Mở đầu câu chuyện, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói với tôi như vậy. Ông chậm rãi kể về những kỷ niệm vui có, buồn có trong những ngày chiến đấu gian khổ...
Niềm tự hào của người lính trẻ
Tháng 5/1965, chàng trai trẻ Phùng Khắc Đăng (thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây) vào bộ đội. Sau năm tháng vất vả trên thao trường, cuối năm 1965, ông cùng đơn vị hành quân đi B. Tờ mờ sáng 5/11 năm ấy, hai mươi người lính trinh sát của đơn vị tên lửa mặt đất trong đó của ông lội qua thượng nguồn sông Bến Hải vào Nam. Trong cái lành lạnh của sông nước, trước cửa ngõ của chiến trường, người lính trẻ trào lên những cảm xúc khó tả.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng. |
Đầu năm 1966, ông bị sốt rét ác tính. Nằm giữa rừng, khi không thể rời cái võng được nữa, nghe bác sĩ nói với thủ trưởng đơn vị: “Đồng chí này không thể qua khỏi được”, người lính trẻ cảm thấy bi quan vô cùng. Nhưng một đồng đội khảng khái nói: “Không thể chết được, tao sẽ đi đào măng, đào củ môn thục để nấu cháo cho mày ăn”. Như một phép màu, chỉ sau đó độ ba, bốn ngày sức khỏe ông hồi phục nhanh chóng. Rồi hai tháng sau, ông đã có thể cùng đồng đội tiếp tục hành quân.
Khi từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh sân bay Đà Nẵng bằng tên lửa đầu tiên. Với ông, trận đánh đó như một cái duyên bởi ngoài nhiệm vụ còn có niềm vinh dự lớn lao đối với người lính trẻ.
Nhớ lại, khoảng thời gian chuẩn bị cho trận đánh này, những người lính vận tải cứ lầm lũi xuyên rừng Trường Sơn gùi những thùng gỗ sơn màu xanh lá cây ngụy trang nặng tới năm, sáu mươi cân chứa những quả tên lửa mặt đất. Đôi vai đau nhức, chân mỏi rã rời nhưng không người lính nào cho phép mình một phút nghỉ ngơi, lơ là. Họ vẫn cần mẫn bước đi.
Tiểu đội trinh sát của ông được giao nhiệm vụ đo đạc cự li những vị trí quan trọng để bắn vào sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng. Cảm xúc trào dâng, ông kể về cô du kích tên Kêu (ở Hòa Vang) – một cô gái sắc sảo, nhanh nhẹn, da hơi ngăm đen nhưng rất duyên. Những người lính hội tụ nhau lại để “gán” cô với Tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Chiến: “Nếu em đồng ý thì bọn anh gả đồng chí Chiến cho em”. Cô du kích thẹn thùng: “Em xấu lắm, các chị miền Bắc khéo hơn, xinh hơn…”. Những câu chuyện chỉ giản dị như thế nhưng khiến những người lính trẻ luôn lạc quan, yêu đời, nở nụ cười trên môi giữa ranh giới của sự sống và cái chết, giữa tiếng đì đoàng của đạn bom. Nhưng sau một thời gian, cô du kích ấy hy sinh. Đó là một phần ký ức không thể nào quên đối với ông.
Ông chậm rãi kể, dân đã “thanh lọc” tất cả những phần tử xấu cho mình. Trong quá trình bí mật vận chuyển đạn pháo, tên lửa, dân mua thức ăn, mang nước tiếp tế nên anh em xúc động lắm. Ngày 27/2/1967, trận đánh vào sân bay Đà Nẵng mới diễn ra. Khi hiệu lệnh phát ra, một hệ thống bắn tên lửa sáng rực cả bầu trời…
Ngày hôm sau đài BBC đưa tin: “Việt cộng đã dội bom B52 vào sân bay Đà Nẵng, làm sân bay Đà Nẵng tê liệt hoàn toàn”. Những người lính trẻ phấn khởi và tự hào vì trận thắng này được bình luận là: “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chia lửa cho chiến trường miền Bắc” và vì trận đầu thắng sẽ cổ vũ khí thế cho trận sau. Chợt ông dừng lại, trong niềm tiếc thương, thêm một lần ông nhắc lại tên cô du kích…
Nén lại những thương đau
Trong một trận đánh phủ đầu khiến địch không dám tấn công nữa mà điều máy bay đến ném bom dữ dội, một người bạn học trường cấp Hai cùng quê với ông tên Nguyễn Duy Toản đã hy sinh. Ông vẫn nhớ như in hình ảnh bạn bị thương ở ngực, thoi thóp bên một gốc cây. Băng bó cho Toản xong, ông nắm tay bạn: “Đừng chết nhé. Cố gắng sống để về quê, Toản nhé…”. Nhưng người bạn, người đồng chí mấp máy đôi môi đã tái nhợt rồi tắt thở. Ôm bạn, cố kiềm chế để đừng khóc nhưng nước mắt vẫn trào ra ướt đẫm tấm áo rách tươm, loang máu của bạn. Khi ấy, không có cuốc xẻng, ông phải dùng đá núi đắp thành mộ cho đồng đội, sau đấy lấy cành cây phủ lên. Không bia cắm, không khói hương, nấm mộ của người lính chiến trường đôi khi chỉ đơn sơ như vậy. Để rồi người sống cúi đầu tiễn biệt, rồi tiếp tục đi làm nhiệm vụ.
