Từ ngày 15-18/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có chuyến thăm làm việc chính thức tới Mỹ. Đây là chuyến đi mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với sự trở lại cũng như phát triển của mối quan hệ đồng minh xuyên Thái Bình Dương Mỹ - Nhật trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide họp báo tại Vườn Hồng ngày 16/4. (Nguồn: Reuters) |
Chuyến thăm đặc biệt
Chuyến công du lần này của Thủ tướng Suga đánh dấu những "lần đầu tiên" đối với cả hai vị lãnh đạo. Đây là lần đầu tiên ông Suga đặt chân tới Mỹ kể từ khi tiếp nhận vị trí từ cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Với Tổng thống Biden, ông Suga là vị khách nước ngoài đầu tiên mà ông tiếp đón và hội đàm trực tiếp sau gần ba tháng từ khi nhậm chức vào cuối tháng Giêng. Ngay cả đối với đồng minh gần gũi sát biên giới là Canada, Tổng thống Biden cũng mới lựa chọn hình thức tiếp xúc trực tuyến thay vì trực tiếp.
Sự kiện này cùng với một số hoạt động gần đây trong quan hệ Mỹ - Nhật, đặc biệt là chuyến thăm của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Nhật Bản và dự Đối thoại 2+2 (ngày 16/3) ngày càng chứng minh vị trí đặc biệt của Nhật Bản trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.
Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi bởi dịch bệnh Covid-19. Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 31 triệu ca nhiễm và 500.000 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Nhật Bản đã bắt đầu bước vào làn sóng dịch bệnh thứ tư.
Do đó, hình thức tổ chức chuyến thăm đã được tối giản hoá so với thông lệ. Thành phần đoàn Nhật Bản được cắt giảm còn 80 người và không bao gồm phu nhân Thủ tướng cũng như các thành viên nội các.
Một số hoạt động bên lề theo kế hoạch ban đầu như tham quan và ngắm hoa anh đào, trồng cây lưu niệm và tiệc chiêu đãi chào mừng cũng được lược bỏ nhằm bảo đảm yêu cầu chống dịch.
Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn dành cho lãnh đạo Nhật Bản các nghi lễ tiếp đón trọng thị đối với một nguyên thủ nước ngoài.
Khách nhiệt tình, chủ nhà thiện chí
Tin liên quan |
Thủ tướng Suga cam kết đưa quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật 'lên tầm cao mới chưa từng có tiền lệ' |
Ý tưởng cho cuộc tiếp xúc lần này có lẽ xuất phát từ phía Nhật Bản. Thực tế ông Suga đã “ấp ủ” mong muốn này từ rất sớm, ngay từ điện đàm lần đầu với Tổng thống đắc cử Biden.
Cuối tháng 12/2020, trong một chương trình truyền hình, Thủ tướng Suga lại nhắc lại mong muốn tới Mỹ vào trước tháng 3. Tuy nhiên, chuyến thăm đã không thể diễn ra sớm như vậy do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Trên cương vị chủ nhà, phía Mỹ cũng thể hiện được “thiện chí” đối với Thủ tướng Suga từ quyết định đón tiếp đến cách thức xử lý các nội dung thảo luận tại Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.
Nội dung của Tuyên bố chung và phát biểu của Tổng thống Biden tiếp tục cho thấy sự nhất quán trong cách tiếp cận khéo léo, mềm mỏng và “suy nghĩ” cho đồng đội hơn hẳn việc gây sức ép của chính quyền tiền nhiệm.
Chính quyền Biden tiếp tục chú trọng khôi phục lòng tin bị sứt mẻ với Nhật Bản sau 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Trump. Trên tinh thần Tuyên bố 2+2 trước đó, Tổng thống Biden đã nhắc lại các cam kết đối với an ninh của Nhật Bản cũng như quyền quản lý của nước này đối với quần đảo Senkaku, thậm chí với mức độ rất cao khi nhấn mạnh sẽ huy động cả năng lực hạt nhân để bảo vệ đồng minh.
Cam kết của Mỹ với đồng minh trong vấn đề Triều Tiên cũng được nâng tầm. Theo Thủ tướng Suga, cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phi hạt nhân hoá hoàn toàn với cả tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên trong khi chính quyền Trump trước đây thường chỉ quan ngại tới các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể chạm tới nước Mỹ.
Các lĩnh vực hợp tác cũng được thúc đẩy từng bước từ “dễ” đến “khó” để củng cố mức độ gắn kết, chứ không vội vàng thúc ép trong các vấn đề nhạy cảm. Theo đó, biến đổi khí hậu, Covid-19, công nghệ và giao lưu nhân dân là những vấn đề được hai bên lựa chọn là ưu tiên hợp tác ban đầu xuất phát từ những quan tâm và lợi ích chung.
Mâu thuẫn song phương được tạm gác lại để nhường chỗ cho nỗ lực tập hợp lực lượng của Mỹ. Đây là lần hiếm hoi mà các bất đồng liên quan đến kinh tế - thương mại như rào cản thuế quan, thâm hụt thương mại không xuất hiện trong Tuyên bố chung giữa hai nước mà chỉ có các tiềm năng hợp tác.
