📞

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 11/2021?

Gia An 08:55 | 01/11/2021
Lãi suất đầu vào của ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020, còn khoảng 5-5,5%/năm. Theo Ngân hàng Nhà nước, lạm phát hiện ở mức thấp, 9 tháng đầu năm tăng 1,82%, nhưng theo dự báo của IMF, lạm phát cả năm nay sẽ vào khoảng 3% và mục tiêu của Quốc hội là dưới 4%. Nếu lạm phát duy trì ở mức 3%, người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
Trong tình hình lãi suất ngân hàng hiện nay, nếu lạm phát duy trì ở mức 3%, người gửi tiền mới có lãi suất thực dương. (Nguồn: Kitco)

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?

Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) công bố lãi suất tiền gửi giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng là 7,1%. Đây cũng là điều kiện thấp nhất trong số các ngân hàng công bố lãi suất đặc biệt. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất là 6,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 5,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này thấp hơn 0,2 - 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, với điều kiện tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn.

Một số ngân hàng khác như LienVietPostBank có lãi suất 6,99%/năm, HDBank với 6,95%/năm, MB 6,8%... với các điều kiện riêng áp dụng cho các khoản tiền gửi giá trị lớn trên 200-300 tỷ đồng với kỳ hạn 12-13 tháng.

Với khoản tiền gửi thông thường tại các ngân hàng, lãi suất thường thấp hơn 1-2,5% với cùng kỳ kỳ hạn, phổ biến là 4,85-6,8%/năm. Cá biệt tại Techcombank, lãi suất tiền gửi cuối kỳ cho khách hàng ưu tiên ở mức 4,4-4,8%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam. Nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank có lãi suất 12 tháng 5,5%/năm, các ngân hàng còn lại đều để lại suất 5,6%/năm.

Gửi tiết kiệm không kỳ hạn

Đối với hình thức gửi không kỳ hạn, hiện nay ngân hàng Bắc Á có mức lãi suất 1% áp dụng cho gửi tiền trực tuyến, là cao nhất so với các ngân hàng. Với đặc thù của gói tiền gửi này là không có thời hạn ấn định cho nên lãi suất tiết kiệm ngân hàng chỉ rơi vào tầm 0,2% - 0,1% áp dụng tại quầy và 0,2% - 1% gửi trực tuyến.

Đối với lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy:

Kỳ hạn được áp dụng của mỗi ngân hàng khá linh hoạt để khách hàng dễ dàng chọn lựa. Hầu hết các ngân hàng đều có sự cạnh tranh lãi suất tiền gửi gay gắt ở gói tiền gửi tiết kiệm này.

Ở mức thời hạn từ 1-3 tháng, ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%.

Với kỳ hạn 6 tháng ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) và ngân hàng Thương mại cổ phần quốc dân (NCB) giữ mức lãi suất là 6,25%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.

Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) với mức lãi suất 6,8%

Với những kỳ hạn dài hơn như 18, 24 tháng, ngân hàng SCB, NCB có mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng cao 6,8%, cao nhất là ngân hàng VRB 7%/năm cho kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Đối với lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến:

Với kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều lãi suất ngân hàng hiện nay ở mức hấp dẫn lên đến 4,0% bao gồm: ACB, Bắc Á, Bảo Việt, MaritimeBank, SCB, VIB.

Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 3,5%

Với các kỳ hạn từ 6-24 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất. Kỳ hạn 6 tháng: 6,45%, 12 tháng,18 tháng: 6,95%.

Hình thức gửi tiết kiệm online có mức lãi suất tiền gửi các ngân hàng hiện nay hấp dẫn hơn gửi tiền mặt tại quầy. Do đó, người gửi có thể cân nhắc hình thức gửi để hưởng mức lãi suất và ưu đãi cao nhất.

16 ngân hàng giảm lãi suất mùa Covid-19, thấp nhất VIB, cao nhất Agribank

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/9 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỉ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Như đã cam kết giám sát việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mùa Covid-19, Ngân hàng Nhà nước công bố kết quả việc giảm lãi suất cho vay của 16 ngân hàng thương mại như sau:

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.885 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,27 triệu tỉ đồng cho trên 3,18 triệu khách hàng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.975 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,07 triệu tỉ đồng cho 239.384 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.901 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,08 triệu tỉ đồng cho 365.429 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.417 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,22 triệu tỉ đồng cho 533.392 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 602 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 109.124 tỉ đồng cho 104.036 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 244 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 129.898 tỉ đồng cho 32.098 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 243 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 62.455 tỉ đồng cho 1.417 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 203 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 150.566 tỉ đồng cho 93.975 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 224 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 144.509 tỉ đồng cho 232.357 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 123 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 17.667 tỉ đồng cho 14.042 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 121 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 79.782 tỉ đồng cho 55.077 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 97 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 40.744 tỉ đồng cho 12.710 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 93,5 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 38.130 tỉ đồng cho 3.269 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 62 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 40.867 tỉ đồng cho 6.201 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (DongABank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 33 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 24.662 tỉ đồng cho 4.989 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 12 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 9.596 tỉ đồng cho 7.134 khách hàng.

Lãi suất có thể giảm nhẹ trong quý IV?

Thông tin từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 7/10 đạt 7,42% so với đầu năm, tương đương với mức tăng 15% so với cùng kỳ. Tín dụng có dấu hiệu chậm lại trong 3 tháng qua dưới tác động của dịch bệnh kéo dài.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn duy trì tương đương với tốc độ trước đại dịch, cho thấy các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cung cấp vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm nay.

Tính đến cuối tháng 9, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy từ 23/01/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo xu hướng nới lỏng, đến ngày 7/10, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong 9 tháng đầu năm, với mức giảm 0,6 – 0,7%/năm và lãi suất huy động cũng duy trì ở mức thấp.

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research duy trì quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV.

(tổng hợp)