Nhỏ Bình thường Lớn
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020

TGVN. Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 đã diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Xử lý triệt để các ổ dịch Covid-19, không quên nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
Kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19
2306-img-8239
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020. (Ảnh: G.T)

Chia sẻ thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 8/2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch Covid-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp. Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.

Trong bối cảnh trên thế giới, nhiều quốc gia tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, có thể rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch Covid-19, một số ý kiến dự báo về khả năng "suy thoái kép" của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ, Việt Nam tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 – mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% so với mục tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,66%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26/8 mới đạt 4,23% chủ yếu là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các doanh nghiệp chưa giải quyết được thị trường đầu ra. Dự trữ ngoại hối tăng.

Thu ngân sách Nhà nước đạt không cao, 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt trên 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%); cao nhất giai đoạn 2016-2020.

Công tác triển khai thu hút đầu tư nước ngoài tuy chưa được như kỳ vọng, song Việt Nam cũng đã thu hút được 19,54 tỷ USD vốn đầu tư FDI và giải ngân được 11,4 tỷ USD.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, thời gian qua, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tiếp tục điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Đặc biệt đã xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Kéo theo đó là hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước). Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%).

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngành này đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm hiệu quả, khách quan, công bằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới. Các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục được triển khai thực hiện. Đời sống người dân được bảo đảm, tai nạn giao thông tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên hợp quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020. Tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế trong nước nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là rất khó khăn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn. Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, nhưng cũng không cách ly, giãn cách rộng một cách không cần thiết, khiến người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất có thể, tuy nhiên, không được chủ quan với dịch bệnh.

Đặc biệt, phải chú trọng xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

Thu hút FDI: Không làm đại trà, đảm bảo nguyên tắc 'win-win'

Thu hút FDI: Không làm đại trà, đảm bảo nguyên tắc 'win-win'

TGVN. Tại Tọa đàm Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá do Cổng thông tin Chính phủ ...

Báo nước ngoài ca ngợi Việt Nam là ‘người chơi chính’ ở Đông Nam Á

Báo nước ngoài ca ngợi Việt Nam là ‘người chơi chính’ ở Đông Nam Á

TGVN. Báo Khaleej Times của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhận định Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng trong ...

Bangkok Post: Kinh tế Việt Nam sẵn sàng vực dậy khỏi 'vũng lầy' mang tên Covid-19

Bangkok Post: Kinh tế Việt Nam sẵn sàng vực dậy khỏi 'vũng lầy' mang tên Covid-19

TGVN. Bài đăng trên trang Bangkok Post mới đây khẳng định rằng, dù chịu tổn thương không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song nền kinh ...