|
333,83 tỷ USD - Sau 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực. Tính từ 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Hiện 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông... |
80 tỷ USD - Sau 25 năm (từ 1993), Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA, trong đó, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại. Kết quả trên thể hiện nỗ lực và sự chủ động của Việt Nam trong việc tìm kiếm, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. |
7,4 tỷ USD - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 ước đạt khoảng 239 - 240 tỷ USD, tăng trưởng 10-12% so với năm 2017. Với con số xuất khẩu kỷ lục này, cán cân thương mại dự tính sẽ thặng dư hơn 7,4 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu tỷ USD của thế giới. Hiện có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, điện tử, máy tính và linh kiện, nông sản, thủy sản... |
40 tỷ USD - Mặc dù có áp lực lớn từ sự cạnh tranh thị trường và sự giảm sút về giá cả của nhiều mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn vươn lên khá mạnh mẽ, ước tính cả năm 2018 đạt vượt kỷ lục 40 tỷ USD, xuất sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu, thị phần các mặt hàng chủ lực như gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản… đều tăng mạnh, trong đó 10 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, nhiều mặt hàng giữ vị trí top đầu thế giới, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản. |
9 tỷ USD - Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của ngành thủy sản với nhiều nỗ lực vượt qua thách thức, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản. Hình thành nghề cá phát triển bền vững với sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống. Ngành thủy sản đặt mục tiêu trong năm 2019 đạt tổng sản lượng 7,9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên mốc 10 tỷ USD. |
15 triệu – Vị khách quốc tế thứ 15 triệu cùng hơn 3.000 hành khách và thủy thủ đoàn trên chuyến du thuyền 5 sao Celebrity Millennium thuộc hãng tàu biển Royal Caribbean vừa đặt chân xuống cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long lúc 11h30 ngày 19/12. Đây là một ngày đáng nhớ, bởi kể từ sau dấu mốc đón vị khách quốc tế thứ một triệu vào năm 1994, du lịch Việt Nam đã có nhiều bước tăng trưởng mạnh mẽ, chứng minh rằng Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn, được ghi nhận trong lòng bạn bè quốc tế. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục định hướng phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. |
4,04% - Việt Nam đã trở thành nước thứ 7 thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay Báo cáo của Chính phủ đánh giá, về mặt kinh tế, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm 20.000-26.000 việc làm/năm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. |
12,6 tỷ USD – Năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ của những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, trong đó có 4 gương mặt đã được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những tỷ phú USD của thế giới. Tính ở thời điểm 10/8/2018, tổng khối tài sản của 4 người này lên tới 12,6 tỷ USD, tương đương khoảng 293.000 tỷ đồng. Thành công nổi bật của tập đoàn kinh tế tư nhân dẫn đầu - Vingroup đã cho thấy, họ không chỉ thành công nhờ bất động sản, “những đứa con” Made in Vietnam như ô tô VinFast, xe máy điện Klara, điện thoại thông minh Vsmart… đã chứng minh đẳng cấp của họ về công nghệ - công nghiệp - dịch vụ. Thành công đó cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp có tầm cỡ khu vực, có khả năng hợp tác, cũng như cạnh tranh với các tập đoàn lớn của thế giới. |