📞

Kỹ năng truyền thông trong thời đại số: Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng

Phi Khanh 06:10 | 28/09/2023
Ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong truyền thông về di sản ở thời đại công nghệ số, nội dung đóng vai trò là vua, còn hình thức thể hiện được ví như nữ hoàng.
Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi tập huấn kỹ năng truyền thông về di sản trong thời đại công nghệ số. (Ảnh: Phi Khanh)

Ngày 27/9, tại Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng truyền thông về di sản trong thời đại công nghệ số.

Báo chí đa nền tảng phải hiểu công chúng

Phát biểu khai mạc, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, sự phát triển của các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới cách thức truyền thông của các cơ quan báo chí truyền thống. Trong đó, truyền thông về di sản luôn cần phải cân nhắc, lựa chọn phương thức để nội dung và hình thức truyền thông hiệu quả hơn.

Với vai trò là Thường trực Tiểu ban Thông tin, thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lớp tập huấn này nhằm cung cấp thêm những giải pháp, kỹ năng truyền thông về di sản; tăng cường kết nối với các cơ quan báo chí để quảng bá các di sản UNESCO của Việt Nam và tận dụng các lợi thế của công nghệ trong công tác báo chí, truyền thông.

"Tôi tin tưởng, chương trình tập huấn sẽ trao đổi những kỹ năng truyền thông về di sản hữu ích, phục vụ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp”, ông Triệu Minh Long nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Cường cho rằng, trong báo chí, longform là hình thức thể hiện của hiện tại, còn podcast là của tương lai. (Ảnh: Phi Khanh)

Tại buổi tập huấn, ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí đa phương tiện đã chia sẻ về xu hướng làm báo đa nền tảng.

Ông Cường cho rằng, báo chí có thể tự tin vượt qua thông tin trên mạng xã hội là do thông tin được kiểm chứng, mang tính xây dựng. Tuy nhiên, muốn cạnh tranh được với mạng xã hội thì phải phát triển song song cả nội dung và hình thức, trong đó nội dung là vua, phương thức trình bày là nữ hoàng.

Bên cạnh đó, ông Vũ Thế Cường nêu quan điểm, người làm báo thời nay không sợ thay đổi bản thân, liên tục cập nhật cái mới. Chúng ta phải hỏi sản phẩm của mình đã đến được với công chúng hay chưa? Công chúng tiếp nhận sản phẩm của mình thế nào?

“Báo chí đa nền tảng là để trả lời cho hai câu hỏi chúng ta có đến với công chúng hay không và đến như thế nào? Mục tiêu tối thượng của báo chí hiện đại là làm sao để tiếp cận được lượng công chúng lớn nhất”.

Đồng thời, ông Cường cũng cho rằng, cần thiết xem xu hướng công chúng của mình đang thay đổi ra sao trên Face, Zalo? Từ đó, để chúng ta cung cấp thông tin trên các nền tảng phù hợp.

Ông Vũ Thế Cường lưu ý, nội dung phải đúng, trúng, nhanh. Đồng thời, ông đặt câu hỏi, các cơ quan báo chí thực tế đang "sinh hoạt" trên nền tảng như thế nào? Công chúng của chúng ta ở đâu? Báo chí đa nền tảng phải biết công chúng ở đâu? Tức là, báo chí phải đi đúng để tiếp cận được công chúng.

Ông Cường khẳng định: “Báo chí đa nền tảng phải hiểu công chúng, dự báo công chúng, tốc độ tăng trưởng để xây dựng chiến lược, kiếm được view và quảng bá được thương hiệu của mình”.

Vậy nên, cần điều chỉnh tư duy của người làm báo, cách làm báo, tận dụng công nghệ. Trong đó, ông Cường cho rằng, Podcast là tương lai của báo chí, nếu chậm chân sẽ có những đối tượng khác cạnh tranh.

Trong những chia sẻ của mình, ông Vũ Thế Cường cũng cho rằng, Longform chính là sự trỗi dậy của “báo in” trên báo điện tử. Nhờ có công nghệ, Longform dần dần khẳng định ngôi vương của mình. Do vậy, cần nhìn được xu hướng, vai trò của công nghệ để tận dụng trong làm báo hiện đại.

