Đoàn kiều bào thăm Trung tâm Công nghệ cao Quang Trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Được tổ chức vào thời điểm ý nghĩa hướng đến Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW được Bộ Ngoại giao tổ chức vừa qua đã đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai chính sách đối với NVNONN, nhất là trong công tác thu hút nguồn lực kiều bào, thông tin tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng duy trì văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt.
Đặc biệt, trong trong khuôn khổ Hội nghị, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức “Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW và phát triển của đất nước trong tình hình mới”. Tại đây, những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào đã có dịp được bày tỏ... nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Trao niềm tin cho trí thức kiều bào
Đây chính là đề nghị của TS. Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA), hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo anh Trần Hải Linh, để phát triển khoa học công nghệ, Nhà nước cần làm rõ việc thu hút doanh nhân, chuyên gia tri thức kiều bào về Việt Nam làm việc và cống hiến. Cần xây dựng nguồn dữ liệu kết nối phù hợp trong các lĩnh vực trọng tâm, nơi mà các cơ quan có chức năng, tri thức kiều bào, trong và ngoài nước có thể truy cập và kết nối, cùng làm việc và trao đổi.
“Hãy giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình, cũng như tuyển chọn và hỗ trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc đang cần đến. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung được vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ”, anh Trần Hải Linh nói.
Đại diện Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), chị Nguyễn Thị Hải Thanh, hiện là chuyên gia Blockchain tại Singapore và Thái Lan cũng đề xuất việc xây dựng hình ảnh tự hào về Việt Nam như là một điểm đến của đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút nhân lực NVNONN tiếp tục thúc đẩy và quảng bá chương trình ‘‘Make in Vietnam’’. Theo chị, số lượng người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật khá lớn, cần tạo ra những điểm nhấn để thu hút nhân tài trở về hoặc xem họ như những “đại sứ công nghệ” của Việt Nam tại nơi họ đang làm việc.
Đến từ nước Nga, GS. TS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT kỳ vọng về việc cho phép các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào được làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm dưới sự chủ trì của Nhà nước và các Bộ ban ngành. Ông kiến nghị quá trình giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho các trí thức kiều bào có tâm huyết và có năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: “Người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam đầu tư, đầu tiên đừng có nghĩ mình là Việt kiều, hãy nghĩ mình là người Việt Nam. Tại vì sao? Bởi vì khi nghĩ mình là người Việt Nam thì mọi thứ trở nên đơn giản lắm, mình sẽ sử dụng cái điều kiện, cái tiêu chuẩn của Việt Nam để mình sống, thì nó rất là phù hợp với mình. Kế nữa, anh phải biết là người Việt Nam mình rất thông minh, chỉ thiếu môi trường văn minh để sáng tạo. Bởi vậy, chúng ta về Việt Nam đầu tư nên mang môi trường văn minh ở nước ngoài về để giúp người Việt Nam mình”. |
Đón đầu công nghệ
Theo ông Nguyễn Quang Trường, phóng viên VNtoday tại Mỹ, nhu cầu thông tin và phát triển các phương tiện truyền thông, báo chí của bà con kiều bào ngày càng cấp thiết. Ông cho biết, thời gian qua, VTV4, VTC10, VOV... đã có những chương trình, buổi hội luận, phỏng vấn chung giữa các phóng viên trong và ngoài nước về tình hình đất nước và các hoạt động của kiều bào ở các nước sở tại. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhiều kênh truyền thông của cộng đồng đã làm tốt vai trò thông tin cộng đồng, giúp bà con hiểu rõ chính sách ưu việt, đoàn kết giữa trong và ngoài nước.
