📞

Kinh Thánh được viết khi nào?

20:00 | 29/03/2016
Kinh Thánh của đạo Cơ Đốc - một tác phẩm văn hóa vô giá của nhân loại - được viết khi nào, ai là tác giả? Những câu hỏi này vẫn còn ẩn khuất trong lớp sương mù của lịch sử…
Kinh Thánh là một tác phẩm văn hóa vô giá của nhân loại.

Vào năm 1947, một cậu bé chăn dê khi đi tìm dê lạc ở vùng Qumran bên bờ Biển Chết tình cờ đi vào một hang đá. Cậu tìm thấy những chum đất bên trong có những cuộn giấy da. Những cuộn giấy có chữ chép tay này sau đó được Học viện Thánh kinh Jerusalem xác định có niên đại vào thời Jesus.

Nguồn gốc

Sau đó người ta tiến hành khai quật vùng này từ  năm1947 đến 1956 và phát hiện thêm khoảng 870 bản thảo chép tay. Đến đầu thập niên 1990, toàn bộ những văn bản này đã được ra mắt công chúng. Các chuyên gia đã hợp tác để phục chế, đọc và giải thích những văn bản này. Chúng được viết bằng tiếng Hebre và tiếng Aramaic, chứa những đoạn viết trong Kinh Thánh của người Hebrew, trong đó thuật lại cuộc đời các nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh như Noah hay Abraham. Nội dung các bản chép tay có nói về sự ra đời của Đấng Cứu thế và ước mong về hồng ân Thiên Chúa.

Sau đó các nhà sử học kết luận, các bản chép tay tìm thấy bên bờ Biển Chết là do hàng trăm người viết từ thế kỷ II trước Công nguyên (TCN) đến thế kỷ I sau Công nguyên.

Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament), do hơn 40 tác giả viết trong suốt hơn 1.600 năm từ thế kỷ XII TCN cho tới thế kỷ II sau Công nguyên, là một tác phẩm đồ sộ, bản tiếng Việt dày tới 1.400 trang chữ khổ nhỏ.

Cựu Ước (Giao ước cũ của người Hebrew - nay gọi là Do Thái với Thượng Đế) là Kinh điển của người Hebrew, thực tế là bộ sử của một dân tộc dẫn đầu nền văn hoá nhân loại. Từ 5.000 năm trước, người Hebrew đã tin một đấng tối cao duy nhất họ gọi là Jehovah, tức Thượng Đế, được hiểu là một sức mạnh siêu nhiên sáng tạo ra tất cả (Tạo Hóa, Creator) chứ không thờ một thần thánh nào có nguồn gốc từ người hoặc vật.

Tân Ước (Giao ước mới của các tín đồ Ki-tô giáo với Thượng Đế) nguyên văn viết bằng tiếng Hy Lạp, ra đời một thế kỷ sau khi xuất hiện đạo Cơ Đốc, rất muộn so với Cựu Ước và nặng màu sắc tôn giáo hơn. Nó nói về cuộc đời và học thuyết của Chúa Jesus. Tân Ước gồm 27 cuốn, chia làm 3 phần: sách Phúc Âm (5 cuốn); sách giáo lý (21 cuốn); sách Khải Huyền (1 cuốn). Số trang của Tân Ước chỉ bằng  gần 1/3 Cựu Ước. Các học giả cho rằng Tân Ước được viết xong vào khoảng năm 382 sau Công nguyên.

Kinh Thánh là một bộ bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, pháp luật, đạo đức, văn hóa… Bộ sách này viết rất kỹ về quá trình di chuyển, các tai họa dân tộc (chiến tranh, đói kém…), các kinh nghiệm và đời sống của con người, qua đó đời sau có thể học được nhiều điều bổ ích.

Ai là tác giả?

Trước thế kỷ XVII, không ai dám đặt ra câu hỏi này. Nếu ai đó dám thể hiện sự nghi ngờ và “đào xới” lịch sử, nguồn gốc đạo Cơ Đốc, người đó có thể lãnh hậu quả nghiêm trọng.

Thật ra, các truyền thuyết của người Do Thái và sau đó là đạo Cơ Đốc, đều gán những quyển chính của Kinh Thánh cho những tác giả nổi danh. Một số giả thuyết cho rằng Thánh Moise là người viết năm cuốn kinh chính, gồm các cuốn Sáng thế, Xuất hành, Levi, Dân số, và Đệ nhị luật. Vua Solomon là tác giả của sách Diễm ca, Châm ngôn, Giảng viên. Còn các tông đồ Matthew, Luc, Marco và John là những người soạn sách Phúc Âm. Kinh Thánh được coi là sách ghi chép lại những phần đời và kinh nghiệm sống của những người biên soạn ra nó.

Mãi đến thế kỷ XVII nhà triết học Brauch Spinoza mới xem xét lại quan điểm này. Sau khi đọc đi đọc lại các cuốn kinh, với tinh thần duy lý, ông đã chỉ ra những chỗ cho thấy sự nhầm lẫn trong truyền thuyết. Theo ông, Thánh Moise không phải người sáng tác Ngũ kinh bởi bản này kết thúc bởi cái chết của chính ông. Làm sao Moise có thể kể về cái chết của mình được? Spinoza sau đó đã phát  động phong trào đọc và phê bình Kinh Thánh, góp phần làm thay đổi sự cả tin trước đó.

Việc phủ nhận truyền thuyết đã làm xuất hiện câu hỏi: Ai thực sự là người viết ra Kinh Thánh?

Vào thế kỷ XIX, một số nhà văn đã phát hiện nhiều văn phong khác nhau trong kinh Cựu Ước, chứng tỏ có nhiều tác giả khác nhau.

Liên quan đến kinh Cựu Ước, các nhà phân tích đã thay đổi cách đặt vấn đề. Thay vì băn khoăn chuyện ai viết Kinh Thánh, nay họ đặt vấn đề “Kinh Thánh được viết khi nào?” Có vẻ Kinh Thánh của người Do Thái là tổng hợp các kinh sách được viết đi viết lại nhiều lần ở thiên niên kỷ thứ nhất TCN và không phải chỉ một người viết ra các cuốn kinh này.

Mãi đến thế kỷ VI TCN, các tập kinh thuật lại những câu chuyện ở thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên mới được biên tập hoàn chỉnh. Những tác giả các cuốn kinh đó không chỉ dựa vào những nguồn tham khảo trước thời của họ mà còn dựa vào cả những câu chuyện truyền miệng mà ngày nay không còn cách nào tìm ra được dấu vết. Như vậy, càng cố tìm kiếm thì khả năng tìm ra tác giả các tập Kinh Thánh càng mờ mịt.

Với Kinh Tân Ước thì vấn đề có hơi khác vì mọi người đều thống nhất rằng mỗi sách Phúc âm là do một người viết. Nhưng thậm chí cả điều này cũng có nhiều phần phỏng đoán hơn là khẳng định. Một vấn đề của các sách Phúc âm là chúng được biên soạn vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, ghi lại các thông điệp của Chúa Jesus sau khi Chúa qua đời nửa thế kỷ.

Như vậy, từ ba thế kỷ nay, câu hỏi “Ai là tác giả Kinh Thánh?” vẫn còn để ngỏ chưa có lời giải đáp chính xác. Người ta chỉ có thể cho rằng: Kinh Thánh là do Chúa Trời (Cha của Chúa Jesus Christ) soi dẫn, Chúa Trời là tác giả, Kinh Thánh được viết bởi con người qua sự cảm động của Chúa Trời.

(tổng hợp)