Để có một Hồ Gươm lung linh, đơn vị tổ chức đã huy động lượng trang thiết bị ánh sáng, âm thanh lớn nhất từ trước tới nay. |
1. Sau màn khai mạc, 1000 con chim bồ câu bay lên bầu trời Hà Nội, mỗi sân khấu xung quanh hồ Gươm thả 100 con, riêng quả địa cầu lớn đặt bên trái sân khấu chính ở Vườn hoa Lý Thái Tổ thả 600 con.
Điều đặc biệt, tất cả số chim bồ câu này đều do những nghệ nhân nuôi chim tại huyện Yên Phong - Bắc Ninh cung cấp. Những chú chim này là chim nuôi, được huấn luyện để thi đấu, trình diễn. Đặc biệt, để đảm bảo "về với cội nguồn", sau khi số chim này được thả, chúng sẽ bay về Bắc Ninh, quê của vua Lý Thái Tổ.
"Để đảm bảo số chim bay đúng hướng, chúng tôi đã đào tạo một con chim đầu đàn và cho bay từ trước để nó nhớ đường về. Khi toàn bộ chim được thả, chúng sẽ bay theo con đầu đàn về Bắc Ninh, sau đó chim nhà nào sẽ bay về nhà đấy" - ông Nghiêm Văn Hoan, thành viên hội chơi chim huyện Yên Phong (cung cấp chim bồ cầu phục vụ Đại lễ) cho biết.
2. Để có được một "Đêm Hồ Gươm lung linh", đơn vị đảm nhiệm công tác lắp đặt (Công ty thiết bị âm thanh, ánh sáng Tân Hữu Tài, TP.HCM) đã phải huy động toàn bộ trang thiết bị từ TP.HCM ra Hà Nội, với số trang thiết bị chứa đầy 2 container (loại hơn 35.500 kg).
Để Hồ Gươm thật lung linh, sẽ có 120 đèn cao áp (với công suất 4000W/đèn), 300 đèn màu đặt trên 5 dàn đèn ở xung quanh hồ để tạo hiệu ứng ánh sáng trên mặt Hồ Gươm (với công suất 2000W/1đèn), ngoài ra còn có đèn laser, máy tạo khói. Cùng với ánh sáng, trong đêm 1/10, đêm Hồ Gươm còn có sự kết hợp của hệ thống âm thanh, với 500 loa cỡ lớn, được đặt ở các sân khấu và 6 đài loa đặt xung quanh hồ.
"Để lắp đặt xong hệ thống thiết bị này, chúng tôi đã phải huy động 105 anh em kỹ thuật, gần như toàn bộ số người công ty hiện có. Đồng thời làm việc cả ngày lẫn đêm, phải mất 15 ngày mới xong (từ 10/9). Đây là dự án lớn nhất từ trước tới nay chúng tôi từng làm, cả về mặt trang thiết bị, lẫn con người." anh Ngô Tấn Minh, trưởng phòng kỹ thuật Công ty Tân Hữu Tài, đại diện công ty cho biết.
3. Ngoài ra, trong ngày khai mạc, không ít người ở tại sân khấu chính tại Vườn hoa Lý Thái Tổ còn được thưởng thức thêm những tiết mục âm nhạc về Hà Nội từ một nghệ sỹ đường phố. Lão ông tóc dài búi cao, râu bạc, đội nón cao bồi, trang phục rất... nghệ sĩ, với cây đàn mandoline trên tay, ông say sưa chơi những bản nhạc về Hà Nội.
Ông là Tạ Trí Hải - một nghệ sỹ đường phố rất nổi tiếng ở TP.HCM. Ông sinh năm 1940 tại Hà Nội, từng là kỹ sư, chuyên viên cao cấp của Tổng cục Cao su. Từ ngày về hưu, đàn là bạn tri kỷ của ông. Ông có thâm niên hơn 60 năm chơi đàn, với 5 loại nhạc cụ khách nhau như violon, ghi ta, mandoline...
Ông có thể chơi rất nhiều nhạc phẩm của Nga, Pháp, Anh, nhạc Trịnh, dân ca, nhạc cách mạng... nhưng đặc biệt trong ngày lễ lớn của Hà Nội, ông cùng một người cháu nhỏ chỉ trình bày những bản nhạc rất nổi tiếng về Hà Nội, như Hà Nội niềm tin và hy vọng; Nhớ về mùa thu Hà Nội; Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa...
Ông chia sẻ: "Hôm nay là ngày vui không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn là niềm vui chung của cả dân tộc. Tôi ra đây cũng chỉ hy vọng góp thêm một phần nhỏ cho niềm vui lớn đó thôi". Và trong những ngày tới, chắc chắn bóng dáng, tiếng nhạc của ông sẽ còn tiếp tục vang lên trong không khí rạo rực Đại lễ 1000 năm.
Theo Lê Việt