📞

Kỹ thuật số: Nhân tố thay đổi cuộc chơi

09:00 | 09/05/2016
Chưa hẳn các nhà ngoại giao sẽ thích kênh ngoại giao không chính thức đang được các chủ thể quốc gia và phi quốc gia sử dụng rộng rãi này.

Những năm gần đây, ngoại giao kỹ thuật số đã trở thành hòn đá tảng của truyền thông đại chúng khi các chính phủ dựa vào  các phương tiện truyền thông công cộng và mạng xã hội như Facebook, Twitter để phát huy “sức mạnh mềm” của mình. Tuy nhiên, thế giới kỹ thuật số giống như một đấu trường khốc liệt đòi hỏi thông tin phải luôn tươi mới và nhanh chóng, nếu muốn tồn tại lâu một chút trong dòng chảy thông tin khổng lồ.

Các nhà ngoại giao kỹ thuật số thời nay cần tập trung vào việc tuyên truyền những thông tin, thành tựu của quốc gia mình ra thế giới cũng như nhanh nhạy tạo ra các mối quan hệ mới với các quốc gia, chủ thể phi quốc gia. Trong thế giới số, nơi có hàng tỷ người truy cập mỗi ngày, các quốc gia gần như không cần quá quan tâm đến “thực lực quốc gia” để mở rộng ảnh hưởng, vị thế của mình.

Kosovo đã được người dùng Facebook gián tiếp công nhận là một quốc gia.

Câu chuyện Kosovo

Tương tự câu chuyện “ngoại giao Twitter” (Twiplomacy) của Tổng thống Iran Hasan Rouhani, “ngoại giao kỹ thuật số” của Kosovo còn mạnh mẽ hơn thế. Tuy rằng đã tuyên bố độc lập từ năm 2008, Kosovo vẫn không được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận (bao gồm cả Nga). Vì chỉ là một “quốc gia được công nhận phần nào” nên Kosovo gặp khó khăn trong việc nâng cao vị thế cũng như mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế. Do đó, Thứ trưởng Ngoại giao Kosovo Petrit Selimi đã mở một chiến dịch ngoại giao kỹ thuật số kết hợp với vận động hành lang thuyết phục mạng xã hội Facebook cho phép người dùng có thể “check-in” vị trí ở Kosovo chứ không thể nhầm lẫn với nước láng giềng Serbia.

Thời điểm đó, Facebook đã tuyên bố rằng họ sẽ không đưa ra một quyết định mang tính chính trị nào mà dành quyền quyết định cho chính những người dùng. Vì những người dùng Facebook muốn sử dụng địa điểm Kosovo nên Facebook đã đáp ứng yêu cầu này.

Có thể nói, trong trường hợp này, phương tiện truyền thông xã hội đã “sản sinh” ra một quốc gia dựa trên nhu cầu của cộng đồng người sử dụng (vốn chiếm phần không nhỏ trong dân số toàn thế giới hiện nay). Rõ ràng, không nên xem thường “sự công nhận” này của Facebook bởi nếu sự công nhận của Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng châu Âu (EC) mang đến những đòn bẩy kinh tế - chính trị thì Facebook là người giữ đòn bẩy thông tin toàn cầu.

Hiệu quả mà ngoại giao kỹ thuật số mang lại có thể đạt được cả về chất lượng và số lượng. Thông qua đó, các chính phủ có thể giữ mối liên kết thường xuyên với công chúng và lan tỏa những thông điệp của mình một cách nhanh nhất. Không những thế, kỹ thuật số còn có thể xóa nhòa khoảng cách giữa người với người khi họ cùng chung sở thích, lý tưởng hay tôn giáo.

“Những đứa con hư”

Tuy nhiên, sự đột phá về thông tin của kỹ thuật số đôi khi cũng sản sinh ra “những đứa con hư” như cách mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay các nhóm khủng bố, cuồng tín khác đang sử dụng.

Những nhóm này không sở hữu các cơ chế ngoại giao truyền thống cũng như hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài để có thể quảng bá hình ảnh của mình. Chính vì thế, bỏ qua hệ thống các quy tắc, thủ tục rườm rà cũng như “đỡ tốn” hàng triệu USD để duy trì các kênh ngoại giao, IS đang phát huy thế mạnh trên kênh ngoại giao kỹ thuật số. Chưa kể những mục đích kinh tế - chính trị khác, mục tiêu cốt lõi của những kẻ khủng bố là gieo rắc nỗi sợ hãi trên khắp thế giới đã và đang được thực hiện hiệu quả nhờ Internet.

Các video, hình ảnh hành quyết man rợ có thể dễ dàng đăng tải lên Youtube cho hàng tỷ người xem. Những tư tưởng, quan điểm lệch lạc đáng lẽ cần ngăn chặn thì được những “Người phát ngôn” của IS đàng hoàng đưa lên “trang mạng” hay “tài khoản” chính thức của nhóm này. Năng lực tuyên truyền xuyên quốc gia của IS mạnh mẽ đến nỗi mỗi năm vẫn có hàng triệu người từ khắp các châu lục muốn tham gia và phụng sự cho “lý tưởng” của tổ chức này. Thậm chí, nhiều nguồn tin đã bỏ đi hai chữ “tự xưng” của tổ chức này và dần coi IS là một “nhà nước Hồi giáo” thực thụ.

Thực tế đó làm nổi bật hơn nữa những thách thức đối với các nhà ngoại giao trong thời kỳ mới - thời kỳ kênh ngoại giao kỹ thuật số đang được mở rộng, không hề vận hành theo phương cách ngoại giao truyền thống, không thuộc sự điều chỉnh của bất cứ điều ước quốc tế, giao thức, hiệp định về ngoại giao nào. Có lẽ, dù muốn hay không, các nhà ngoại giao hiện đại đều cần phải thâm nhập và sử dụng tốt kênh ngoại giao này - một kênh ngoại giao mới mẻ, rộng mở nhưng cũng đầy cạnh tranh.

(tổng hợp)