Ông Cường nhấn mạnh, trong truyền thông về di sản ở thời đại công nghệ số, nội dung đóng vai trò là vua, còn hình thức thể hiện được ví như nữ hoàng. Nếu chúng ta đầu tư tốt cho nội dung và hình thức thì sẽ gây ấn tượng rất lớn cho bạn đọc. Trong báo chí, Longform là hình thức thể hiện của hiện tại, còn Podcast là của tương lai.

“Chúng ta đang có trong tay nội dung tốt, tức nội dung là vua, có lợi thế nhưng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, phải coi phương thức truyền tải là nữ hoàng. Phải đảm bảo nội dung đầy đủ thông tin, hấp dẫn và đa dạng về cách trình bày. Đa nền tảng giúp tiếp cận được công chúng nhiều hơn. Đó là xu hướng trong báo chí nói chung”, ông Cường cho biết thêm.

Buổi tập huấn thu hút sự tham gia của đông đảo nhà báo. (Ảnh: Phi Khanh)

Xu hướng công nghệ bắt buộc người làm báo phải cập nhật

Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Phạm Tâm Long, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho rằng, cần nâng cao hiệu quả truyền đạt thông tin qua các nền tảng. Bởi lẽ, xu hướng con người sử dụng không gian mạng ngày càng gia tăng, tác động lớn đến không gian sống thực. Không chỉ mang đến nguồn thông tin vô tận, không gian mạng còn là nơi kết nối xã hội loài người, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng giá trị cuộc sống.

"Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính 'ảo', dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tin giả, thông tin xấu, độc", ông Phạm Tâm Long cho hay.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ cả mặt tích cực và tiêu cực của không gian mạng một cách rõ nét. Trong bối cảnh này, việc chủ động tham gia mạng xã hội để tăng cường tính tích cực, hạn chế tính tiêu cực của nó là cần thiết.

Bằng kinh nghiệm của mình, TS. Trần Quốc Trung, Trưởng Bộ môn Thiết kế đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ kỹ năng làm báo thông qua việc sử dụng các công cụ số (thiết kế bảng biểu, sơ đồ infographics…). Người làm báo cần kiến thức, kỹ năng trong làm báo, hiểu đúng về đồ họa thông tin.

Theo ông Trung, trong xu thế hiện nay, công cụ khá quen thuộc khi tác nghiệp như phần mềm biên tập, thiết bị thông minh, nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, cần có sự gắn kết giữa nền tảng với báo chí.

Kỹ năng tích hợp như viết, làm tin, phỏng vấn, cần có thêm kỹ năng đa phương tiện. Yếu tố công nghệ trở thành kỹ năng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đồ họa thông tin (inforgraphic) giúp chúng ta truyền tải một cách trực quan nhất, nhằm truyền đạt thông tin hoặc dữ liệu một cách hiệu quả và hấp dẫn hơn, níu giữ người xem, tăng khả năng tương tác.

Tuy nhiên, TS. Trần Quốc Trung cho rằng, đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, yếu tố níu giữ và tăng tương tác chưa khai thác được nhiều. Do đó, cần có cách thức tiếp cận phù hợp hơn, ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn. Đồ họa thông tin trong lĩnh vực báo chí sẽ nâng cao khả năng kể chuyện của báo chí theo nhiều cách bằng cách, làm cho thông tin phức tạp trở nên dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đề cập những vấn đề đặt ra đối với việc khai thác Inforgraphic trong lĩnh vực báo chí, đó là độ phức tạp của dữ liệu, nền tảng công nghệ, khả năng tương thích trên đa nền tảng, xác minh dữ liệu, kiến thức về thiết kế trực quan, quá tải hình ảnh, thông tin… Từ đó, theo ông Trung, để xây dựng được một ấn phẩm trực quan, cần đo lường được bằng nền tảng công nghệ mới đưa ra được chiến lược phát triển.

“Xu hướng công nghệ bắt buộc người làm báo phải cập nhật. Chúng ta phải hiểu được các loại hình đồ họa mới xây dựng được nội dung. Công nghệ là phương tiện giúp chúng ta rút ngắn quá trình cụ thể hóa. Cần thấu hiểu được người dùng bằng cách khảo sát, lắng nghe, hoặc dùng nền tảng công nghệ để kiểm tra”, TS. Trần Quốc Trung nhấn mạnh.