ThS. Phạm Thị Khánh Ly cho rằng, việc quản lý hành vi lệch chuẩn của học sinh nên có sự kết hợp giữa hiểu biết, thấu cảm và kỷ luật tích cực. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của ThS. Phạm Thị Khánh Ly, Phó Chủ tịch Hội đồng trường/Giám đốc điều hành Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy, THPT Tây Hà Nội (Hà Nội)/Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang, liên quan thực trạng lệch chuẩn trong hành vi, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Chị có thể chia sẻ quan điểm của mình về hành vi lệch chuẩn ở học sinh, sinh viên hiện nay, đặc biệt là trong môi trường học đường?
Mọi ứng xử của con người đều cần những nguyên tắc nhất định, đối với mỗi cá nhân trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh, cần có hành vi ứng xử phù hợp. Trong môi trường học đường, theo tôi, học sinh cần rèn luyện hành vi ứng xử tích cực, đúng mực.
Những hành vi lệch chuẩn tức là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, xã hội, với nội quy trường học hay quy định của pháp luật. Ở học sinh, những hành vi này thường phản ánh các vấn đề cá nhân hoặc trong gia đình và các kết nối xã hội của các em.
Thay vì chỉ nhìn nhận đơn thuần là hành vi sai trái và xử lý trên góc độ vi phạm kỷ luật, nên nhìn nhận rằng hành vi này là tín hiệu chỉ ra những khó khăn, sự không hài lòng hoặc mất cân bằng tâm lý của học sinh.
Do đó, việc quản lý hành vi lệch chuẩn của học sinh trong môi trường học đường đòi hỏi kết hợp linh hoạt giữa sự thấu cảm, sự hiểu biết và các biện pháp kỷ luật tích cực.
Theo chị, những hành vi nào được coi là lệch chuẩn trong môi trường học đường hiện nay? Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Trong môi trường học đường hiện nay, trường học luôn phải đối mặt với vấn đề học sinh không tuân theo các khuôn mẫu hành vi được mong đợi.
Theo nhiều nghiên cứu, hành vi lệch chuẩn của học sinh trong môi trường học đường có thể được chia thành các nhóm như hành vi lệch chuẩn trong học tập (trốn học, quay cóp, không hoàn thành bài); hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp (nói dối, vô lễ, nói tục chửi bậy); hành vi lệch chuẩn trong sử dụng các chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích); hành vi lệch chuẩn trong trật tự xã hội (đánh nhau - ẩu đả, xem văn hóa phẩm đổi trụy, vi phạm luật giao thông).
"Hiểu rõ về hành vi lệch chuẩn phải đi cùng với sự hiểu biết rõ về các hệ thống xung quanh đang tác động đến học sinh". |
Các hành vi lệch chuẩn trong học tập và giao tiếp phổ biến hơn ở học sinh. Đặc biệt, phải kể đến những hành vi lệch chuẩn trong ứng dụng công nghệ, trên mạng xã hội chứa nhiều thông tin dễ gây nghiện với thanh thiếu niên, đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá, chưa biết tự kiểm soát, dễ dàng bị hấp dẫn và lôi kéo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi như vậy.
Về mặt chủ quan, học sinh có thể chưa nhận thức đầy đủ hoặc hiểu sai về nội quy, thiếu ý thức hoặc không muốn tuân thủ quy định vì cho rằng chúng không cần thiết hay quá khắt khe, hoặc cũng có thể do bạn bè, ảnh hưởng giáo dục gia đình, yếu tố đặc điểm tâm sinh lý tuổi mới lớn.
Các em học sinh không tự nhiên bắt đầu hành vi lệch chuẩn mà học hỏi cách thức tiến hành từ người khác. Sự "học hỏi" diễn ra ngay từ các nhóm thân tình. Các nhóm thân tình như gia đình, bạn thân, bạn học có ảnh hưởng lớn nhất tới hành vi và thái độ của học sinh, tiếp đó là các nhóm cộng đồng và tổ chức xã hội. Do đó, để hiểu rõ về hành vi lệch chuẩn phải đi cùng với sự hiểu biết về các hệ thống xung quanh học sinh và đang tác động đến học sinh.
Về mặt khách quan, hành vi lệch chuẩn có thể xuất phát từ các quy chế của nhà trường chưa bắt kịp với sự thay đổi của xã hội hiện đại. Cơ chế quản lý lỏng lẻo và sự thiếu quan tâm cũng là những nguyên nhân khiến học sinh không tự giác tuân thủ.
Thêm vào đó, nhiều quy định được ban hành mà không tham khảo ý kiến của học sinh, hoặc học sinh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ cuộc sống, từ bạn bè và phương pháp giáo dục chưa phù hợp từ phía gia đình và giáo viên.
Vậy nhà trường cần làm gì để giúp học sinh, sinh viên tránh xa các hành vi lệch chuẩn, theo chị?
Nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn chú trọng xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp từng cấp học và trình độ.
