Khách tự khám phá, chụp hình ở Cột cờ Lũng Cú. |
Cổng trời mời gọi
Sau chuyến xe đêm có giường nằm từ Hà Nội, người ngược ải Bắc có cảm giác được các nhà xe của thị xã Hà Giang như Bằng Phấn, Cầu Mè chăm sóc đến “tận răng”. Sáng sớm đã có mặt ở thị xã vùng biên Hà Giang, với rừng cây thiên nhiên xanh thắm một màu và những nơi hẹn hò thơ mộng mà dòng sông Lô oai hùng chảy qua tạo nên. Bỏ lại thị xã yên bình để tìm đường lên địa đầu tổ quốc bằng con đường độc đạo quốc lộ 4C, sau 40km đã bắt gặp cổng trời Quảng Bạ. Để có cảm giác lúc đứng trên cổng trời Quản Bạ phóng tầm mắt xuống cánh đồng Thèn Pả tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian. Quản Bạ được mệnh danh là "vó ngựa biên cương lộng gió ngàn" của cửa ngõ địa đầu phía Bắc Việt Nam. Qua cổng trời Quản Bạ, cổng trời Yên Minh, cổng trời Cán Tỷ, vượt con dốc kinh hoàng mà lãng mạn cực kỳ Mã Pí Lèng, du khách lạc vào xứ sở của những nương tam giác Mạch (loại cây họ hạt đem lại tinh bột cho đồng bào), thung lũng Sa Mộc và Bạc Hà tím mát. Đây là vùng đất giá lạnh, cổ kính và đẫm huyền sử Đồng Văn.
Đi đến Mèo Vạc qua mấy cái cổng trời, ngược chợ tình khuất nẻo, hoang sơ, cứ vào dịp 27/3 âm lịch lại hút đến hàng vạn khách khắp năm châu bốn bể tụ về khám phá Khâu Vai; vượt Mã Pí Lèng, sang Đồng Văn với phố cổ trăm năm tuổi; về Sà Phìn với di tích nhà Vương (dinh thự của "vua Mèo" Vương Chí Sình, con trai Bang tá Vương Chính Đức) nơi xưa kia có kho thuốc súng, kho thuốc phiện và cả những người đàn bà đẹp nhất vùng... Ngược điểm tột Bắc Việt Nam thăm cột cờ Lũng Cú, thăm thung lũng diễm lệ, nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, gạt tất cả khó khăn về đường đi, và cả cái đặc sản rét buốt như kim châm, thì ai đã một lần thử sức nơi Cực Bắc đều dám cá rằng, những cổng trời và cả cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang đều khiến con người ta khó cưỡng được nhu cầu khám phá. Nhưng tất cả cảnh đẹp này mới chỉ đang nằm trong ước muốn phổ cập du lịch mà chính quyền các huyện phía Bắc tỉnh Hà Giang ấp ủ.
Dự án đèn lồng đỏ
Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn được coi là "kinh đô du lịch” của vùng này, từ đây có thể toả đi nhiều hướng thăm nhà Vương, tới cột cờ Lũng Cú cách đó 24km và đặc biệt là khám phá khu chợ cổ Đồng Văn với những gian chợ, căn nhà đã ở tuổi bách niên, được muội than khói bếp phủ một mầu đen đặc trưng mà không tìm thấy bất cứ ở một nơi nào khác...
Ngủ một đêm ở Phó Bảng, sáng sớm dậy đi khám phá chợ phiên Đồng Văn, hoà mình vào cái không khí mua mua, sắm sắm của những người Mông, Hoa, Dao từ lúc con gà còn gáy. Chúng tôi tạt vào chảo thắng cố để thưởng thức bữa sáng với đặc sản rượu ngô, và nhâm nhi ly cà phê hiếm có ở đây.
Cái sự hờ hững với khách du lịch không chỉ ở chỗ cô chủ quán độc quyền cà phê kia. Muốn vào cột cờ Lũng Cú thì chỉ còn mỗi nước là thuê xe máy, rồi tự mình khắc đi, khắc đến thôi. Từ Phó Bảng vào đến chân cột cờ 24km mất hơn một giờ ì ạch vượt đường dốc, khách đến đây cứ việc leo lên tự mình khám phá và tự cảm nhận, mà không có bóng dáng hướng dẫn viên chuyên nghiệp...
Cụm du lịch Lũng Cú cũng đã được hình thành cách đây 5 năm với nhà nghỉ Cực Bắc trưng bày và bán những sản phẩm lưu niệm, chủ yếu là quần áo giả thổ cẩm nhưng chẳng mấy khi có khách lưu trú lại bở vì khách Tây thi không được phép ở qua đêm nơi biên ải còn khách ta đều cảm thấy buồn do bị cô lập quá.
Nhắc đến du lich nơi cực bắc thì có lẽ dự án ra tấm ra món nhất là việc thắp đèn lồng tại thị trấn Đồng Văn tổ chức đêm hội phố cổ hằng tháng tại Đồng Văn (từ 21-25 dương lịch hằng tháng) giống như Phố cổ Hội An. Cùng với nó là những phiên chợ tái hiện lại cảnh sinh hoạt văn hoá chợ phiên như rèn dao, làm khèn, và những trò chơi truyền thống…
Dù với tất cả cố gắng của các huyện có cổng trời ở Hà Giang, vẫn không phủ nhận được thực tế rằng ngành du lịch ở nơi ải bắc vẫn nhạt nhạt như cây bị cớm nắng chưa đủ sinh khí để bật lên thành một điểm du lịch dễ lựa chọn của du khách.
Ai đã một lần đi qua những cổng trời đều nặng lòng muốn quay lại để được gặp lại những đỉnh đá tai mèo, những người dân cần cù chịu khó nhưng cũng thật ngại khi phải đối mặt với thiếu thốn, sự chăm sóc của những người đang làm du lịch ở đây.
Nguyễn Gia Tưởng
Ngày 30/11, Ủy ban UNESCO Việt Nam đã gửi Hồ sơ Cao nguyên đá Đồng Văn sang trụ sở UNESCO đề cử công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. |