Toàn cảnh Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”, chiều 17/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngư) |
Đây là khẳng định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp 'vượt sóng'" chiều 17/11 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước... tổ chức.
VCCI sẽ cùng doanh nghiệp "vượt sóng"
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.
Để đạt được kết quả tích cực này là nhờ Chính phủ đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn.
Đặc biệt, Đảng ta đã sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn và thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện các mục tiêu đề ra, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa bảo đảm an sinh xã hội theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Song Ngư) |
Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rời bỏ thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Mới nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
"Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ.
Đặc biệt, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn", ông Phòng nhấn mạnh.
Hơn thế, VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực tăng năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hóa các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025.
Nhưng để đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, VCCI cũng mong muốn năm 2025, tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, năm 2023 cũng là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển.
"Đồng hành với doanh nghiệp, VCCI vẫn tiếp tục đề cao sứ mệnh của mình góp phần 'hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính'. Liên đoàn tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật; tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan.
Đặc biệt, VCCI cũng đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tham gia xây dựng và triển khai các quy hoạch, liên kết kinh tế vùng và địa phương", ông Phòng cam kết.
Cải cách thể chế triệt để, phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Chia sẻ tại diễn đàn, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong bối cảnh ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách nhưng Việt Nam còn nhiều thách thức cần đối mặt trong năm 2023. Bình diện vĩ mô chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách. Nếu không thực hiện cải cách thể chế triệt để căn cơ sẽ khó để tạo ra sức bật, thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh.
Bà Minh cho rằng, cần quan tâm đến việc theo đuổi và thực hiện phát triển bao trùm. Sự tham gia của phụ nữ vào quá trình sản xuất kinh doanh và phát triển xã hội; vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa… sẽ cần có giải pháp cụ thể để hỗ trợ các đối tượng này.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Song Ngư) |
“Sự phối hợp giữa các cơ quan trong tiến trình cải cách vẫn là nội dung cần tập trung nhấn mạnh và nghiên cứu giải quyết nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng giúp đỡ doanh nghiệp. Trong quá trình phục hồi cần xem xét lại vai trò của Nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển nhằm huy động toàn bộ các nguồn lực cho phát triển”, bà Minh nói.
Cùng với đó, cần tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực trong bối cảnh mới. Phải có cơ chế để người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện nhiều chính sách, trong đó chính sách cạnh tranh là quan trọng để nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh mới.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam khuyến nghị, cần đẩy mạnh đầu tư tư nhân hiệu quả trong bối cảnh mới; quan tâm đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân (theo các nghị quyết được Đảng, Nhà nước đề ra), nơi tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế.
Theo ông Lê Duy Bình, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đã có sự thay đổi lớn trong 10 năm qua. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 đã tăng lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021.
Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn với khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010, tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2021. Như vậy, tổng nguồn vốn khu vực tư nhân đã tăng mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, cho thấy sự lớn mạnh về nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân.
“Tuy nhiên trong 2 năm qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn như vậy nhưng tốc độ tăng năng suất lao động liên tục giảm, sự đóng góp của năng suất vào GDP cũng giảm theo. Đây là điều cần phải đảo ngược, thay đổi để giúp doanh nghiệp 'vượt sóng'”, ông Bình cho hay.
Còn TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là thị trường tài chính và tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua vẫn kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và đồng bộ. Trong đó, ưu tiên số một của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo đà phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, NHNN tiếp tục chủ động điều chỉnh lãi suất linh hoạt, điều hành tỷ giá phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Theo đó, tín dụng được điều hành vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng song không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế làm sao để khối doanh nghiệp tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ.
Cần mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cần cơ chế tạo động lực, áp lực cho doanh nghiệp thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đối với lĩnh vực du lịch, cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương bên cạnh liên kết giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới mô hình liên kết có sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, dựa vào thế mạnh địa phương gắn với từng nhiệm vụ, sự kiện, dự án cụ thể.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng…
Nhân sự kiện này, Ban tổ chức cũng trao chứng nhận cho Top 15 Doanh nghiệp niêm yết có Năng lực quản trị tài chính tốt năm 2022, trong Chương trình Đánh giá năng lực doanh nghiệp năm 2022. Khảo sát, đánh giá của chương trình Chương trình Đánh giá năng lực doanh nghiệp năm 2022 đã cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp vượt khó vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Bức tranh của nền kinh tế cũng phần nào được phản ánh thông qua đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp niêm yết thời Covid-19. |