Bởi vậy, ông Trường mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ công tác báo chí tuyên truyền đối với các cơ quan truyền thông của cộng đồng về hoạt động trong nước, như: mời gọi tham gia, đưa tin, cùng chia sẻ thông tin hai chiều trong và ngoài nước. Bên cạnh việc đánh giá, ghi nhận, động viên, các kênh truyền thông tại hải ngoại cũng cần tạo điều kiện hoạt động báo chí trong khuôn khổ luật pháp của Việt Nam
Nói về nhu cầu thông tin, chị Lưu Thu Giang, đại diện Công ty VIETSEARCH Global cũng kiến nghị xây dựng cổng dữ liệu mở về kiều bào ở các lĩnh vực khác nhau: Khoa học, kinh doanh, sản xuất, các sự kiện liên quan đến hoạt đồng kiều bào ở các nước… phục vụ cho hoạt động thống kê, nghiên cứu, kết nối hợp tác từ đó triển khai các chương trình xúc tiến, kết nối những lĩnh vực liên quan giữa người Việt trong nước và nước ngoài.
Anh Phạm Cảnh Toàn, hiện đang là Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại California (Mỹ) cũng cho rằng, việc đẩy mạnh và phát triển các cơ sở dữ liệu, ứng dụng big data và chuyển đổi số là những nhiệm vụ tất yếu cần thực hiện để đạt được các yêu cầu đối với một Việt Nam 2045.
Từ những kinh nghiệm khởi nghiệp thành công tại Mỹ, chị Lê Diệp Kiều Trang, Tổng Giám đốc Công ty Alabaster nhấn mạnh đến tiềm năng và điều kiện phát triển những ngành công nghệ cao tại Việt Nam. “Việt Nam cần sẵn sàng phải đón đầu những công nghệ tiên tiến nhất. Chúng ta thường nói chậm là chắc, nhưng đối với công nghệ, chậm là lỡ hẹn, chậm là mất”, chị Trang chia sẻ.
Thủ tục thông thoáng
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada chia sẻ rằng, khi làm các thủ tục, hồ sơ để đầu tư tại các địa phương, kiều bào vẫn còn gặp khó khăn hơn người Việt trong nước. Từ đó, không ít người muốn đầu tư, muốn được cống hiến cho Tổ quốc của mình vẫn còn băn khoăn, lo lắng, mặc dù Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 đã nêu rõ: “Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
“Bà con kiều bào cần lắm một chính sách thực sự thông thoáng về đầu tư và khởi nghiệp tại Việt Nam, đơn giản hóa thủ tục hành chính như người Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Bắc nói.
Chia sẻ về khó khăn này, anh Mai Xuân Hùng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái – Việt Nam cho biết, hơn 10 năm thành lập và phát triển, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của hai nước, Hiệp hội vẫn đang đối mặt với thách thức trong quá trình hoạt động tại sở tại như về mặt thủ tục hành chính, pháp lý chưa ổn định.
Bởi vậy, Hiệp hội hy vọng Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện cho bà con sinh sống ổn định, tiếp tục đóng góp có hiệu quả cho đất nước, đồng thời mong muốn Nhà nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về vấn đề quốc tịch và chính sách thu hút nguồn lực kiều bào về nước, cũng như tăng cường lưu giữ truyền thống, giảng dạy tiếng Việt ở ngoài nước.
Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong năm năm từ 2015 - 2019, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD. Kiều bào luôn đồng hành, hưởng ứng tích cực, tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh. Riêng trong năm 2020, kiều bào đã quyên góp số tiền mặt lên tới 35 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước; quyên góp, ủng hộ hơn 34 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm qua các hội đoàn của NVNONN nhằm hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ gần đây. |
| Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cập nhật Chỉ thị 45 để đổi mới công tác người Việt Nam ở nước ngoài TGVN. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 thảo ... |
| Tâm nguyện của kiều bào về Chỉ thị 45 và phát triển đất nước trong tình hình mới TGVN. Chiều 26/11, tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên ... |
| Chỉ thị 45: Ủy ban người Việt lắng nghe ý kiến đóng góp của kiều bào TGVN. Chiều ngày 26/11, tại Hà Nội, Hội nghị ‘Kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ... |