Tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì Họp báo. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Kinh tế phát triển ấn tượng
Phát biểu tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng. Đặc biệt, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay).
Có 10 địa phương có GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng trên 11%. TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội cũng đều đạt mức tăng trưởng cao, lần lượt là 9,97% và 9,69%.
Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực, như: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm từ 2018-2021.
Các cân đối lớn được bảo đảm (thu NSNN9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD. An ninh lương thực được bảo đảm. Cung cấp đủ điện, xăng dầu. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).
Người phát ngôn Chính phủ cũng cho hay, trong 9 tháng, tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc. Số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163 nghìn, tăng 38,6% so cùng kỳ, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui.
Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 16,2% so với cùng kỳ cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Song song, an sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 85,3 nghìn tỷ đồng cho trên 55,2 triệu lượt người lao động và gần 856 nghìn người sử dụng lao động theo các nghị quyết của Chính phủ). Tình hình lao động chuyển biến tích cực, thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh.
Tin liên quan |
TS. Nguyễn Quốc Việt: Việt Nam tiến gần đến đích GDP trên 7% năm 2022 |
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả.
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á.
Nhận diện khó khăn, giải quyết thách thức
Dù vậy, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt.
Trong đó nổi lên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn những rủi ro.
Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; đời sống một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn...
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, theo Người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh việc tiêm vaccine; khắc phục nhanh, bằng được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế, xử lý tốt các vấn đề tồn tại, phát sinh.
Thứ hai, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp kịp thời, phù hợp ứng phó những diễn biến mới phát sinh.
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, lương thực.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát tiến độ thực hiện của các dự án để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún.
Thứ năm, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. Theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn.
Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm chất lượng. Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, các ngân hàng yếu kém, 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Thứ bảy, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học-công nghệ. Đầu tư, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, xã hội.
Thứ tám, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai, bão lũ, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thứ chín, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ mười, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo đảm công tác an toàn, an ninh mạng, phòng chống thông tin xấu độc.
| Việt Nam: Từ 'nhỏ bé' đến 'vĩ đại', kỳ tích kinh tế khiến thế giới kinh ngạc Trên trang Sputnik News, tác giả Thu Nguyễn cho rằng, “từ nhỏ bé đến vĩ đại” là cách mà người ta mô tả quá trình ... |
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Việt Nam tiến gần đến đích GDP trên 7% năm 2022 GDP quý III/2022 của Việt Nam tăng ấn tượng, vượt mọi dự báo, dù vậy, không nên quá lạc quan hay bỏ qua những rủi ... |
| Nhật báo Italy nhận định 'con hổ châu Á mới' trong năm 2022 sẽ là Việt Nam Nhật báo La Repubblica của Italy mới đây nhận định Việt Nam sẽ trở thành 'con hổ châu Á mới' sau khi Ngân hàng Thế ... |
| Kinh tế Việt Nam quý III/2022 tăng ấn tượng 13,67%, lạm phát thấp Sáng nay (29/9), tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức Họp báo công bố số liệu thống ... |
| Truyền thông quốc tế dành lời 'có cánh' cho kinh tế Việt Nam Thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế, truyền thông nước ngoài liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng và dành nhiều lời ... |