Thảm thực vật tại Amazon hấp thụ 56,8 tỷ tấn carbon vào năm 2022. (Nguồn: AFP) |
Tổ chức phi lợi nhuận Amazon Conservation (Mỹ) sử dụng dữ liệu vệ tinh do công ty Planet cung cấp nhằm tính toán lượng carbon mà rừng Amazon dự trữ. Theo đó, do nạn phá rừng, nơi đây có thể sẽ thải ra nhiều khí carbon hơn so với lượng carbon hấp thu từ khí quyển.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, thảm thực vật tại Amazon hấp thụ 56,8 tỷ tấn carbon vào năm 2022, cao hơn 64,7 triệu tấn so với năm 2013. Amazon đã trở thành một bể chứa carbon trong vòng 10 năm qua.
Tuy vậy, theo phân tích của công ty Planet, có lý do để lo ngại rằng, hệ sinh thái này có thể chuyển từ bể chứa thành nguồn phát thải do nạn phá rừng tiếp diễn. Việc chặt phá và đốt rừng sẽ loại bỏ những cây hấp thụ carbon, đồng thời tạo ra nhiều carbon hơn vào khí quyển. Bên cạnh đó, đất trống thường được sử dụng cho canh tác và chăn thả gia súc sẽ tạo ra khí nhà kính.
Theo Giáo sư David Lapola tại Đại học Bang Campinas, việc hấp thụ carbon tại lưu vực sông Amazon nhìn chung vẫn tích cực nếu xem xét các khu vực còn nguyên sơ. Tuy vậy, tình trạng suy thoái rừng đã làm thay đổi tình hình tại khu vực vốn được xem là "lá phổi xanh của Trái đất".
Giáo sư Lapola cho biết thêm, dù nạn chặt phá rừng phá huỷ gần 20% rừng Amazon thì đây vẫn là một vấn đề dễ giải quyết hơn so với tác động của biến đổi khí hậu, vốn khiến các rừng mưa nhiệt đới phải vật lộn với tình trạng hạn hán nghiêm trọng.
"Điều quan trọng là phải thúc đẩy nhân loại chú ý tới thực trạng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đang thay đổi cách các khu rừng hoang sơ lưu trữ carbon. Điều này tiếp tục đặt ra một câu hỏi khó vì liên quan nỗ lực phối hợp toàn cầu nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính', Giáo sư David Lapola lo ngại.