Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN nâng tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thậm chí giảm nếu có thể. |
Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay và cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục tăng. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ 2018 của Mỹ, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.
Fed không “đơn độc”
Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp chính sách tháng Chín, Chủ tịch Fed Jerome Powell không giấu giếm các hệ quả từ việc mạnh tay tăng lãi suất, ông cảnh báo “việc chống lại lạm phát có thể mang tới một số đau đớn đối với kinh tế Mỹ, khi lãi suất cao hơn khiến thị trường việc làm tăng trưởng chậm hơn, chi phí vay mượn đắt đỏ hơn và có thể dẫn tới làn sóng giảm nhân sự…”.
Chủ tịch Powell bày tỏ quan điểm rõ ràng, Fed sẵn sàng chấp nhận một số tình trạng không lấy làm dễ chịu của nền kinh tế, thậm chí suy thoái, để chấm dứt tình trạng giá cả tăng và lạm phát vượt mức mục tiêu như hiện tại.
Cho tới nay, những dấu hiệu đầu tiên của một nền kinh tế giảm tốc đã xuất hiện. Các doanh nghiệp là đối tượng cảm nhận sớm nhất “nỗi đau” khi lãi suất tăng vọt. Doanh thu giảm sút, lợi nhuận đi xuống buộc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, bằng cách cắt giảm chi phí để bảo vệ biên lợi nhuận khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, bao gồm cả việc giảm người lao động.
Trong những tuần qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, bao gồm những cái tên đình đám, như Walmart, Gap, Best Buy và Bed Bath & Beyond… Trong số 500 công ty thuộc S&P 500, có 240 doanh nghiệp đã đề cập bối cảnh “suy thoái” trong báo cáo kinh doanh mới nhất của mình, theo số liệu thống kê của FactSet.
Tiếc rằng, hiện tại, Chủ tịch Fed không đơn độc. Hơn 80 quốc gia khác cũng đang trải qua tình trạng như Mỹ: Lạm phát ở trên mức mục tiêu, buộc ngân hàng trung ương điều chỉnh nâng lãi suất, hy sinh các lợi ích kinh tế.
Vương quốc Anh, các quốc gia thành viên EU, Canada hay Indonesia… đều đang có động thái “nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát”. Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng thế giới, tình trạng lạm phát cao không sớm chấm dứt, nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào suy thoái năm 2023 trước khi hồi phục vào năm tiếp theo. Nhiều việc làm mất đi, lãi suất cao hơn khiến không ít tổ chức vay nợ rơi vào khủng hoảng và việc phục hồi sau đại dịch có thể tạo thêm những nỗi đau.
Không có ngoại lệ
Tính đến 21/9, đồng USD đã tăng 15% so với cuối năm trước và 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 38 năm qua, khiến các đồng tiền khác mất giá mạnh so với USD.
Thực tế, sau quyết định mới nhất của Fed, đồng tiền nhiều nước trên thế giới đều mất giá so với USD như Euro mất giá 1,31%, bảng Anh 0,95%, NDT là 0,44%. Tính trung bình từ đầu năm đến nay, các đồng tiền trên thế giới mất giá rất mạnh như Yen Nhật mất giá 25%, Euro 13,5%, Bảng Anh 20%, Baht Thái Lan 11.95% và Won Hàn Quốc 17,57%... trong khi đó, tiền Đồng Việt Nam (VND) chỉ mất giá khoảng 3,8%, theo thông tin từ NHNN.
Như vậy, quyết định lãi suất của Fed, sau đó là động thái “theo gót” của nhiều ngân hàng trung ương lớn chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp…
Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, nhưng độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước có tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới tỷ giá, lãi suất, tín dụng và giá trị đồng tiền… của Việt Nam.
Không thể kéo dài tình trạng như vậy, đặc biệt khi VND đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh trước áp lực tăng lãi suất của Fed. NHNN đang nỗ lực tìm giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, kìm đà tăng tỷ giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, việc tăng lãi suất là biện pháp không thể tránh khỏi.
Phân tích những gì đang diễn ra và nhận định diễn biến tiếp theo, tờ Sputnik chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tỷ giá “nhảy” và tác động đến kinh tế Việt Nam. Theo đó, VND mất giá vì USD lên giá. USD lên giá vì Fed tăng lãi suất quá nhanh để chống lạm phát, trong khi Việt Nam muốn duy trì lãi suất thấp - điều này dẫn tới tỷ giá “nhảy”.
Nhiệm vụ của chính sách tiền tệ là quản lý lượng tiền trong lưu thông nhằm đảm bảo giá trị đồng tiền thông qua hai con số chính: Lạm phát và tỷ giá. Chuyên gia của tờ Sputnik tư vấn, Việt Nam không thể tránh khỏi việc tăng lãi suất. Chỉ là mọi giải pháp tiền tệ phải nhất quán, có tầm nhìn và đánh giá khoa học. Bây giờ là lúc tính toán căn cứ số liệu khoa học để quyết định: Cần can thiệp bán bao nhiêu? Tăng lãi suất bao nhiêu? Dùng các biện pháp tài khóa và kể cả hành chính vừa đủ nào để giảm cầu ngoại tệ? Cần thắt chặt tiền tệ thì công khai để doanh nghiệp biết còn chuẩn bị. Lãi suất cao không gây lạm phát bằng tỷ giá, nhưng nhân cơ hội này phá giá VND vừa đủ hỗ trợ xuất khẩu để không mang tiếng “thao túng tiền tệ”.
Nhìn nhận vấn đề trong nền kinh tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
“Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, NHNN sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ‘ổn định không có nghĩa là cố định’ mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình’’, Thống đốc cho biết. Và ngày 23/9, NHNN đã có động thái đầu tiên tăng lãi suất điều hành.
Theo bình luận của các chuyên gia, hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của NHNN đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra (tháng 3/2020). Mức lãi suất như hiện nay khá an toàn với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, hiện lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4,0 và 4,5%. Mức lãi suất điều hành hiện tại cũng để “phòng thủ” cho khả năng Fed nâng lãi suất lên 4,5-4,75% trong năm 2022.
| Ngân hàng trung ương Canada tăng lãi suất không 'thuận buồm xuôi gió' BoC tăng lãi suất 'không thuận buồm xuôi gió', khi các tổ chức công đoàn ở nước này kêu gọi ngừng tăng lãi suất vì ... |
| Bloomberg: Fed tăng lãi suất là 'đòn' nghiêm trọng đánh vào kinh tế toàn cầu Theo hãng tin Bloomberg, Ngân hàng Trung ương các nước phương Tây đang tăng lãi suất nhằm ngăn chặn việc gia tăng lạm phát, khiến ... |
| Doanh nghiệp lo gặp khó nếu lãi suất cho vay tăng Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động của các ngân hàng đã được nâng lên ở ... |
| Fed tăng lãi suất: Phố Wall 'đỏ lửa', giá dầu giảm nhẹ, USD tăng cao nhất hai thập niên Sáng 22/9 (theo giờ Việt Nam), các chỉ số chứng khoán chủ lực tại Phố Wall đã lao dốc trong khi tỷ giá đồng USD ... |
| Triển vọng Fed tăng lãi suất phủ bóng chứng khoán châu Á Sáng 19/9, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trước dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố một đợt ... |