📞

Ký kết RCEP - ưu tiên năm 2020 của ASEAN

Thu Hiền 09:00 | 21/03/2020
TGVN. Ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là ưu tiên cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoại khối trong năm 2020. Đây cũng là một thông điệp tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN (AEM) hẹp vừa qua tại thành phố Đà Nẵng.
Đại diện các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 chụp ảnh lưu niệm.

Hội nghị lần này kỳ vọng ASEAN tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm và giúp “tìm được điểm cân bằng” giữa các thành viên RCEP, cụ thể là giữa Ấn Độ và 15 thành viên còn lại để RCEP có thể ký kết vào tháng 10/2020 với đủ 16 thành viên.

Xây dựng môi trường thương mại mở cửa

Trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng theo hướng chủ nghĩa bảo hộ nổi lên ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP sẽ thể hiện mục tiêu cam kết chung hướng tới xây dựng môi trường thương mại và đầu tư mở cửa trong khu vực. Hiệp định RCEP nhằm mở rộng hơn nữa và tăng cường chuỗi giá trị vì lợi ích của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như lợi ích của người lao động, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Việc kết thúc đàm phán RCEP đánh dấu một cột mốc hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Hiệp định sẽ thúc đẩy đáng kể triển vọng tăng trưởng trong tương lai của khu vực và đóng góp tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đóng vai trò là trụ cột hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương vững mạnh và thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.

Được khởi động từ tháng 11/2012, RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác lớn mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Trải qua 25 phiên đàm phán chính thức, 13 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng và 2 Hội nghị cấp cao, RCEP dự kiến được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba về RCEP tại Thái Lan ngày 4/11/2019. Tuy nhiên, trước khi Hội nghị diễn ra, Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định do một số lợi ích cốt lõi của Ấn Độ chưa được giải quyết. Bà Vijay Thakur Singh, Bí thư phương Đông, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: “Quyết định rút khỏi RCEP là kết quả sau khi đánh giá về tình hình quốc tế hiện nay”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định rút lui khỏi RCEP là do áp lực lớn ở trong nước khi người dân và doanh nghiệp lo lắng về việc hàng hóa Trung Quốc cũng như hàng hoá từ các quốc gia ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Ấn Độ khi Hiệp định có hiệu lực, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống mưu sinh của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp địa phương. Khi RCEP có hiệu lực, theo những cam kết của mình, Ấn Độ sẽ loại bỏ thuế quan của 90% mặt hàng trong quan hệ thương mại với ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Con số này đối với Trung Quốc, Australia và New Zealand là 74% số mặt hàng.

Hội nghị lần này kỳ vọng ASEAN thể hiện vai trò trung tâm và giúp tìm được điểm cân bằng giữa các thành viên RCEP, cụ thể là giữa Ấn Độ và 15 thành viên còn lại để RCEP có thể ký kết vào tháng 10/2020 với đủ 16 thành viên.

Việt Nam - tham gia định hình luật chơi

Với tất cả các công tác chuẩn bị, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán kỹ thuật vào tháng 5/2020, để hiệp định RCEP có thể ký kết vào tháng 10/2020.

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi

GS. Yasuhiro Yamada, trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đánh giá, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 ghi dấu vai trò của Việt Nam ở vị thế mới là quốc gia có thu nhập trung bình và sẽ tác động nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam, trong đó, RCEP có thể tác động lớn tới mục tiêu tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng các lợi thế tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Với lộ trình đưa thuế suất các mặt hàng trong ASEAN về 0%, Việt Nam sẽ có những điều chỉnh giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng lợi thế và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN.

Theo GS. Yamada, ASEAN đang vận động Ấn Độ tham gia RCEP. Nếu thuyết phục được Ấn Độ tham gia hiệp định này, thì đây sẽ là thành công lớn trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Thêm nữa, trong bối cảnh chiến lược hội nhập quốc tế đang được đẩy mạnh trong đó đặc biệt coi trọng việc tham gia và định hình cấu trúc luật chơi kinh tế-thương mại khu vực như hiện nay, tham gia RCEP là một bước đi cần thiết để Việt Nam hiện thực hóa chủ trương đó.

Những năm gần đây, đặc biệt là sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với những trọng trách quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước. Nhờ sự tin tưởng các nước cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đã thúc đẩy các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi tới ký kết và thực thi Hiệp định ngay trong thời điểm chủ nghĩa bảo hộ đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ tại khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Việc CPTPP được ký kết và đi vào thực thi khẳng định sự ủng hộ to lớn của Việt Nam với chủ nghĩa tự do thương mại toàn cầu, là tín hiệu tích cực thúc đẩy hơn nữa chủ trương tự do thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể tiếp tục đưa những nội dung đàm phán còn dang dở từ Năm ASEAN 2019 đi đến thành công, đặc biệt là với Hiệp định RCEP.

Nguyên Trưởng SOM ASEAN Thái Lan Sihasak Puangketkaew

Từ những lợi ích lớn có được từ việc thúc đẩy đưa CPTPP vào ký kết và thực thi, việc tham gia RCEP với Việt Nam không chỉ đơn thuần là đem lại lợi ích kinh tế thuần túy mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, tham gia chủ động hơn vào việc xây dựng và định hình luật chơi tại khu vực, từ đó duy trì được môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của đất nước.

Và để có thể tận dụng một cách hiệu quả nhất những lợi ích mà RCEP đem lại, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong nước, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp. Đó là sớm xây dựng được những kịch bản hành động tốt, tránh bị động như những gì đã thực hiện với Hiệp định CPTPP. Theo đó, cần phải đặc biệt chú trọng vào việc tận dụng hiệu quả những lợi ích của Chứng nhận xuất xứ (C/O) trong xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và ngay cả Trung Quốc. Bởi trong những năm gần đây, việc tận dụng C/O trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chú trọng và đem lại hiệu quả như mong đợi. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O mới chỉ đạt khoảng gần 40%.

Thêm vào đó, cần phải có sự thông tin mạnh mẽ hơn nữa tới các doanh nghiệp trong nước về những lợi ích mà Hiệp định đem lại cũng như những thách thức mà các doanh nghiệp này có thể gặp phải. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra được các sản phẩm có chất lượng cao với chi phí hợp lý, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các mặt hàng ngoại. Thị trường Việt Nam sẽ giảm bớt được nguy cơ trở thành sân chơi riêng của các công ty nước ngoài, tạo tâm lý tốt trong nước, tránh được những hệ quả xã hội không đáng có. Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp là điều kiện then chốt để tận dụng tối đa những lợi ích của RCEP phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới, góp phần sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

(tổng hợp)