên gia IMF tiếp tục đề cao các khoản hỗ trợ tài chính của phương Tây đối với nền kinh tế Ukraine thì phía Nga nhận định, phương Tây đang mệt mỏi với việc gánh nặng tài chính phải cung cấp cho Ukraine.
“Ở cả Mỹ và châu Âu, ngày càng có nhiều người mệt mỏi với chủ đề Ukraine, liên quan đến việc cung cấp tài chính, vũ khí, đạn dược…”, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Ông nói thêm rằng “ngay cả những quốc gia hùng mạnh về mặt kinh tế như Mỹ cũng không thể làm điều này vô thời hạn”. Người phát ngôn Điện Kremlin giải thích: “Mỹ có rất nhiều vấn đề riêng”.
“Đến một lúc nào đó, việc hỗ trợ Ukraine sẽ trở thành một gánh nặng quá mức mà họ không còn khả năng chịu đựng. Vì vậy, cả trong chính quyền Mỹ lẫn các chính trị gia và nhà kinh tế, tất nhiên, họ đã cảm thấy mệt mỏi”, ông Peskov nói thêm.
Trên thực tế, dù khẳng định tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine, nhưng Mỹ đã cạn kiệt phần lớn nguồn vốn sẵn có để viện trợ cho Kiev, đây là một tin xấu đối với nguồn hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby ngày 8/11 nói với các phóng viên rằng Washington đã sử dụng hết 96% số tiền được phân bổ cho Ukraine, truyền thông Mỹ và Ukraine mới đây đưa tin.
“Trong tổng số tiền đã cung cấp cho Ukraine kể từ đầu xung đột, vượt quá 60 tỷ USD - và đó không chỉ là hỗ trợ an ninh; đó là hỗ trợ kinh tế, tài chính và nhân đạo—chúng tôi đã giải ngân khoảng 96% những gì đã được phê duyệt”, ông Kirby nói trong một cuộc họp báo.