Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (LBVQLNTD), đã có 22 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình và tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ, hàng hoá
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án LBVQLNTD, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.
Cụ thể, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên thời gian, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mức độ sai lệch, thiếu sót của thông tin so với thực tế, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót dẫn đến quyết định của người tiêu dùng.
Liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự về quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng, dự thảo Luật phân định hai trường hợp áp dụng được hiểu là đối với các giao dịch có giá trị trên 100 triệu đồng thì áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự còn dưới 100 triệu đồng thì áp dụng LBVQLNTD.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu tại Hội trường. (Nguồn: quochoi.vn) |
Nghĩa vụ của người tiêu dùng
Góp ý về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Cầm Thị Mẫn (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đối với hàng hóa, sản phẩm có thể kiểm tra được nhưng đối với dịch vụ chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng nên không thể quy định là kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung. Đối với hàng hóa, sản phẩm có thể lựa chọn nguồn gốc xuất xứ theo nhãn mác giấy chứng nhận nhưng đối với dịch vụ không thể không xác định theo tiêu chí nguồn gốc xuất xứ.
Trên thực tế, việc kiểm tra, lựa chọn và quyết định mua sản phẩm, hàng hóa và quyết định sử dụng dịch vụ được người tiêu dùng luôn thực hiện một cách tự nhiên nhất để đáp ứng với nhu cầu, mong muốn của họ. Trong khi đó, chúng ta đều biết các quy định được xây dựng trong dự thảo luật này là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trước sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khiếm khuyết không đảm bảo chất lượng. Vậy, trách nhiệm trước tiên là của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ra xã hội phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định.
Việc quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong trường hợp này không khác gì đẩy trách nhiệm cho chính những người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi của họ, vì vậy, đại biểu Mẫn đề nghị bỏ quy định này trong Dự thảo LBVQLNTD.
Đối với việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra quy định tại Điều 34, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, thời gian qua, quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm ngày càng chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng như quy định, biện pháp khắc phục của doanh nghiệp cũng chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật,… Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định ràng buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh có hàng hóa khuyết tật, sản phẩm bị lỗi phải bồi thường cho người tiêu dùng trong một thời gian nhất định.
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang (Nguồn: quochoi.vn) |
Bảo đảm thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám (ĐBQH tỉnh Kon Tum) nêu rõ, một trong những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa. Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có những có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ...
Theo đại biểu, giữa sự bủa vây của những thông tin giả, người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người “tiền mất tật mang” vì những thông tin sai lệch.
Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.
Đề xuất bỏ quy định giá trị giao dịch
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐBQH đề xuất bỏ quy định về giá trị giao dịch trong điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhiều đại biểu cho rằng, thực tiễn hiện nay cho thấy các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như Dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, ngay từ năm 2015 khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự đã rất phân vân đối với vấn đề giá trịnh giao dịch để áp dụng thủ tục rút gọn. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp là lớn hay nhỏ, là 100 triệu, 1 tỷ hay là 10 tỷ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại Hội trường (Nguồn: quochoi.vn) |
Xác định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng, mặc dù hiện nay việc quy định 7 nhóm đối tượng dễ bị tổn thường chỉ là liệt kê, cũng có thể không đầy đủ, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm vẫn đồng tình với phương án là nêu cụ thể 7 nhóm đối tượng này, bởi vì có thể nói đây cũng là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc xác định 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trong dự thảo Luật mang tính liệt kê, một số đối tượng cụ thể có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết mà càng liệt kê thì càng dễ thiếu nên dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp đối với các đối tượng.
Vì vậy, đại biểu Trần văn Tuấn đề nghị cần sửa đổi, biên tập lại khoản 1 Điều 8 trong dự thảo luật theo hướng cần xác định mang tính bao quát một số nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và đề xuất có 4 nhóm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương với những chính sách phù hợp.
Cụ thể, ông Tuấn đề nghị “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp gồm: i) Những người có nhận thức, hiểu biết hạn chế; ii) Những người bị bệnh tật, khuyết tật; iii) Những người nghèo, người có thu nhập thấp; iv) Những người sinh sống ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn.