Họa sĩ trẻ Võ Trâm Anh tại triển lãm tranh đồ họa về chất độc da cam tại Pháp. (Nguồn: Collectif Vietnam Dioxin) |
Từ nhiều năm nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, cũng như ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân. Vụ kiện của bà Trần Tố Nga - Việt kiều Pháp, nạn nhân chất độc da cam với 26 công ty hóa chất cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh, nhóm lên những ngọn lửa đầy tình yêu thương của bà con hướng về quê hương, đất nước.
Điểm sáng ở nước Pháp
Thành lập từ năm 2004, Hội ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Collectif Vietnam Dioxin) tập hợp gần 20 hội, đoàn của người Việt Nam tại Pháp và bạn bè Pháp, như Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF), Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Hội cựu chiến binh cộng hòa của Pháp (ARAC), Ủy ban Pháp về Làng hữu nghị Vân Canh, Quỹ cảnh báo về chất độc da cam (FaAOD), Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF)...
Với mục đích tuyên truyền về thảm họa chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam và vận động quyên góp để ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân ở Việt Nam, tổ chức đã phát động nhiều đợt thông tin, tuyên truyền, triển lãm, kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè Pháp và cộng đồng quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Năm 2011 đánh dấu sự kiện 50 năm ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam xuống lãnh thổ Việt Nam, Collectif Vietnam Dioxin phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức một cuộc vận động vòng quanh nước Pháp để thu hút sự chú ý nhiều hơn của công luận tại Pháp, đồng thời cung cấp cho người dân Pháp hình ảnh, thông tin về thứ chất độc nguy hiểm này, cũng như hậu quả gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam.
Cuộc vận động khi ấy gây tiếng vang vì được tổ chức dưới nhiều hình thức như: triển lãm tranh ảnh, chiếu phim (một số bộ phim về chất độc da cam đã giành giải thưởng lớn và được trình chiếu ở nhiều nước), thảo luận về những vấn đề xung quanh chất độc da cam/dioxin ở trung tâm văn hóa, địa điểm sinh hoạt ở địa phương khác nhau, để thu hút sự quan tâm nhiều hơn của công chúng.
Tinh thần ủng hộ nạn nhân da cam còn truyền đến thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba - những người đã góp phần vào thành công của sự kiện “36 giờ với các nạn nhân chất độc da cam dioxine” - chương trình trực tuyến do Collectif Vietnam Dioxine tổ chức vào năm 2020 với các cuộc tọa đàm, nói chuyện, chiếu phim tài liệu, phỏng vấn… về hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và kêu gọi nhân dân toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.
Gần 50 tình nguyện viên, hầu hết là thanh niên Việt kiều tại Pháp, đã đầu tư gần hai tháng chuẩn bị hoạt động phong phú cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Chương trình thu hút hàng trăm nghìn người xem, theo dõi và bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội, nhận được 7.300 chữ ký ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga và 5.400 Euro quyên góp cho quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF) phối hợp với Collectif Vietnam Dioxine tổ chức triển lãm tranh đồ họa về chất độc da cam lần đầu tiên tại Pháp. Từ lịch sử đến hiện tại, từ nguyên nhân đến hậu quả, từ khắc phục đến trợ giúp, tất cả được phản ánh trong 10 bức tranh đồ họa của cô gái trẻ mang tên Võ Trâm Anh.
Sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng đọc các bài báo và xem những tấm ảnh cha chụp những đứa trẻ dị tật do chất dioxin gây ra, Trâm Anh hình dung được nỗi đau của họ và suy nghĩ bản thân phải làm gì đó để ủng hộ các nạn nhân.
Cô quyết định vẽ tranh, kết hợp với thông tin đồ họa để kể câu chuyện da cam một cách thân thiện, dễ hiểu và cảm động. Triển lãm cũng là dịp để giới thiệu các dự án tín dụng nhỏ nhằm giúp đỡ các gia đình khuyết tật ở vùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại Quảng Bình với sự tham gia của nhiều hội đoàn tại Pháp.
