Washington mong đợi một 'tuyên bố chính thức' về Đài Loan được đưa ra từ các cuộc đàm phán sâu trong cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật Bản. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Biden và ông Suga dự kiến diễn ra tại Washington trong ngày 16/4 (giờ địa phương), trong bối cảnh quan hệ giữa hai đồng minh của Washington là Seoul và Tokyo đang căng thẳng liên quan đến vấn đề lịch sử thời chiến, thương mại và quyết định của Tokyo xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Tình trạng căng thẳng kéo dài giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là một trở ngại đối với các nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng sức mạnh mạng lưới các đồng minh dân chủ trong khu vực, đối phó với một Trung Quốc quyết đoán và giảm thiểu các nối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên.
Quan chức Mỹ cũng cho biết, Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga dự kiến sẽ thảo luận về tình hình Tân Cương và Hong Kong.
Về vấn đề Đài Loan, theo quan chức này, Mỹ mong đợi một "tuyên bố chính thức" được đưa ra từ các cuộc đàm phán sâu trong cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật Bản.
Quan chức Mỹ nêu rõ: "Đã có một loạt các tuyên bố của cả Mỹ và Nhật Bản về tình hình xuyên eo biển Đài Loan, về mong muốn của chúng tôi đối với việc duy trì hòa bình và ổn định, về việc duy trì hiện trạng. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ thấy cả một tuyên bố chính thức và các cuộc tham vấn về những vấn đề này".
Song quan chức này cũng lưu ý, Mỹ công nhận "quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng giữa Nhật Bản và Trung Quốc" và Mỹ muốn tôn trọng mong muốn của ông Suga "thực hiện một lộ trình thận trọng".
Theo đó, mục đích của Mỹ và Nhật Bản không phải để "gây căng thẳng hoặc khiêu khích Trung Quốc", mà là một số bước mà Trung Quốc đang thực hiện, chẳng hạn như - đưa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, là "đi ngược lại" sứ mệnh duy trì hòa bình và sự ổn định.
Do đó, Mỹ và Nhật Bản muốn nhấn mạnh điều đó khi hai nước vạch kế hoạch thực hiện.
Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo quốc tế không can thiệp vào tình hình Đài Loan vì đây là "vấn đề nội bộ" của nước này.
Bất kỳ đề cập nào về Đài Loan trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật chắc chắn sẽ gây khó chịu cho Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của Nhật Bản và làm dấy lên lo ngại ở Tokyo về những hậu quả kinh tế có thể xảy ra.