Bộ trưởng Đào Hồng Lan tặng quà cho các bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học - truyền máu Trung ương. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, sau 30 năm phát động phong trào hiến máu nhân đạo, đến nay, cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần, thậm chí trên 100 lần.
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn trước năm 1994, tại Hà Nội và một số địa phương trong cả nước đã có những hoạt động nói chuyện, tư vấn và vận động công nhân, lao động, y bác sĩ và sinh viên tham gia hiến máu.
Tuy nhiên, những hoạt động này còn nhỏ lẻ, không thường xuyên. Ở giai đoạn này, mỗi năm, Việt Nam chỉ tiếp nhận khoảng 100.000 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt chưa đến 10%.
Đến năm 1994, năm đầu tiên nước ta phát động phong trào hiến máu nhân đạo. Nhờ đó, lượng máu tiếp nhận được của cả nước đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đó với 138.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5%.
Sau 20 năm, từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%. Bên cạnh đó, cả nước thành lập được 5 trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, phong trào hiến máu tình nguyện đã vươn mình lớn lên và phát triển từng ngày, từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.Theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu Trung ương, 30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay, lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo…
Nếu như trước đây, người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị thì đến nay, người đi hiến máu được mọi người tôn vinh, ủng hộ và là niềm tự hào của gia đình hay cơ quan công tác.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, sau 30 năm phát động phong trào hiến máu nhân đạo, đến nay, cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần, thậm chí trên 100 lần. Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch Covid -19, nhiều địa phương bị phong tỏa nhưng vẫn có hàng chục ngàn người vượt mọi khó khăn để tham gia hiến máu. Nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm, hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…
Điều này càng khẳng định ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… đáng tự hào của dân tộc Việt Nam”.
Để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu nhân đạo, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh đến việc xây dựng các giải pháp để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn.
Đặc biệt, Viện quan tâm việc ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu. Kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu.