TIN LIÊN QUAN | |
Dấu ấn chặng đường 50 năm phát triển của Cộng đồng ASEAN | |
ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng thịnh vượng |
Làm chủ vận mệnh
Trong không khí hân hoan chào mừng “tuổi vàng 50” của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một kỳ tích mà ASEAN đã tạo ra. Đó là trải qua thăng trầm lịch sử, vượt kỳ vọng ban đầu, ASEAN không chỉ biến Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kị sang hợp tác, từ chia rẽ sang đoàn kết mà đỉnh cao là hình thành Cộng đồng ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ASEAN, ngày 8/8. |
Trong nửa thế kỷ qua, ASEAN đã góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Từ đó, hình ảnh của ASEAN ngày càng cao, vị thế của ASEAN ngày càng vững, uy tín ASEAN ngày càng rộng lớn. ASEAN đã thực sự trở thành hạt nhân trong nhiều khuôn khổ hợp tác của khu vực được các đối tác tôn trọng, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Có thể nói, ASEAN đang làm chủ vận mệnh của mình, giữ vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Các thành viên Hiệp hội hoàn toàn có thể tự hào rằng với hơn 630 triệu dân, nền kinh tế có tổng GDP đạt gần 2.600 tỷ USD/năm, đứng thứ sáu trên thế giới, cùng môi trường hòa bình, ổn định, ASEAN là một điểm sáng về hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Những thành quả ASEAN đạt được trong 50 năm qua là rất to lớn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và hướng tới thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Cần duy trì giá trị cốt lõi
Tuy nhiên, trước những biến động, thách thức của thời đại, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nâng cao vai trò và vị thế của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ASEAN cần củng cố tình đoàn kết, thống nhất; phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực; đưa liên kết lên tầm cao hơn; xây dựng “Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân” và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Tính đoàn kết, thống nhất là giá trị cốt lõi của ASEAN song nó cũng là điều mà biết bao người gắn bó với ASEAN trăn trở. Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, người từng có nhiều năm gắn bó tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại ASEAN Vũ Đăng Dũng cho rằng chúng ta cần nhìn nhận “bản chất thống nhất” này trong “trạng thái động”. Chúng ta không nên nhìn ASEAN lúc nào cũng với gam màu hồng vì bản thân tổ chức cũng có những thách thức chưa thể xử lý một cách trọn vẹn, nhất là khi không ít lần mẫu số lợi ích chung của 10 nước nhỏ hơn mẫu số riêng của từng nước.
Song vượt lên trên tất cả, ASEAN đã lựa chọn con đường kết nối với nhau, thống nhất đoàn kết với nhau để cùng phát triển. Đại sứ Dũng khẳng định, cho dù thế giới có những biến động, những xu thế phản đối toàn cầu hóa, hội nhập của ASEAN sẽ vẫn tiếp tục vững bước. Có thể nói, đây là tinh thần đoàn kết, nhất trí lớn nhất trong ASEAN.
Bài học về tinh thần thống nhất - giá trị cốt lõi trong 50 năm hình thành và phát triển sẽ ngày càng trở nên cần thiết đối với ASEAN trong quá trình phát triển 50 năm tới. Theo ông Dũng, chỉ có đi bằng đôi chân của mình, ASEAN mới có thể đứng vững mà không cần lệ thuộc vào bất kỳ ai. Điều này đòi hỏi tổ chức cần giảm sự phụ thuộc và tránh bị lôi kéo bởi các thế lực bên ngoài khu vực. Xa hơn nữa, ASEAN có thể trở nên hấp dẫn và thu hút các nước này, thay vì bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng của họ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm, ngày 8/8/17. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tránh những “làn gió độc”
Nhiệm vụ nào cũng phải đứng trước những khó khăn nhất định. Nguyên Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Lê Công Phụng cũng cho rằng việc tránh những “làn gió độc” từ bên ngoài là điều không hề dễ dàng nhưng ASEAN phải nỗ lực làm được.
