Đáng chú ý nhất là thông tin trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. Có được kết quả này là nỗ lực, đóng góp của tất cả các ngành trong mọi lĩnh vực khi tìm biện pháp giải quyết những thách thức giúp nền kinh tế phục hồi tốc độ phát triển.
Nỗ lực giảm phụ thuộc thương mại với Trung Quốc
Trả lời cho câu hỏi lớn mà nhiều báo quan tâm, liệu 6 tháng cuối năm, Việt Nam có hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% cả năm mà Quốc hội đề ra hay không, các đại diện Tổng Cục thống kê đều cho rằng có thể đạt được, nhưng cần sự nỗ lực lớn và sự thay đổi từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp. Dựa trên sự theo dõi thường xuyên từ 2009-2011 cho thấy, 6 tháng cuối năm, tốc độ GDP thường tăng trưởng cao hơn đầu năm. Cụ thể, để đạt mục tiêu 5.8% này, 6 tháng cuối năm cần có GDP tăng 6,5%. Nếu Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời tìm ra những biện pháp nhằm đổi hướng thị trường, tìm thêm đối tác để những tác động của những sự kiện Biển Đông và mối quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước thì có thể làm được việc này.
Tuy vậy, đây thực sự là một thách thức. Qua tính toán, 4 tháng đầu năm 2014, hầu hết các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng cao, tuy vậy, tới tháng 5, tháng 6, một số lĩnh vực bị giảm do những sự kiện liên quan đến Biển Đông và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc gây tác động. Chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch tháng 6, số khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 44,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc trong tháng 6 giảm 50% so với tháng trước. Việc lượng khách du lịch giảm đi kéo theo các lĩnh vực liên quan như vận tải, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ cũng giảm. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo, nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu, dệt may, hàng phụ trợ, thiết bị, thầu xây dựng có chịu ảnh hưởng của sự việc.
Quan hệ thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa vốn có tầm quan trọng đặc biệt. Việt Nam xuất khẩu 11,2% hàng hóa sang thị trường Trung Quốc nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc thì chiếm gần ¼ lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu của toàn bộ nền kinh tế là 63 tỷ nhưng nhập từ Trung Quốc đã chiếm hơn 14 tỷ. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê cho biết “quan hệ với Trung Quốc mà bị ngưng trệ trong lúc chưa tìm ra đối tác khác phù hợp thì Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu. Tuy nhiên, Chính phủ và doanh nghiệp đâu thể ngồi yên. Chẳng hạn, trong sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đang tích cực tìm nhiều giải pháp, trao đổi, tìm bạn hàng mới như Ấn Độ, Hàn Quốc,...để tránh phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc. Những thay đổi này cần phải có thời gian, thực hiện từng bước một. Đây cũng là thời cơ để doanh nghiệp đổi mới chiến lược tìm thị trường cho mình”.
Những tín hiệu đáng mừng
Ngoài tác động của sự kiện giàn khoan, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không thể không vui mừng trước nhiều tín hiệu lạc quan của nền kinh tế. Trong sáu tháng đầu năm 2014, xu hướng kinh doanh, quy mô về vốn, quy mô sử dụng lao động, và các chỉ tiêu liên quan đến doanh nghiệp đều mở rộng và phát triển. “Đây là căn cứ cho thấy doanh nghiệp đã thoát đáy và sẽ phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Lâm khẳng định. Theo ông, số vốn bình quân của 1 doanh nghiệp mới thành lập tăng lên chứng tỏ sự tăng lên về quy mô. Ông Lâm dẫn chứng số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy tình hình doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 37315 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230.9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập và tăng 19.3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, dù số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhưng lại có chất lượng hơn.
Đặc biệt, sự ổn định tâm lý ở doanh nghiệp FDI, khối có nhiều đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cho thấy hiệu quả của việc Chính phủ đã xử lý kịp thời các vụ việc gây rối tự phát tại Bình Dương và Đồng Nai. Sau sự việc này, đại diện Tổng Cục thống kê khẳng định, uy tín của Việt Nam ngày càng tăng cao, khiến các nhà đầu tư quốc tế càng tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Sự việc chỉ ảnh hưởng đến Bình Dương và Đồng Nai, các nơi khác hoàn toàn không chịu tác động. Tỷ lệ doanh nghiệp Đài Loan bị ảnh hưởng nhỏ nên không ảnh hưởng đến con số phát triển chung trên toàn quốc.
Chỉ số lạm phát 6 tháng đầu năm ổn định ở con số 4.77%. Dự đoán cả năm lạm phát sẽ đạt mục tiêu ở mức trên 5%. Có thể cho đây là thành công của Chính phủ và các Bộ ngành trong việc kiểm soát lạm phát. Do lạm phát không chỉ phụ thuộc vào tổng cầu mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sản xuất kinh doanh, tín hiệu thị trường... nên có tháng chỉ số này còn giảm xuống mức âm. Ông Lâm nói những dấu hiệu này đều tốt, cho thấy sự ổn định của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng của ba khu vực kinh tế của Việt Nam (nông lâm – thủy sản, công nghiệp, dịch vụ) đều tăng trưởng tốt so với năm 2013. Trong đó, khu vực ba – dịch vụ có tăng trưởng quan trọng nhất năm 2014. Từ những số liệu thu được qua tình hình sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành nghề, từ quy mô và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp các thành phần (doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân), việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát cũng như một số vấn đề xã hội liên quan như: sử dụng lao động, đời sống,...có thể cho rằng kinh tế Việt Nam đã thoát đáy và đang đi vào giai đoạn phục hồi.
Thống nhất về kiểm soát số liệu địa phương
Tại Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm cũng công bố chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng Cục thống kê tính toán, công bố lại GDP của các tỉnh giai đoạn 2010-2013 để khắc phục tình trạng chênh lệch con số. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Tổng Cục thống kê là nơi kiểm soát số liệu ở địa phương sao cho phù hợp với năng lực và tình hình thực tế của họ. Ông Lâm khẳng định, đây là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ, là chính sách giúp địa phương xây dựng kế hoạch tăng trưởng mục tiêu hiệu quả cho mình.
Ông thông tin thêm rằng hiện nay, đề án đang được biên soạn. Mục tiêu là đến 2016, Tổng Cục thống kê sẽ là đơn vị thực hiện tính toán các chỉ số cho địa phương thay vì để địa phương phải tự tính toán như hiện nay, tránh tình trạng vênh về số liệu, đồng thời nâng cao chất lượng thống kê, phục vụ đánh giá xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của địa phương và cả nước.
Thành Châu