Vấn đề đạo đức, không thể chỉ dạy trên lý thuyết, gói gọn trong những bài giảng mà cần cả quá trình rèn luyện lâu dài. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp khéo léo, linh hoạt, thường xuyên giữa giáo viên, phụ huynh để tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và gia đình, nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục, hướng học sinh đến các hành vi chuẩn mực.
Yếu tố “làm gương” rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng học sinh giữ vững lối sống lành mạnh, tránh xa hành vi lệch chuẩn. Theo đó, bản thân mỗi giáo viên và nhân viên trong trường cần là một tấm gương sáng cho các học trò của mình.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, trong đó quy định giáo viên các cấp thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ về đạo đức nhà giáo.
Nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn cần chú trọng xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống. (Ảnh minh họa: Internet) |
Các chương trình, hoạt động nào nên được triển khai trong nhà trường để giúp các em phát triển toàn diện và lành mạnh?
Nhà trường nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử, ở đó có những quy định rõ ràng về các hành vi được làm, không được làm để học sinh hiểu và tuân thủ. Giáo dục học sinh phát triển toàn diện và lành mạnh không thể thiếu các hoạt động ngoại khóa tăng cường thêm các kỹ năng sống, các hoạt động hướng về cộng đồng, thiện nguyện, phát huy giá trị của tinh thần nhân văn, nhân ái.
Cần triển khai chương trình phòng ngừa diện rộng, bao gồm phổ cập các quy định, chuẩn mực đạo đức trong môi trường giáo dục cùng bộ quy tắc văn hóa ứng xử. Đồng thời, giáo dục đạo đức lối sống nhằm nâng cao nhận thức để phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn như sử dụng thuốc lá điện tử và chất cấm, bạo lực học đường, vi phạm luật giao thông…
Thông qua các hội thảo, tọa đàm về sức khoẻ tinh thần, kịp thời hỗ trợ các vấn đề phát sinh trong diễn biến tâm lý của học sinh.
Ngoài giáo dục, hỗ trợ ở quy mô diện rộng, các em học sinh có hành vi lệch chuẩn cần được đồng hành 1-1, trao đổi riêng tư bởi các thầy cô cũng như xem xét để được hỗ trợ tâm lý bởi phòng tâm lý học đường. Vì sao lại như vậy, bởi mỗi giáo viên không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức mà còn là người vun đắp tâm hồn. Để giúp đỡ những em này, giáo viên cần kết hợp nhiều phương pháp một cách hiệu quả.
Trước hết, yêu nghề và yêu trẻ là điều cốt lõi giúp giáo viên kiên trì vượt qua những thách thức trong việc giáo dục. Đồng thời, giáo viên cần quản lý cảm xúc tốt và luôn kiên nhẫn, bởi quá trình thay đổi của học sinh thường không diễn ra ngay lập tức.
Hơn nữa, việc hiểu rõ tâm lý và hoàn cảnh của học sinh cũng rất quan trọng, bởi điều này cho phép giáo viên đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp, dựa trên nguyên nhân hành vi lệch chuẩn. Sự quan tâm chân thành và thái độ không kỳ thị giúp giáo viên dễ dàng kết nối với học sinh, giúp các em cảm thấy được yêu thương và không bị xa lánh.
Bên cạnh đó, giáo viên nên khen ngợi ưu điểm trước khi nhắc nhở về nhược điểm để học sinh dễ dàng tiếp nhận và không có phản ứng tự vệ. Đặc biệt, giáo viên cần tin tưởng vào sự thay đổi của học sinh, không nóng vội và luôn tạo cơ hội để các em có thể sửa chữa.
Cuối cùng, việc kết hợp phương pháp mềm dẻo, kỷ luật gắn yêu thương và hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội tạo môi trường hỗ trợ toàn diện, giúp học sinh dần hoàn thiện bản thân.
Một số ví dụ cụ thể về các trường hợp học sinh, sinh viên có hành vi lệch chuẩn mà chị đã từng gặp phải và cách giải quyết?
Với việc học sinh thiếu động lực học tập, thường xuyên không học bài, làm bài, dẫn tới điểm số không đạt, nguy cơ ở lại lớp, giáo viên hãy chủ động gặp gỡ học sinh, nắm bắt những khó khăn và chia sẻ về mục tiêu, cách để có động lực trong việc học.
Với học sinh có hành vi bạo lực, các em thường xuyên cáu giận, đánh bạn, giải quyết cách mâu thuẫn bằng bạo lực. Lúc này, giáo viên nên gặp học sinh, đưa ra những quy định rõ ràng về kỷ luật học đường để các em hiểu về việc cần tuân thủ kỷ luật.
Tôi cho rằng, điều quan trọng là cần động viên học sinh để hiểu những khó khăn về mặt cảm xúc dẫn đến các hành vi lệch chuẩn của các em. Đồng thời, nên tổ chức các workshop tâm lý để học sinh hiểu về tình bạn và vai trò của tình bạn, tránh những va chạm không đáng có dẫn đến bạo lực với bạn bè, cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, thân thiện.
Xin cảm ơn chị!