📞

Ký ức 12 ngày đêm của người Hà Nội

HÀ ANH 08:00 | 23/12/2022
Cách đây tròn 50 năm, liên tục trong 12 ngày đêm (từ 18-30/12/1972), cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ đã rải thảm xuống Thủ đô Hà Nội.
Hình ảnh phố Khâm Thiên năm 1972. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Nửa thế kỷ đã qua đi, ký ức của những ngày cuối năm đáng nhớ ấy trở lại sống động với người Hà Nội khi Thủ đô đang tràn ngập trong không khí kỷ niệm đặc biệt tại nhiều nơi, như trưng bày “Máu và Hoa – Hà Nội 12 ngày đêm” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bên cạnh những tài liệu, hình ảnh và hiện vật quý giá, trưng bày còn giới thiệu những câu chuyện xúc động về cuộc sống sinh hoạt, lao động trong chiến tranh, về tinh thần phục vụ chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong khói lửa của năm 1972…

Thủ đô những ngày gian khó

Có thể nhìn thấy sự tàn phá khốc liệt của những “Pháo đài bay B-52” hiện đại, tiên tiến bậc nhất của đế quốc Mỹ trong những tư liệu, hình ảnh cũ ở khu dân cư Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Ga Hàng Cỏ, trường học, nhà thờ, chùa chiền, Cầu Long Biên, Tổng kho Đức Giang...

Bà Trần Thị Dự, nhân viên bán hàng mậu dịch của bách hóa Kim Liên ngày ấy cho biết, khu Khâm Thiên giống như bãi chiến trường: “Nhà đổ hết, người chết la liệt. Công an với bà con khối phố cũng giúp đưa người bị sập ra… Bấy giờ, phương tiện của mình có đâu, khoảng 2-3 ngày sau mới lôi được hết người ra đống đổ nát”.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Hà Nội có tới 40.000 hầm cá nhân, hơn 90.000 hầm trú ẩn tập thể và 45.000 km giao thông hào đủ chỗ tránh cho 90 vạn người. Trung bình mỗi người ở lại thành phố có tới 8,1 chỗ trú ẩn ở trong nhà, cơ quan và trên đường phố.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương nhớ mãi những ngày Đông lạnh khi còn là học sinh 10 tuổi: “Cứ đêm đến, tôi đang ngủ say thì lại bị gọi dậy và lôi xuống hầm trú ẩm. Hầm thì hôm khô, hôm ướt, hôm có nước lạnh run. Ban ngày khi trú dưới hầm, cứ nghe tiếng máy bay đến gần là mấy chị em tôi lại ngoi lên xem, chủ yếu chỉ nghe tiếng tít chứ ít khi nhìn thấy máy bay và thấy rất nhiều mảnh nhiễu trên trời rơi xuống”.

Hầm trú ẩn của người dân Hà Nội. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Ông Đỗ Thọ từng là kỹ sư điện, bộ phận quản trị Bệnh viện Bạch Mai kể vui rằng: “Những lần đầu tiên, đi trên đường và nghe có còi báo động và loa phóng thanh báo máy bay địch đến, mọi người đều lao xuống hầm, có người nhảy xuống chưa kịp đậy nắp, người khác nhảy vào tiếp, ngồi cả lên đầu nhau. Về sau, nó đánh như cơm bữa lại cảm thấy rất bình thường”.

Cùng với việc phải trú ẩn, thì nhiều người Hà Nội vẫn ở lại, bám trụ tại các nhà máy, công sở để lao động, sản xuất phục vụ chiến đấu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lựu, sinh năm 1948 làm ở tổng đài thông tin thuộc bộ phận điều độ chạy tàu ở ga Hà Nội (số 128 đường Lê Duẩn bây giờ). Thời chiến, việc bảo đảm cho tàu chạy thông suốt rất quan trọng nên bà cùng các nhân viên phải thay nhau làm ngày, làm đêm.

Bà kể: “Chúng tôi vừa làm công việc chuyên môn, vừa làm tự vệ, theo dõi nếu đường dây thông tin hỏng thì báo cho anh em đi sửa. Các anh bên sửa chữa vất vả, có khi vừa làm vừa ăn, có khi cơm cứ để nguội tanh nguột ngắt vì phải lo nối đường dây. Lúc đó, tàu quân sự, tàu hàng vẫn chạy đi về qua Hà Nội, thành ra có lúc ở cơ quan 24/24 giờ”.

Có lẽ, bất kỳ ai sống ở Thủ đô những ngày tháng đó đều nhớ rõ mỗi khi có máy bay xâm phạm vùng trời Hà Nội thì sau tiếng còi báo động là tiếng loa vang lên: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội… cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn”.

Những người đọc thông báo đó đều là người của Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội - nơi ông Vũ Văn Viễn làm Giám đốc. Ông cho biết: “Giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô lúc ấy là của cô Nguyễn Thị Thìn. Không phải lúc nào tiếng thông báo cũng được đọc trực tiếp. Chúng tôi thu âm tiếng đọc vào băng cối lúc máy bay địch sắp đến, còi thành phố hú lên là chúng tôi phát băng ghi âm”.

Chia sẻ ngọt bùi

Không thể ở lại Thủ đô, hơn nửa triệu dân nội đô (gần 50% dân số Hà Nội lúc ấy) đã sơ tán về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Năm đó, bà Nguyễn Mỹ Hạnh - diễn viên Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, được cơ quan cho đi sơ tán lên chùa Thầy (ở Hà Tây cũ). Bà kể: “Ở nông thôn, cuộc sống dần ổn định. Nông dân đối xử rất tốt với người sơ tán, người ta chia ngọt sẻ bùi, sống hết lòng với mình. Nhà nào rộng rãi thì nhận người lên sơ tán, nhà nào nghèo không đón được dân thành phố thì người ta cảm thấy rất phiền lòng. Họ hay sang cho củ sắn, củ khoai, rất gần gũi”.

Ông Trần Hùng nhớ lại ký ức khi là cậu bé học sinh 15 tuổi: “Nhà sơ tán gần một con sông. Con của bà chủ nhà hơn mình hai tuổi. Mình muốn ra ngoài sông, nó bảo phải biết bơi mới được ra và phải cho chuồn chuồn cắn rốn. Đau lắm, nhưng phải chịu đựng thôi. Bọn tôi tập bơi ở ao, hai anh em tập bơi chó, rồi bơi sải.

Khi biết bơi rồi, cậu con nhà chủ rủ đi vớt trai ngoài đồng. Cậu mang một cái chậu đồng rất oách để cho nó nổi lên. Chúng tôi cứ đẩy chậu đi, chân đạp dưới bùn, khi nào thấy “sặt” một cái vào kẽ chân thì lặn xuống, mò lên được một con trai. Mỗi ngày, có khi vớt được một chậu đầy mang cho bà chủ nhà. Bà nấu cháo rất ngon, cảm giác rất thanh bình và ấm cúng, chứ không bị chiến tranh ám ảnh”.

Khi phải đi sơ tán, bà Trịnh Thị Năng, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, luôn có một niềm tin mãnh liệt: “Hồi ấy, hình như chúng tôi sống với một niềm tin về sự tồn tại của đất nước này, tin con cháu mình sẽ sướng hơn, đến lúc nào đó sẽ không còn cảnh bom đạn nữa. Mình có lòng tin vào chiến thắng của dân tộc.

Tôi không phải Đảng viên, nhưng tôi nghĩ rằng, trong lúc khó khăn mọi người đều chịu đựng một cách rất can đảm, thành ra mình cũng hòa theo tinh thần của mọi người, nhẫn nại và tin chính nghĩa sẽ thắng”.

Nơi sơ tán của những người Hà Nội. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Niềm tin chiến thắng

Điều đó đã trở thành hiện thực khi Hà Nội đã biến đau thương thành hành động cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Hà Nội chuẩn bị đón Tết Quý Sửu trong niềm vui chiến thắng, gia đình sum họp.

Với ông Phan Lâu, Tiểu đoàn trưởng vận tải, Quân chủng phòng không - không quân khi ấy, không thể nào quên ký ức: “Trên đường đi kiểm tra tình hình vận tải phục vụ tên lửa về đến làng Ngọc Hà, chính mắt tôi và anh Huỳnh Thanh Liêm, người miền Nam, là Tiểu đoàn phó chính trị, nhìn thấy khúc thân máy bay B-52 khi ấy vừa rơi ở làng Ngọc Hà.

Thấy chúng tôi đeo quân hàm xanh, một bà cụ khoảng 80 tuổi, nói với chúng tôi: “Các anh bắn rơi được B-52 là có Bác Hồ phù hộ các anh… Nó rơi xuống ao, không rơi xuống dân. Bác Hồ thiêng như thế”.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai cũng là một trong số những nhân chứng lịch sử trọn vẹn nhất của “Điện Biên Phủ trên không”. Ngày ấy, ông được giao phụ trách Báo Phòng không - Không quân - một trong những tờ báo chủ lực đưa tin về chiến dịch đặc biệt này.

Ông cho biết, vào những ngày cam go, cả tòa soạn dường như không ngủ, phóng viên chia làm hai tuyến: một nửa ở Thủ đô theo dõi tình hình phía Bắc, tiếp nhận bài vở, in ấn và phát hành, số còn lại thường trú ở Sở chỉ huy tiền phương. Dù vất vả, thậm chí đối mặt với khả năng hy sinh nhưng tất cả đều cố gắng đưa ảnh và tin tức một cách nhanh và chính xác nhất về Thủ đô những ngày khói lửa.

50 năm sau, Hà Nội đã phát triển trong hòa bình và hữu nghị. Những con phố xưa từng chìm trong hoang tàn nay đã chuyển mình vươn lên. Dù đã gần 90 tuổi, nhưng người cựu binh già vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc và từng bức ảnh mà mình đã chụp ở những ngày tháng cũ.

Ông hy vọng những câu chuyện mình chia sẻ sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về sự chiến đấu anh dũng, cuộc sống trong chiến tranh của người Hà Nội và càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.