Nhỏ Bình thường Lớn

Làm hai công việc – Tại sao không?

Nhiều người Malaysia vừa bán hàng vừa làm việc để có thêm thu nhập trước  “vấn nạn” chi phí gia tăng…
lam hai cong viec tai sao khong

Chi phí ngày càng gia tăng khiến nhiều người Malaysia phải làm hai công việc.(Nguồn: Malaysian Insider)

Hàng ngày, Huda Jamaluddin thức dậy vào 6 giờ sáng để chiên món bergedil (khoai tây nhân thịt) rồi mang đến quầy hàng của người bà con trước khi đến làm việc tại một ngân hàng ở Taman Melawati.

Sống cùng gia đình tại Gombak, người phụ trách kinh doanh 26 tuổi này cho biết, cô đã phải làm hai công việc cùng lúc để kiếm sống."Trước khi đến cơ quan vào buổi sáng, tôi sẽ phải chắc chắn rằng mình hoàn thành việc chiên bergedil trước 6 giờ rưỡi”, Huda chia sẻ. “Dĩ nhiên, tôi phải sống ở nhà của bố mẹ vì chúng tôi cần phải hỗ trợ lẫn nhau và cung cấp đồ dùng cần thiết cho gia đình".

Một nguồn thu nhập là không đủ

Huda là một trong nhiều người Malaysia sẵn sàng đảm đương hai công việc để có thể “sống được” trong một thành phố lớn như Kuala Lumpur, thậm chí cả trước khi Thứ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Datuk Ahmad Maslan nói rằng Chính phủ khuyến khích những người trong nhóm có thu nhập thấp làm hai công việc để đối phó với việc tăng chi phí sinh hoạt. – ý kiến đã nhận không ít lời chỉ trích.  

Huda cho biết, việc bán bergedil giúp cô thể kiếm thêm 500 RM (hơn 2,6 triệu đồng) mỗi tháng. Một điều may mắn là nơi làm việc chỉ cách nhà cô 15 phút lái xe.

"Dù thế nào thì công việc không dừng lại. Trong những ngày cuối tuần, tôi sẽ chuẩn bị nguyên liệu cho tuần tiếp theo. Một số bergedil sẽ được đóng thành gói gồm 12 miếng cho những người thích mua ở dạng đông lạnh”, cô nói.

"Tạ ơn Thượng đế, tôi có thể bán được khoảng 400 bergedil trong một tuần".

Trên thực tế, Huda đã mạo hiểm vào việc kinh doanh bergedil trước khi đảm bảo việc làm ổn định hiện tại của mình. Cô quyết định vẫn tiếp tục làm để tăng thu nhập trong bối cảnh các chi phí gia tăng.

"Nếu tôi chỉ dựa vào tiền lương thì sẽ không đủ sống… Ngày nay, chúng ta không thể chỉ dựa vào một nguồn thu nhập mà thôi. Chúng ta phải tìm kiếm cơ hội khác, thay vì cứ suốt ngày than vãn mà không nỗ lực gì cả", cô nói.

Trong khi nhiều người Malaysia chỉ trích Thứ trưởng Ahmad về nhận xét không đúng lúc của ông, Huda phần nào đồng ý là mỗi người nên tìm kiếm giải pháp thay thế khác chứ không dựa vào một nguồn thu nhập. "Ví dụ, đối với các sinh viên mới tốt nghiệp, họ nên bắt đầu làm một việc gì đó để tạo thu nhập. Và sau khi được tuyển dụng, họ có thể tiếp tục làm việc đó nếu có thể”.

lam hai cong viec tai sao khong

Bán hàng buổi tối là công việc làm thêm của nhiều nhân viên công sở. (Nguồn: Malaysian Insider)

Chi phí không ngừng gia tăng

Zan, 44 tuổi, đã làm hai công việc trong hơn 10 năm qua. Nhà điều hành sản xuất tại một nhà máy công nghiệp nặng kiêm luôn công việc của một người bán hoa quả tại Sân vận động Shah Alam vào cuối tuần. Đó là lý do mà vào mỗi Chủ nhật, người cha của ba đứa con này phải thức dậy vào lúc 4 giờ sáng.

"Mặc dù làm hai công việc, tôi vẫn cảm thấy khó khăn để tiết kiệm bởi vì chi phí tiếp tục gia tăng", ông nói. Lợi nhuận mà ông thu được chỉ có thể trang trải chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Trước đây, khi lần đầu tiên làm hai công việc, ông có thể tiết kiệm một khoản tiền và mua nhà cùng một chiếc xe tải nhỏ cho doanh nghiệp của mình.

Bây giờ, mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn.

Thí dụ, chi phí cho một số loại hoa quả đã tăng lên 50%, thậm chí cam còn bị tính thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) là 3 RM (gần 16.000 đồng) mỗi hộp. Trước khi GST được thực hiện vào tháng 4/2015, khách hàng có thể mua 3kg xoài với giá 10 RM (khoảng 52.000 đồng) nhưng bây giờ, thậm chí thương lái còn không thể mua với giá đó.

"Đó là lý do tôi quyết định rằng tôi không bán xoài nữa bởi chẳng hề sinh lời", Zan khẳng định.

Chưa kể , các chi phí khác như thuê địa điểm cũng đã tăng 100%. Theo ông, "làm việc, kể cả ba công việc, chưa chắc có tác dụng khi mà giá cả tiếp tục tăng như thế này".

Bình luận về “lời khuyên” của ông Ahmad, ông Zan cho rằng vị Thứ trưởng không nên đưa ra những tuyên bố "điên khùng" như vậy. "Ông ấy có nghĩ kỹ về việc chúng tôi phải hy sinh thời gian của mình để làm hai công việc?"

Không nên là điều bắt buộc

Thời gian của Fadzley, 25 tuổi, giám đốc một công ty tư nhân, đã “chật cứng” với công việc thứ hai – nướng và bán bánh.

Do tính chất công việc đòi hỏi Fadzley phải làm việc gần 12 tiếng mỗi ngày, cho nên đôi khi, anh sẽ đi ngủ vào lúc 2h sáng nếu nhận các đơn đặt hàng vào các ngày trong tuần. "Do đó, sau khi làm việc, tôi phải nướng bánh để đáp ứng yêu cầu của khách hàng".

Sống ở Keramat AU, Kuala Lumpur và làm việc tại Shah Alam, gần đây, Fadzley phải nhịn ăn trưa để dành dụm tiền cho dự án kinh doanh tiếp theo - bán đồ uống.

"Nếu tôi không làm những việc này, tôi sẽ không có khoản tiết kiệm nào cả. Tiền lương của tôi chỉ đủ để trả các khoản chi hàng tháng như tiền vay mua xe, đi lại và giáo dục", anh nói."Với tình trạng kinh tế hiện nay, người dân không có sự lựa chọn nào ngoài việc làm thêm. Tuy nhiên, tôi tin rằng làm hai công việc nên là một lựa chọn và không phải là điều mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện".

“Nếu bạn có một việc vào ban ngày, bạn có thể điều hành việc kinh doanh trực tuyến vào buổi tối và vào cuối tuần chỉ cần không ảnh hưởng đến công việc chính; điều đó có thể giúp tăng thêm thu nhập”. (Thứ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Datuk Ahmad Maslan)

 

Vinh Hà (theo Malaysian Insider)