Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ: Những mất mát giữa thời bình. (Ảnh: GĐCC) |
Cơn mưa rào tháng Hạ xóa tan mọi ngột ngạt. Trong căn phòng nhỏ tại Long Biên (Hà Nội), đoàn thăm hỏi do đồng chí Thượng tá Quản Trọng Hải - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không- Không quân (QC PK-KQ) dẫn đầu và các đồng đội đã đến thắp nén tâm nhang và tri ân gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Lân.
Trong căn phòng treo nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen... của cả gia đình, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Định Thị Hà Thanh (Thiếu tá Hà Thanh), hiện công tác tại Phòng Chính trị, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân (QC PK-KQ) hồ hởi chào đón đoàn khách là các đồng đội của chồng tới thăm.
Trong lúc Thiếu tá Hà Thanh đốt thêm nén hương cho chồng, Đại úy Nguyễn Hoàng Bích Phượng tỉ mỉ pha trà đãi khách. Thiếu tá Hà Thanh nhẹ nhàng giới thiệu, "đây là con gái Nguyễn Hoàng Bích Phượng, đã xây dựng gia đình. Cháu theo nghiệp của bố mẹ, hiện là quân nhân chuyên nghiệp, mang hàm Đại úy. Cháu hiện công tác tại Bộ Tham mưu, QC PK-KQ. Tôi đang sống cùng cháu thứ hai, là cháu trai, đang làm việc ở một công ty du lịch".
Vừa chậm rãi mời nước mọi người, chị vừa trầm ngâm nhớ lại chuyện đời mình. Mới quá 50 tuổi mà chị đã trải qua 16 năm một mình nuôi con, sau hy sinh của anh. Có lẽ, mất mát quá lớn và quá sớm với người phụ nữ vừa bước qua tuổi ba mấy hồi đó, cùng với sự vất vả khi một tay nuôi dạy các con nên người, cùng tác phong vốn có của một chiến sĩ... đã khiến chị trở nên mạnh mẽ, cương nghị, nhưng cũng trầm mặc hơn.
Chuyến bay định mệnh
Sau những lời hỏi thăm ân cần tới gia đình, Đồng chí Quản Trọng Hải chia sẻ: “Tôi là thế hệ sau, là lớp đàn em của đồng chí Lân. Anh là người hiền lành chín chắn hòa đồng. Là phi công quân sự, chúng tôi xác định đây là nghề nguy hiểm, nhưng người chiến sĩ thì càng khó khăn nguy hiểm càng phải lao vào chứ không phải nhường cho người khác hay trốn tránh. Anh Lân là thế hệ đàn anh, càng là tấm gương lớn cho chúng tôi về điều đó".
Anh Lân nhập ngũ năm 1979. Đến năm 1980 thì anh sang Liên Xô học lái máy bay tại trường Hàng không. Bốn năm sau, anh về nước và công tác tại Phi đội 1, Trung đoàn 918, QC PK-KQ.
"Tôi còn nhớ ngày các anh hy sinh trong một ban bay huấn luyện chiến đấu, khi đang điều khiển máy bay An-26 số hiệu 265. Anh cùng bốn thành viên tổ bay đều hy sinh do động cơ trục trặc tại độ cao quá thấp, máy bay đã thả càng và bị rơi xuống cánh đồng huyện Thanh Trì, Hà Nội. Khi tín hiệu và vô tuyến điện mất liên lạc, chúng tôi đã im lặng nín thở, cầu mong một phép màu vì sân bay gần đó vẫn có cơ may đáp xuống. Nhưng phép màu không đến, cả đội bay đã anh dũng hy sinh" - đồng chí Quản Trọng Hải nhớ lại.
Khi đó, anh Lân đã có 28 năm trong quân ngũ, trải quá nhiều nhiệm vụ như lái máy bay vận chuyển Bắc - Nam, bay vận tải quân sự sang các nước bạn Lào, Campuchia, bay quan sát trinh sát biển, bay bảo vệ giàn khoan khai thác dầu khí, bay chuyên cơ, bay phục vụ câu lạc bộ hàng không, bay thả dù và huấn luyện nâng cao kỹ thuật lái cho phi công, bay thông báo bão, bay cứu trợ lũ lụt và sẵn sàng nhận các nhiệm vụ đột xuất khác...
Khi nghe đồng nghiệp kể lại sự hy sinh của chồng, mắt thiếu tá Hà Thanh lại ầng ậc nước. Chị nghẹn ngào: “Tôi còn nhớ như in ngày 8/4/2008 định mệnh ấy. Trong ban bay huấn luyện chiến đấu, anh Lân cùng các đồng đội hy sinh khi gần kết thúc ban bay. Khi biết máy bay gặp sự cố, nếu để đỗ an toàn thì rơi vào trường cấp II, các anh ấy đã cố gắng lái máy bay ra xa trường học, để tránh thương vong cho thầy cô và các con, sau đó máy bay đã rơi tại cánh đồng lúa và cả năm người trong tổ bay đều hy sinh. Nhận được tin dữ, tôi đã không thể tin nổi đó là sự thật!”
"Trong quá trình 28 năm rèn luyện, học tập công tác trong quân ngũ, anh Lân đã nhận nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen của các cấp, luôn được đồng đội tin yêu, quý trọng. Sau vụ tai nạn thảm khốc, cả năm thành viên tổ bay đều được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm vào ngày 22/12/2008 và đến ngày 20/1/2009, các anh đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận là liệt sĩ" - thiếu tá Hà Thanh chia sẻ.
Tâm tư người vợ liệt sĩ
Chị Hà Thanh chia sẻ: "Thực ra, khi xác định lấy chồng là phi công quân sự, tôi luôn hiểu công việc của anh rất vất vả và luôn đối mặt với những hiểm nguy, rủi ro bất chợt, nhưng cũng rất vinh quang. Bản thân tôi luôn nghĩ và cố gắng làm tròn nhiệm vụ là hậu phương vững chắc, chăm sóc tốt cho con cái để anh yên tâm công tác.
Sau mất mát ấy, tôi chỉ biết gồng lên, chịu đựng. Được sự động viên của gia đình, của Thủ trưởng các cấp, của các đồng chí đồng đội công tác cùng anh, tôi đã lựa chọn chuyển công tác về đơn vị của anh, gần nhà, để tiện chăm sóc gia đình".
Đoàn thăm hỏi do Đồng chí Quản Trọng Hải – Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân (ở giữa) thắp hương tri ân liệt sĩ Nguyễn Văn Lân. (Ảnh: MH) |
Trải qua thời gian công tác, Thiếu tá Hà Thanh cho biết, chị luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác. Điều đó đã động viên và giúp chị vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cũng như các công tác kiêm nhiệm. Chị cũng vinh dự được nhận nhiều Giấy khen của Lữ đoàn, Quân chủng và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng do hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Gia đình nhà chồng chị ở thành phố Bắc Ninh, cũng gần Long Biên. Mọi người trong gia đình anh Lân sống rất tình cảm. Sau khi anh hy sinh, mọi người lại càng yêu thương mẹ con chị hơn. Từ đó đến nay, mỗi khi chị hay các cháu đau ốm phải đi viện điều trị bệnh là các anh chị em hai bên nội ngoại đều luân phiên ở bên và chăm sóc ba mẹ con. Đến nay, con gái chị lập gia đình cũng ở ngay gần nhà mẹ. Bên thông gia cũng thường qua lại rất tình cảm như anh chị em trong nhà, khiến chị như có thêm người thân ở bên cạnh.
Chị mời mọi người thêm một tuần trà, ánh mắt xa xăm: "Ngày còn đi học, tôi rất thích bộ đội, đặc biệt là những phi công máy bay. Do nhà tôi ở gần cầu Long Biên, trên đường bay huấn luyện của máy bay quân sự. Tình cờ, có người quen giới thiệu anh Lân kết bạn với tôi, rồi sau này nên duyên vợ chồng. Anh không chỉ là một người chồng tốt, mà còn như một người bạn tri kỷ của tôi. Tôi học được từ anh rất nhiều điều. Anh sống giản dị và tốt bụng, luôn chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Có lần, đêm tối trời mưa rét, khi biết bên nhà hàng xóm có người bị ốm phải đưa đi cấp cứu, anh không quản ngại đội mưa đưa đến bệnh viện".
Thời gian qua, khi anh không còn cũng là thời gian khó khăn nhất đối với chị. Anh hy sinh khi các con còn nhỏ. Chị một mình đảm nhiệm cả hai vai trò bố và mẹ. Giờ đây, khi các con đã trưởng thành, đều là những người con hiếu thảo, tình cảm và có ích cho xã hội.
Trước khi cùng đoàn thăm hỏi ra về, đồng chí Thượng tá Quản Trọng Hải nói: “Bà con khu gia đình chiến sĩ gửi lời hỏi thăm chị Thanh và chúc chị sức khỏe”.
Quay sang mọi người trong đoàn, anh Hải bộc bạch: “Tôi và anh Lân khá gần gũi vì ngoài ở đơn vị là đồng đội, ở nhà chúng tôi còn là hàng xóm trước đây. Sau này anh chuyển về bên này cho đi lại gần đơn vị hơn. Ở khu gia đình chiến sĩ trước kia anh là người đầu tiên mang phong trào làm đường đến khu dân cư 918. Anh không phải làm kinh tế mà là tìm cách làm giá rẻ nhất và tốt nhất cho mọi người. Con đường lát gạch hoa vỉa hè giở vẫn còn tốt và sạch đẹp. Bà con rất cảm ơn và lúc nào cũng nhớ đến anh Lân và thương chị Thanh nhiều lắm!
Thật khó có thể nói hết được công lao to lớn của người mẹ người vợ trong một gia đình. Càng không thể nói hết được những vất vả, hy sinh của những người vợ, người mẹ liệt sĩ. Những đứa con trở thành người tốt hôm nay chính là kết tinh của sự hy sinh lớn lao ấy. Nghe câu chuyện của Thiếu tá Hà Thanh, tôi cảm thấy mừng cho chị, khi những đứa con của anh chị đều đang viết tiếp trang sử đẹp đẽ, hào hùng của gia đình mình. Cũng giống như sự hy sinh của anh đã được đất nước và lịch sử ghi nhận.