📞

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc vào sáng 20/5

17:12 | 17/05/2019
Chiều 17/5 tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi Họp báo thông báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Quang cảnh buổi Họp báo chiều 17/5 tại Trung tâm báo chí Nhà Quốc hội.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Dự kiến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng 20/5 và kéo dài trong 20 ngày; Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 14/6/2019.

Theo Văn phòng Quốc hội, đây là kỳ họp giữa năm 2019, năm thứ tư của nhiệm kỳ. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phỉ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Về công tác thông tin tuyên truyền của kỳ họp thứ 7, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để bảo đảm công tác thông tin tuyên truyền về kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức và vận hành Trung tâm báo chí tại tầng B1, Nhà Quốc hội. Trung tâm Báo chí sẽ mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút trong những ngày Quốc hội làm việc. Tại kỳ họp này, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia đưa tin về chương trình nghị sự của Quốc hội. Theo dự kiến, sẽ có 10 buổi họp trong chương trình kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp (chiếm tỷ lệ 25% tổng thời gian kỳ họp)…

(tổng hợp)