📞

Làm gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại?

TS. Vũ Thu Hương 10:49 | 06/04/2023
TS. Vũ Thu Hương băn khoăn, làm cách gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại đến giá trị giáo dục cho học sinh?
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, dã ngoại là điều kiện tốt nhất để trẻ học về các kỹ năng. (Ảnh: NVCC)

Ngộ độc thực phẩm tập thể tại nơi dã ngoại là vấn đề tưởng như mới nhưng thực chất chỉ là biểu hiện của một vấn đề bất ổn đã tồn tại rất lâu trong giáo dục Việt Nam, đó chính là dã ngoại. Dã ngoại trong giáo dục Việt Nam thực sự là vấn đề nghiêm trọng mặc dù rất ít được đề cập.

Dã ngoại là một phần nội dung giáo dục quan trọng của học sinh trong các nhà trường. Kiến thức trong nhà trường chỉ mang tính lý thuyết. Trong khi đó, tính thực tế sẽ đến khi trẻ thực hành hoặc hoạt động ngoại khóa.

Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động dã ngoại chiếm từ 40 - 50%. Nghĩa là, gần như buổi học nào cũng có dã ngoại. Ở Việt Nam, một năm học sinh học 9 tháng nhưng chỉ có 2 đợt dã ngoại. Nguyên nhân của tình trạng này là do tư tưởng bao bọc, chiều chuộng trẻ của phụ huynh và giáo viên hay còn lý do nào khác?

Đặc biệt, có rất nhiều buổi dã ngoại chỉ để học sinh vui chơi tại nơi nào đó. Gần như hoàn toàn không có ý nghĩa giáo dục, mục tiêu giáo dục tại các buổi dã ngoại đó.

Ví dụ, trong chính ở bữa cơm trưa tại nơi dã ngoại, tại sao một đứa trẻ tầm 7 - 9 tuổi không thể tự chuẩn bị bữa ăn trưa đơn giản cho mình mà bắt buộc phải là hẳn một đơn vị phục vụ vô cùng vất vả? Nếu bữa cơm trưa không thể tự lo thân, liệu 10 năm sau, đứa trẻ đó có thể trưởng thành và tự lo cho cuộc sống của mình?

Hơn nữa, tôi muốn đặt thêm một câu hỏi về kỹ năng phát hiện thực phẩm thiếu chất lượng của học sinh. Kỹ năng xác định thực phẩm ôi thiu, chưa đủ độ chín... là một trong các kỹ năng quan trọng sống còn. Thế nhưng, các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể của học sinh gần đây cho thấy, nội dung này tuyệt đối không được giáo dục dẫn đến những hậu quả hết sức nguy hiểm. Như thế, giáo dục kỹ năng sống vẫn chỉ là khẩu hiệu của các nhà trường chứ không hề thực chất như các nơi vẫn đang tuyên truyền.

Dã ngoại là điều kiện tốt nhất để trẻ học về các kỹ năng trên nhưng bữa ăn tập thể lại được chuẩn bị chu đáo đến tận miệng và khi xảy ra bất ổn, không có học sinh nào phát hiện ra.

Rõ ràng, tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp như nhà trường nhưng mục tiêu giáo dục của các buổi dã ngoại hoàn toàn không có, cũng như không có một kỹ năng nào được rèn luyện. Vì thế, những nhà trường đó không thể hoàn thành trách nhiệm giáo dục trẻ của mình, trút gánh nặng phục vụ lên vai người lớn, gây ra vô vàn các nguy cơ như những sự cố khi đi dã ngoại.

Các nước khác trên thế giới chúng ta thấy luôn có hình ảnh trẻ tự xách một hộp đồ ăn trưa để đi dã ngoại và học tập ngoài thực địa. Học sinh Việt Nam những năm 80, 90 cũng vậy, nhưng hiện nay điều này hầu như không có hoặc rất ít. Liệu có phải giáo dục đang đi giật lùi?

Một vấn đề nữa chúng ta cần xem xét là các buổi dã ngoại có nội dung học cụ thể hay không và có kiểm tra, đánh giá hay không? Chúng ta làm cách gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại đến giá trị giáo dục cho học sinh? Và tại sao hoạt động ngoại khóa không phải là một tiêu chí đánh giá cho các kỳ thi quan trọng của học sinh?

Theo tôi được biết, rất nhiều quốc gia đã lấy điểm ngoại khóa như một điều kiện tiên quyết để học sinh vượt qua một kỳ thi quan trọng. Đã có vô số các trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi thí sinh nộp xác nhận hoạt động xã hội, hoạt động thực hành trong khi xét đầu vào. Đó là thế giới, vậy ở Việt Nam thì sao? Liệu có phải chúng ta đang đi ngược hẳn lại so với xu hướng của thế giới?

Giáo dục Việt Nam có một điểm yếu rất rõ ràng về sự dư thừa lý thuyết và thiếu thực tế trầm trọng. Bên cạnh đó, giáo dục chạy theo bệnh thành tích và chiều chuộng học sinh của phụ huynh. Vì thế, theo tôi, thay vì ngành giáo dục đổ lỗi cho các cơ quan đưa học sinh đi dã ngoại thì hãy nhìn vào vấn đề của mình để tìm phương án giải quyết trước khi quá muộn. Khi câu hỏi này được giải đáp, chắc chắn những vụ việc đau lòng như ngộ độc tập thể hoặc sự cố đáng tiếc tại nơi dã ngoại sẽ không xảy ra.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!