Là cán bộ ngoại giao kỳ cựu, gắn bó sâu sắc với hoạt động đối ngoại trong ASEAN, ông Phụng vừa mừng vừa lo trước mốc 50 năm của Hiệp hội. Trong suy nghĩ của ông, các nước ASEAN giờ đây đã khác so với khi Việt Nam gia nhập năm 1995. Tác động từ bên ngoài cùng với một số vấn đề nội bộ có thể làm cho ASEAN chao đảo. Cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực hiện tại vô cùng phức tạp, có dấu hiệu gia tăng. Điều này đòi hỏi ASEAN với tư cách Cộng đồng phải tìm ra “liều thuốc” khắc phục những vấn đề đang tồn tại trong “cơ thể” mình. Để làm được điều đó, ông Phụng nhấn mạnh, các thành viên ASEAN phải coi trọng lợi ích cộng đồng. Mỗi thành viên cần nhận thức rằng trong cái mạnh lên, cái phát triển của cộng đồng thì cũng là sự mạnh lên, sự phát triển của từng cá thể bên trong. “Các nước không nên chạy theo ‘một cân thịt, một mớ rau’ với những toan tính lời lãi mà để ảnh hưởng đến lợi ích chung”.
Nhìn về tương lai của ASEAN, với tư cách là người thuộc thế hệ đi trước, ông Phụng có nhiều hy vọng. Ngay trong vấn đề đối ngoại tưởng chừng khó khăn nhất của ASEAN là vấn đề Biển Đông cũng đã có những hướng đi đầy hứa hẹn. Đỉnh vinh quang nào cũng cần thời gian để bước tới, ASEAN cũng như vậy. Ông Phụng cho rằng Cộng đồng ASEAN sẽ thành công nhưng chặng đường có thể là 10 năm, 20 năm, thậm chí nửa thế kỷ nữa nhưng phải luôn cho ASEAN đi lên chứ không dừng lại, không rẽ ngang. ASEAN cũng cần phải duy trì song song giữa hợp tác nội khối và hợp tác với bên ngoài để cùng phát triển.
Vinh hạnh và tự hào
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong những chia sẻ nhân dịp đặc biệt của ASEAN cũng nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam tự hào với những đóng góp của mình và luôn chung tay cùng các quốc gia thành viên khác phát triển ASEAN ngày càng vững mạnh và xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN.
Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi ASEAN là trụ cột - là ưu tiên chiến lược. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục gắn bó và nỗ lực cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định và vững mạnh; thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết và hợp tác chặt chẽ thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả ba trụ cột Cộng đồng, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đã có hàng thập kỷ gắn bó trong công tác nghiên cứu ASEAN, ông Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong khoảnh khắc vàng của ASEAN cũng cảm thấy tự hào và hạnh phúc về Việt Nam. Người dân Việt Nam đã trở thành người dân của một trong những tổ chức khu vực phát triển và ổn định nhất trên thế giới. Ông tâm niệm rằng, thành quả này có được đến từ sự cố gắng không ngừng nghỉ, vượt lên mọi gian truân của nhiều thế hệ Việt Nam để tiến tới một tương lai tươi sáng hơn.
“Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm với ASEAN, tham gia vào tất cả hoạt động của Hiệp hội. Năm 2010, với tư cách nước chủ nhà, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Có thể nói, mọi chặng đường của ASEAN đều có sự tham gia và dấu ấn đậm nét của Việt Nam. Tôi cảm thấy rất vinh hạnh được là một phần của quá trình đó”, ông Minh chia sẻ.
Dấu mốc đáng nhớ nhất về ASEAN trong ông chính là sự kiện lịch sử ngày 28/7/1995, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của đại gia đình ASEAN. Điều đó khiến ông có cảm giác như Việt Nam được là chính mình, chấm dứt những đối đầu và trở về sống dưới mái nhà chung của khu vực. Việt Nam là nước mở đầu cho nhóm ASEAN 4 tham gia vào khối, đánh dấu giai đoạn mới cho sự mở rộng của ASEAN, khẳng định quá trình hội nhập từ ASEAN 6 lên ASEAN 10.
Con đường phía trước của ASEAN còn rất nhiều chông gai và khó khăn. Ông Minh mong muốn ASEAN sẽ tiếp tục duy trì sự đoàn kết và thống nhất, công dân các quốc gia trong khối tăng cường giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ nhiều hơn để thấu hiểu các giá trị, văn hóa lịch sử truyền thống của nhau để cùng nhau xây dựng một ASEAN hòa bình, hợp tác và phát triển hơn trong tương lai.
Lễ thượng cờ năm kỷ niệm vàng ASEAN Sáng nay (8/8), Bộ Ngoại giao Việt Nam long trọng tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN tại thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 50 ... |
ASEAN - tổ chức khu vực thành công nhất Ngày 9/6, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và chặng đường nửa ... |
ASEAN cần tạo động lực tăng trưởng mới từ đổi mới sáng tạo Ngày 11/5, tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn ... |