📞

Kinh tế Việt Nam: Nhắm đích tăng trưởng mới trên 7%

Gia Thành 11:00 | 20/10/2024
Nỗi lo về nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cơn bão số ba lịch sử được tạm gác lại khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu cho thấy, tăng trưởng GDP quý III/2024 đạt 7,4%, đưa mức tăng trưởng của chín tháng đạt 6,82%.
Tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt được mức tăng trưởng cao và ổn định. (Ảnh: Gia Thành)

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, trong chín tháng, đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và trong nước bị thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi lớn chưa từng có, GDP tăng 6,82% là một kết quả vượt mong đợi.

Kết quả vượt mong đợi

Trong khoảng thời gian này, bức tranh xuất khẩu hàng hóa phủ sắc màu tươi mới. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7%. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tiêu dùng tiếp tục phục hồi, du lịch tăng mạnh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong chín tháng tăng 8,8% (cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ các năm 2020-2021) nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh và tiêu dùng cá nhân phục hồi. Việt Nam đón gần 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, trong chín tháng, Việt Nam thu hút 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI trong chín tháng ước tăng 10,7% so cùng kỳ và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 3,9% cùng kỳ năm 2023.

“Điều này cho thấy, sức chống chịu, khả năng thích ứng của nền kinh tế trong nước trước những cú sốc đã tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt là chất lượng điều hành của Chính phủ, cơ quan bộ ngành và địa phương nhanh chóng hỗ trợ kịp thời sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Nếu không bị ảnh hưởng bởi bão số ba và hoàn lưu sau bão thì tốc độ tăng trưởng của quý III cao hơn rất nhiều”, TS. Lê Duy Bình nhìn nhận.

Chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương cho rằng, để đạt được kết quả tích cực trên, ngoài nỗ lực trong quản lý, điều hành của Chính phủ và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, còn nhờ vào một số động lực chính như kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế, tạo tiền đề, điều kiện cho kiến tạo phát triển. Hoạt động thương mại quốc tế sôi động tiếp tục được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong chín tháng của năm 2024.

Nền tảng để về đích

Bàn về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7%, bà Nguyễn Thị Hương nhận thấy, với kết quả của quý III và chín tháng, mục tiêu tăng trưởng này là khả thi.

Dù vậy, khó khăn, thách thức với nền kinh tế vẫn còn. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận thấy, hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng; doanh nghiệp vẫn đối mặt với ba vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã ổn định hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ; biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến con người, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, bà Nguyễn Thị Hương đề xuất những giải pháp:

Thứ nhất, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái.

Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng. Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.

Thứ ba, thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, dịch vụ logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm chi phí sản xuất.

Thứ sáu, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các rào cản, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường và các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 9/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng đạt trên 7% gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cập nhật kịch bản tăng trưởng, theo đó, tăng trưởng GDP quý IV sẽ ở mức 7,6-8%, đưa tăng trưởng cả năm đạt 7%, thậm chí cao hơn 7%. Để đạt kịch bản này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, có thể “trông cậy” vào sáu yếu tố. Đó là xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế, sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc sớm khắc phục hậu quả bão số ba, phục hồi nhanh hơn; đầu tư của khu vực nhà nước được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; các điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa, đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Nền kinh tế Việt Nam vượt qua vô vàn khó khăn để tăng tốc trong quý III. Đó chính là nền tảng, động lực quan trọng để kinh tế cả năm có thể về đích với mức tăng trưởng trên 7% và hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024.