Hay như với vấn đề biến đổi khí hậu, mặc dù chính quyền Biden đang yêu cầu Nhật Bản tăng cam kết, cắt giảm một nửa lượng khí thải so với năm 2013 vào cuối thập kỷ này, nhưng trong thảo luận, Tổng thống Biden chỉ thừa nhận tầm quan trọng của việc đề ra mục tiêu mới về biến đổi khí hậu trước 2030 thay vì đưa ra một con số cụ thể.
Trong vấn đề Trung Quốc, mặc dù chính quyền Biden tranh thủ khai thác sự bất đồng Trung – Nhật, song thấu hiểu thế khó của Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc, do đó không gây sức ép buộc Nhật Bản phải lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.
Sắc thái này thể hiện khá rõ trong ngôn từ có phần tiết chế về Đài Loan. Hai bên không nhắc đến Trung Quốc mà chỉ nhấn mạnh tới hoà bình và ổn định, cũng như việc giải quyết hoà bình các vấn đề ở Eo biển Đài Loan.
Mỹ thấu hiểu thế khó của Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc, nên không gây sức ép buộc Tokyo phải lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. (Nguồn: Getty) |
Cộng sức, đồng sinh
Có thể nói cuộc gặp lần này là thành công với cả Mỹ và Nhật Bản.
Đối với Mỹ, chuyến thăm của Thủ tướng Suga là cơ hội để củng cố quan hệ với Nhật Bản bởi đây là mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc bảo đảm lợi ích cũng như thành công của chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ đã bước đầu tập hợp lực lượng thành công với Nhật Bản nhằm đối phó với Trung Quốc. Nhiều nội dung liên quan đến Trung Quốc đã được lãnh đạo hai nước đưa vào Tuyên bố chung dưới cả hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Không chỉ Tổng thống Biden mà Thủ tướng Suga cũng chỉ trích các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, đề cập vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương.
Đặc biệt, sự xuất hiện của vấn đề Đài Loan trong Tuyên bố chung là một thành công lớn của chính quyền Biden bởi nội dung này đã không có mặt trong Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1969.
Mặt khác, ẩn sau các nội dung hợp tác cụ thể về mạng 5G, 6G, vật liệu bán dẫn, vaccine ngừa Covid-19, cuộc điều tra độc lập, không bị can thiệp về nguồn gốc bùng phát dịch bệnh đều là nội hàm mang tính cạnh tranh và kiềm chế Trung Quốc.
Việc Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác về công nghệ cũng là một điểm đáng lưu ý do đây là lĩnh vực mà hai nước vốn thấy nhiều mặt cạnh tranh hơn là hợp tác. Điều này phần nào cho thấy sự thay đổi nhận thức về nguy cơ từ Trung Quốc và nỗ lực hợp tác của liên minh Mỹ - Nhật để đối phó với mối nguy này.
Ngoài ra, hợp tác với Nhật cũng giúp Mỹ huy động được một nguồn lực đáng kể để đảm đương vai trò lãnh đạo thế giới. Như trong lĩnh vực 5G còn khá mới mẻ với Mỹ, việc tranh thủ ưu thế công nghệ của Nhật Bản là một lựa chọn khôn khéo.
Tin liên quan |
Thượng đỉnh Nhật-Mỹ: Phép thử dành cho Thủ tướng Suga Yoshihide |
Về phía Nhật Bản, cá nhân ông Suga là người được hưởng lợi nhiều từ Thượng đỉnh lần này. Đây là cơ hội để người đứng đầu chính phủ Nhật Bản xây dựng quan hệ cá nhân lãnh đạo với Tổng thống Biden và tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật, qua đó xoá bỏ định kiến trong nội bộ về điểm yếu đối ngoại, đồng thời ghi điểm với cử tri trong bối cảnh uy tín trong nước bị sụt giảm.
Hơn nữa, chuyến thăm cũng thành công khi Thủ tướng Suga có được sự ủng hộ của Tổng thống Biden đối với việc tổ chức Olympic và Paralympic vào mùa Hè năm nay khi trong nước có nhiều tiếng nói quan ngại, phản đối vì dịch bệnh bùng phát.
Bước ra khỏi cuộc gặp, Nhật Bản tự tin hơn với các đảm bảo của Mỹ đối với an ninh mình trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự ở Eo biển Đài Loan.
Cũng nhờ cộng tác với Mỹ, Nhật Bản có “điểm tựa” để xây dựng hình ảnh cường quốc lãnh đạo thế giới, thể hiện trong các nhấn nhá của Thủ tướng Suga về vai trò lãnh đạo của Mỹ - Nhật đối với các sáng kiến đa phương, nỗ lực phục hồi toàn cầu sau đại dịch và chống biến đổi khí hậu.
Quan hệ Mỹ - Nhật thời gian gần đây rõ ràng đã được cải thiện đáng kể và đang bước vào một “kỷ nguyên mới” với mức độ hợp tác tăng cả về chất và lượng.
Sự thay đổi này một phần do chính quyền Biden chú trọng đầu tư nhiều hơn vào quan hệ với đồng minh, đối tác, và bởi những lợi ích chung gắn kết cả hai nước.
Bên cạnh đó, một nguồn động lực to lớn khác đằng sau chính là mối đe dọa ngày càng hiện hữu cả về an ninh và kinh tế từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phát triển cũng như bền chặt của liên minh Mỹ - Nhật sẽ vẫn gặp trở ngại bởi chính yếu tố Trung Quốc, cụ thể là lợi ích kinh tế khó thay thế giữa quốc gia này với người láng giềng Nhật Bản của mình.