📞

Làm gì để phòng ngừa mẹ trầm cảm sát hại con nhỏ?

15:45 | 16/06/2017
Sau sự việc đau lòng thiếu phụ sát hại con 33 ngày tuổi tại Thạch Thất (Hà Nội) được cho là do trầm cảm khiến dư luận xôn xao, Báo TG&VN đã trao đổi với Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) để hiểu thêm về nguyên nhân cũng như các mô hình phòng ngừa.

Là một chuyên gia tâm lý, theo ông, những sự việc đáng tiếc như trên thường xuất phát từ đâu?

Tôi đã đọc được một số nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này. Ở Mỹ, tỷ lệ những bà mẹ giết con trong giai đoạn sơ sinh (một năm đầu đời) chiếm khoảng 8/100.000 dân. Những bà mẹ có suy nghĩ làm hại hoặc giết con trong giai đoạn ba năm đầu đời nhiều hơn. Với nhóm có biểu hiện trầm cảm, có thể có tới 41% các bà mẹ đang nuôi con dưới 3 tuổi có suy nghĩ này. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ dẫn đến việc này thường bị đánh giá thấp hoặc không được nghiên cứu một cách bài bản.

Tiến sĩ Trần Thành Nam. (Ảnh: NVCC)

Các nghiên cứu đi trước chỉ ra, những bà mẹ sát hại con thường là những bà mẹ trẻ. Họ có trình độ học vấn không cao, không có nghề nghiệp ổn định, mạng lưới quan hệ xã hội rất hạn chế. Phần lớn họ mang thai và sinh con ngoài kế hoạch và không được tư vấn, chăm sóc phù hợp trong giai đoạn mang thai.

Bằng chứng nghiên cứu còn cho thấy, những người mẹ sát hại con phần nhiều đều có các biểu hiện tổn thương sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, họ còn có suy nghĩ tự sát hoặc đã từng phải điều trị về sức khỏe tâm thần trước đó. Đồng thời, nhiều bà mẹ đã từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục hoặc bạo hành trước đây và hiện đang phải đương đầu với nhiều áp lực. Trong đó, họ chịu áp lực chăm con và trục trặc trong mối quan hệ với chồng cũng đều đẩy họ đi đến hành động này.

Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân?

Về động cơ sát hại con của các bà mẹ, thường có các dạng như sau:

Thứ nhất là động cơ “vị tha”. Các bà mẹ sát hại con vì tình yêu, vì niềm tin cho rằng đó là cách thức tốt nhất để bảo vệ đứa con khỏi mọi khổ đau trong cuộc sống thực.

Thứ hai, do ảnh hưởng của các biểu hiện loạn tâm thần cấp. Bà mẹ sát hại con theo những mệnh lệnh trong đầu hoặc những ảo giác đặt con xuống chậu nước nhưng lại nghĩ là đặt con vào một chỗ trú ẩn an toàn.

Thứ ba, có thể việc sát hại là không cố ý nhưng là hệ quả của việc lạm dụng hoặc bỏ mặc đứa trẻ.

Thứ tư, giết trẻ như một hành động bạo lực bộc phát vì đã làm đủ cách nhưng không thể làm trẻ dừng khóc.

Cuối cùng, việc giết con có thể là cách để trả thù người cha của đứa trẻ vì đã đối xử bất công hoặc đã gây đau khổ cho mình.

Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc việc xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các bà mẹ trẻ? (Nguồn: Tuổi trẻ)

Vậy để phòng ngừa những sự vụ đau lòng như thế này, chúng ta cần làm gì, thưa Tiến sĩ?

Ngay cả ở các nước tiên tiến, nơi mà các dịch vụ chăm sóc sau sinh cho các bà mẹ phát triển, dường như các bác sỹ cũng hiếm khi đưa ra các câu hỏi đánh giá nguy cơ gây hại hoặc giết con trong quá trình thăm khám. Vì vậy, có lẽ đầu tiên chính các bác sỹ cần phải làm quen với ý nghĩ có một tỉ lệ nhỏ các bà mẹ có nguy cơ giết con đẻ của mình.

Tiếp đến, hệ thống đánh giá sàng lọc nguy cơ này của người mẹ như tiền sử tổn thương sức khỏe tâm thần cần được xây dựng một cách nghiêm túc. Ngoài ra, cần tìm hiểu lịch sử người mẹ ấy đã từng bị lạm dụng hoặc sử dụng chất gây nghiện hay chưa? Họ có quá tải với các áp lực cuộc sống hay không? Họ có thiếu kỹ năng làm cha mẹ hay không? Những bà mẹ có nguy cơ cao cần được cách ly và can thiệp kịp thời. 

Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng cần có một hệ thống các dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các bà mẹ sau sinh, để họ có thể tiếp cận được dễ dàng mỗi khi có nhu cầu. Những người cung cấp dịch vụ cần được huấn luyện kỹ năng để phát hiện ra các vấn đề nguy cơ, xác định được động cơ tiềm năng gây hại cho con và kỹ thuật tham vấn để giải quyết vấn đề.

Nếu phát hiện một bà mẹ có các biểu hiện loạn thần cấp hoang tưởng hoặc ảo thanh gây hại cho con thì nên cho nhập viện. Những người mẹ có niềm tin vô lý rằng, cuộc sống của trẻ hiện tại là tồi tệ, họ cần được tái cấu trúc lại nhận thức bằng các kỹ thuật phù hợp…

Ở Việt Nam, trong bối cảnh Luật trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, dù thông cảm thế nào, nguyên nhân do đâu thì giết con cũng là một hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Anh, Australia, Brazil, Canada, Đức, Phần Lan, Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), hành động người sát hại trẻ xảy ra trong một năm đầu đời có thể được cân nhắc giảm nhẹ hình phạt khi luận tội với lý do “người mẹ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khi sinh nở”.

Có thể nói, sự việc vừa xảy ra rất đau lòng và có những nguyên nhân riêng. Sự việc dù đúng sai sẽ do các cơ quan điều tra xác định. Đối với cộng đồng mạng, đừng quy gán, kết tội hay gây thêm sang chấn tâm lý cho những người trong cuộc. Tôi cho rằng, nếu cộng đồng mạng và truyền thông không tỉnh táo, rất có thể sẽ đẩy người mẹ vào ngõ cụt.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)