📞

‘Kinh tế Việt Nam-Pháp có sự bổ trợ lẫn nhau, nhiều tiềm năng hợp tác’

16:01 | 15/04/2023
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp ngày hôm nay, 15/4.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Pháp sáng 15/4. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp diễn ra sáng 15/4 với sự quy tụ của gần 500 đại biểu, các tỉnh, thành phố của Việt Nam và các địa phương của Pháp đã giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh và định hướng các chính sách thu hút đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trướng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, trải qua thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, nhờ những chính sách đúng đắn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong thời gian tới, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Pháp sẽ là rất lớn.

Trụ cột quan trọng trong hợp tác Việt - Pháp

"Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ khoảng 8,3% Tổng sản phẩm quốc nội. Năm 2022, Việt Nam cũng triến khai chương trình phục hồi kinh tế với tổng giá trị tương đương 16 tỷ USD nhằm giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời hỗ trợ an sinh, xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Nhờ đó, nền kinh tế không bị mất đà tăng trưởng. Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước thu hút lớn nhất đầu tư trực tiếp từ nước ngoài", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ Đối tác Chiến lược hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Về đầu tư, Pháp là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam (đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam) với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước năm 2022 đạt 5,33 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp là 3,7 tỷ USD. Về hỗ trợ phát triển (ODA), Pháp là một trong những nước cung cấp ODA sớm nhất và dẫn đầu châu Âu về vốn cam kết, với mức vốn trung bình tăng đều.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam và Pháp cũng có những tiền đề quan trọng để mở rộng hợp tác đầu tư. Trong khi Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Pháp là thành viên chủ chốt của liên minh Châu Âu. Hai nước đều là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như tham gia Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA).

Việt Nam là nước đầu tiên cam kết và triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

"Hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ lẫn nhau và còn nhiều tiềm năng cùng dư địa để thúc đẩy hợp tác", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.

Cũng với tinh thần đó, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery nhận định, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ phát triển tốt và lịch sử lâu đời. Hai bên có mong muốn quyết tâm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu về mọi lĩnh vực đặc biệt là kinh tế.

"Năm 2023, chúng tôi muốn “chơi trên các sân”, phát triển về du lịch, văn hóa, nghệ thuật, khoa học.... với Việt Nam, mọi thứ chúng ta có thể làm được, đặc biệt là về kinh tế", Đại sứ Nicolas Warnery chia sẻ.

Trải qua gần 3 ngày qua của Hội nghị, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, trong đó có chương trình "Dạo quanh nước Pháp", hay những phiên thảo luận để các địa phương Việt Nam và Pháp gặp gỡ trao đổi phối hợp tìm ra các giải pháp về đô thị thông minh, di sản, du lịch để cùng hợp tác trong tương lai.... Trong đó, Diễn dàn doanh nghiệp hôm nay là điểm nhấn mạnh mẽ, đóng góp vào chân kiềng văn hóa-chính trị-kinh tế liên kết với nhau một cách chặt chẽ, Đại sứ cho biết.

Hà Nội tăng cường hợp tác kinh tế với các địa phương Pháp

"Lũy kế từ năm 1989 tới nay, thành phố Hà Nội đã thu hút khoảng 494,4 triệu USD vốn FDI từ Pháp. Trong đó, năm 2022 thu hút khoảng 7,8 triệu USD vốn FDI và 3 tháng đầu năm 2023 thêm 0,92 triệu USD", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ tại Diễn đàn sáng 15/4.

Những thành tựu này được tích lũy, củng cố không ngừng trên nền móng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam - Pháp từ năm 1989, với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France. Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này liên tục được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước.

Trong những hoạt động đó, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12- là cơ hội để kết nối chính quyền các Thành phố và các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước.

"Đây là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu và tham luận các nội dung thực tiễn, triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cùng thảo luận và đề xuất mong muốn kết nối, hỗ trợ thông tin hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để mở rộng đầu tư", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Chia sẻ về tình hình kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội trong quý I năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,8% (gấp 1,7 lần cả nước); Các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đều tăng; với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát.

Vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn đạt 1,678 tỷ USD (tăng 283% so với cùng kỳ); Có 7.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 73 nghìn tỷ đồng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% - cao hơn cùng kỳ (9,1%). Khách du lịch đến Hà Nội (có lưu trú) đạt hơn 1 triệu lượt, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 712 nghìn lượt, tăng 15 lần so với cùng kỳ.