Bà Trần Tố Nga gặp gỡ nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Hà Nam. (Nguồn: NVCC) |
Tinh thần truyền cảm hứng
Có thể thấy, một tinh thần truyền cảm hứng mạnh mẽ của bà Trần Tố Nga trong các hoạt động đấu tranh đòi công lý và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Bởi vậy, tại nhiều nước như Anh, Mỹ, Nga… cộng đồng người Việt đều có những hành động thiết thực hưởng ứng phong trào vì nạn nhân chất độc da cam.
Không chỉ phối hợp tổ chức hoạt động ở nước ngoài, cá nhân bà Nga luôn kêu gọi vận động các mạnh thường quân về nguồn lực để hỗ trợ các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm và thu nhập cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam tại các Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Tháng Sáu vừa qua, bà đã trao cho Thành hội Cần Thơ 130 triệu đồng hỗ trợ tổ chức lớp dạy nghề và góp vốn cho Hội thực hiện chương trình trợ vốn không lãi suất có thời hạn ba năm cho 10 hộ gia đình nạn nhân da cam.
Ngoài ra, bà Nga cùng một số người bạn hỗ trợ sinh kế cho chín hộ gia đình nạn nhân (mỗi suất 5 triệu đồng), trao 16 xe lăn (mỗi chiếc trị giá 1,6 triệu đồng) cho nạn nhân tại huyện Mỹ Tú, huyện Mỹ Xuyên, huyện Châu Thành và thành phố Sóc Trăng; tặng cho thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam một số thiết bị làm hương và hỗ trợ vật liệu làm hương trong hai tháng với tổng trị giá hơn 127 triệu đồng.
Mới đây, bà còn phối hợp với Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và tỉnh Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nam tổ chức lễ trao 20 xe lăn cho 20 nạn nhân chất độc da cam khuyết tật vận động. Món quà do bà và những người bạn ủng hộ không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn giúp nạn nhân vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Đáng chú ý, tại Bỉ, Hội hữu nghị Bỉ - Việt luôn đồng hành và ủng hộ bà Trần Tố Nga cùng Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam qua các hoạt động như trao học bổng cho trẻ em là nạn nhân dioxin, đề xuất với Nghị viện Bỉ nghị quyết liên quan đến chất độc da cam…
Từ năm 2020-2022, Hội đã trợ cấp hàng tháng cho bốn nạn nhân chất độc da cam tại Đồng Nai với tổng số tiền 43,2 triệu đồng. Bà Đỗ Thị Chương Đài, thành viên Hội, trợ cấp riêng cho một nạn nhân da cam 16,4 triệu đồng từ năm 2018-2022. Vừa qua, Hội trao 1,1 nghìn Euro cùng 10,8 triệu đồng cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai thực hiện trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam.
Những món quà từ cộng đồng người Việt cùng bạn bè quốc tế gửi về Việt Nam đã góp phần cổ vũ, lan tỏa tinh thần “thương người như thể thương thân”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ nạn nhân vượt lên chính mình, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống.
Ngày 10/8/1961, quân đội Hoa Kỳ tiến hành rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ngày 10/8 hằng năm trở thành Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. |
| Chung tay xoa dịu nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) vừa tổ chức phát ... |
| Phát động Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tối 1/8, tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình giao lưu-nghệ thuật “Thắp lửa niềm tin” và phát động Tháng hành động vì nạn ... |
| Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phật đản 2023: Cùng nhau đoàn kết vì một thế giới bình yên cho tất cả nhân loại Những lời dạy của Đức Phật về lòng khoan dung, từ bi, phụng sự nhân loại là nguồn an ủi và sức mạnh để các ... |
| Tượng đài trong trái tim nhân loại Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người Việt Nam đều tưởng nhớ và có cách riêng để học ... |
| Những nạn nhân 'da cam' không khuất phục trước số phận Nỗi đau mang tên “da cam” vẫn hiển hiện trong đời sống, nhưng nhiều nạn nhân không khuất phục số phận. Cùng với sự đồng ... |