Những nét hoa văn thổ cẩm đặc sắc tại chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên. |
Chương trình đã thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng, với sự tham gia của hơn 80% diễn viên là học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, tỉnh hiện có hơn 1.000 người tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của trang phục thổ cẩm truyền thống.
Điều đó chứng minh công tác gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm và các nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số đang được quan tâm, chú trọng.
Chương trình chính là tiền đề để huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung quảng bá nét độc đáo của thổ cẩm đến với du khách, thúc đẩy du lịch địa phương ngày càng phát triển.
Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện để gìn giữ, phát triển các nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum.
Trang phục thổ cẩm là vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum.
Thông qua phần biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên đã khẳng định tay nghề của đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum trong may mặc truyền thống; góp phần làm lan tỏa nét đẹp thổ cẩm đến người dân cả nước.
Chị Trần Thị Vy (du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, với phong cách trình diễn đẹp mắt, kết hợp với không gian độc đáo tại thị trấn Măng Đen, những diễn viên như "nàng thơ" bước ra từ những câu chuyện cổ tích.
Những chiếc áo dài với các họa tiết đặc trưng của mỗi cộng đồng dân tộc giúp du khách dễ dàng nhận biết và hiểu được một phần đời sống, không gian văn hóa của người dân nơi đây. Các yếu tố này mang lại một cảm xúc khó tả cho du khách khi được chiêm ngưỡng.
Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên đã kết thúc với nhiều dấu ấn đặc sắc.
Thời gian tới, huyện Kon Plông mong muốn sẽ góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung.
Từ đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát triển giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.