Những nỗi buồn nối tiếp, trong cuộc tiến quân từ Tam Kỳ ra giải phóng Đà Nẵng, ông nhận được thư của em trai. Mở ra, đọc vội: “Anh Đăng, bố đã mất rồi”. Ông đút vội lá thư vào túi áo, dù đau đớn nhưng không dám khóc, vẫn phải gượng, mà như ông nói là không được yếu lòng, phải nén cảm xúc cá nhân để cùng chỉ huy anh em.
Cũng trong quá trình tiến quân ấy, một câu chuyện khiến ông nhớ mãi. Có một bà má đứng bên đường hỏi lớn: “Các con ơi, thằng Hiệp nhà má có về không? Nó có còn sống không?”. Sau khi hỏi, được biết bà má là mẹ của đồng chí Phan Xuân Hiệp (tức anh hùng Quân đội Phan Hành Sơn) từng học cùng lớp chỉ huy trước đây với ông. Dù khi ấy không biết tung tích của người đồng đội còn sống hay đã hy sinh, nhưng vì muốn động viên người mẹ mòn mỏi đợi con, ông đến ôm má rồi trả lời: “Má ơi, anh Hiệp vẫn còn sống đấy má ạ”. Chân bước đi, hình ảnh bà má đứng bên đường chờ người con trai chưa về cứ ám ảnh, ông lại nhớ về người thân của mình nơi quê xa…
Lúc này, các cứ điểm của quân giặc đã tan rã rồi nên khi ông chỉ huy xuống giải phóng sân bay Nước Mặn, nơi ấy thênh thang, vào chẳng có tên giặc nào, không một phát đạn được bắn ra. Vẫn vòng quay của cuộc đời chiến binh, đánh xong rồi rút về trên hậu cứ, tăng gia sản xuất, huấn luyện, rồi lại chuẩn bị cho trận đánh sau.
Miền thắp lửa
30/4/1975 giải phóng miền Nam, hòa bình lập lại, khiến cho những người đã trải qua những tháng ngày nếm mật nằm gai, giữa sự sống và cái chết mang cảm xúc lâng lâng khó tả. Khi đó, chính bản thân ông dù trong lòng phơi phới nhưng vẫn phải nghiêm khắc để chấn chỉnh đội hình.
Anh nọ ôm anh kia, có anh cười, có anh khóc. Sau tâm trạng vui đó, độ khoảng một, hai ngày sau lại xuất hiện tâm trạng man mác buồn vì nhớ đến những người đã khuất. Họ lại ngồi với nhau, lại nói “giá như thằng nọ, giá như thằng kia còn sống đến bây giờ như anh em mình thì hạnh phúc biết bao”. Vui buồn đan xen lẫn lộn, có anh mong sớm được ra quân để về với bố mẹ, quê hương. “Chính lúc bấy giờ tâm tư của bộ đội diễn biến rất phức tạp, nhất là những anh em có vợ, có con”, ông nhớ lại.
Còn ông, do nhiệm vụ đã tròn 10 năm nhưng chưa một lần được về thăm quê. Trong suốt thời gian ấy, ông viết thư đều đặn về nhà nhưng gia đình không tin ông còn sống mà nghĩ là bạn ông viết để động viên gia đình. Mãi đến tháng 9/1976, ông mới được nghỉ phép.
Đến bây giờ, ông và những đồng đội cũ gặp nhau vẫn hô vang: “giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước”. Sau đó, họ lại ngồi rỉ rả với nhau những câu chuyện về trận đánh đó, rồi thằng kia hy sinh ra sao, lại cười, lại khóc, những cảm xúc rất thật, rất chân thành của người lính năm nào. Đôi khi, ông nói vui với đồng đội: “Chúng ta kể vừa thôi kẻo lớp trẻ lại bảo mình hoài cổ”.
Chiến tranh đã lùi xa, trở về với đời thường, nhưng người lính ngoài 70 tuổi đã vào sinh ra tử nơi trận mạc vẫn bùi ngùi. Ông luôn tâm niệm, mỗi việc mình làm hôm nay là sự bù đắp cho những người đã ngã xuống hôm qua. Trong câu chuyện với tôi, dường như ông cố giấu đi những gian khó, hiểm nguy thời “bom rơi đạn lạc” đằng sau những kỷ niệm và sự lạc quan, yêu đời của người lính.
Ông đã viết lên dòng ký ức về những người đồng đội, về những người như cô du kích, bà má đứng đợi con bên đường, là chú liên lạc tên Thảo dũng cảm hy sinh trước ngưỡng cửa chiến thắng. Đó là giây phút đắp vội nấm mộ cho người bạn. Là khi nhớ về nắm cơm nguội dân cho được cắt ra thành mấy phần để cùng ăn sao thấy ngon lạ lùng. Đó là khi anh em nhường nhau viên thuốc sốt rét cuối cùng...
Câu chuyện của ông dường như không bao giờ hết với những ký ức chiến tranh không bao giờ cạn. Ông bảo: “Quên sao được. Giữ để yêu, để trân trọng hy sinh, mất mát mà những người đang mang trong mình thương tích chiến tranh và những người đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập hôm nay”.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. - Đại biểu Quốc hội khóa 13. - Phó Chủ nhiệm Chương trình kế hoạch cấp Nhà nước về dự báo chiến tranh kiểu mới (2006). - 1 Huân chương Độc lập hạng Ba. - 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất. - 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba. - 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Hai… |