📞

Làm nhà từ… ống bê tông

14:00 | 02/02/2018
Hãy tưởng tượng bạn sẽ sống trong ống bê tông khổng lồ với đầy đủ tiện nghi của một ngôi nhà ấm cúng với ánh sáng tự nhiên. Đây chính là phát minh của một công ty kiến trúc tại Hongkong nhằm chống lại cuộc “khủng hoảng” giá bất động sản tại thành phố này.

Hongkong vốn nổi tiếng với không gian sống đắt tiền. Giá bất động sản ở thành phố này thuộc hàng đắt nhất trên thế giới. Mỗi mét vuông nhà đất cao cấp tại đây có giá tới 54.000 USD, đắt hơn cả Sydney (Australia) và Vancouver (Canada). Thậm chí, năm 2017, giá những căn hộ chung cư mới xây với diện tích chỉ có 17m2 cũng lên tới 210.000 USD/1 căn.

Theo Bloomberg, giá trung bình cho một ngôi nhà ở Hongkong cao gấp 19,4 lần so với thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình, tăng 18,1 lần so với trước đây. Chính vì vậy, những người dân có thu nhập thấp phải sống trong tình trạng nhà cửa chật hẹp với chỉ 5m2, còn nhỏ hơn một phòng giam ở nhà tù trong thành phố. Không những vậy, Hongkong còn nổi tiếng với những “căn nhà” nhỏ như quan tài (chỉ hơn 1m2), còn gọi là “nhà hòm”, nơi ở của những người không đủ khả năng theo kịp với chi phí gia tăng đột biến gần đây.

OPod, sáng kiến nhà ở mới cho người dân Hongkong. (Nguồn: CNN)

Giải pháp mới cho dân nghèo Hongkong

OPod là một hệ thống nhà giá rẻ được thiết kế lại từ ống nước bê tông. Đây là sản phẩm của kiến trúc sư James Law, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của James Law Cybertecture, người tin rằng thiết kế này của ông sẽ giúp giải quyết được vấn đề thiếu không gian xây dựng nhà cũng như nhà ở giá rẻ ở Hongkong.

Họ sử dụng ống thoát nước đường kính khoảng 2,5m để cải tạo thành nhà ở tý hon. Những ngôi nhà này có diện tích sử dụng khoảng  9 - 11m2 gồm đầy đủ những tiện ích của một ngôi nhà thực sự như tủ lạnh, lò vi sóng, nhà vệ sinh với vòi hoa sen và một chiếc ghế sofa có thể bật ra thành giường, đủ để dành cho hai người ở. Đặc biệt hơn, căn hộ này được trang bị ổ khóa có thể truy cập trực tuyến bằng điện thoại thông minh. Thiết kế này của James Law được ra mắt vào tháng 12 năm 2017 tại cuộc triển lãm mang tên DesignInspire được tổ chức tại Hongkong.

Mỗi ngôi nhà như thế này có giá ước tính khoảng 15.350 USD, không hề rẻ nếu so sánh với các quốc gia khác, nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với giá trung bình của một căn hộ tại Hongkong. Ông Law nói rằng giá thấp như vậy bởi giá ống nước không hề đắt, những ngôi nhà này còn dễ di chuyển, lắp đặt.

James Law nhận thấy có rất nhiều khoảng trống hẹp giữa các tòa nhà mà khó có thể tận dụng để làm gì. Với thiết kế trong ống nước, căn hộ OPod có thể dễ dàng đặt vào những khoảng đất thừa đó, thậm chí có thể đặt trên tầng thượng các tòa nhà, dưới chân cầu, dưới gầm đường cao tốc và có thể xếp chồng lên nhau.

Nhận xét về tình hình bất động sản ở Hongkong, ông James Law cho biết, mặc dù người dân bắt buộc phải sống trong tình trạng chật chột do không đủ điều kiện kinh tế, thế nhưng điều đó không có nghĩa họ bắt buộc phải sống bẩn thỉu, thiếu thốn như nhà hòm hoặc nhà lồng. Không gian tuy nhỏ, nhưng được thiết kế tốt vẫn có thể trở thành một ngôi nhà ấm cúng, Nhật Bản là một trong những nơi nổi tiếng với những thiết kế nhà tối giản, tận dụng triệt để và hợp lý không gian mà vẫn đảm bảo được tính nghệ thuật và đầy đủ các điều kiện về ánh sáng tự nhiên.

Nhưng vẫn chỉ mang tính tạm thời

Mỗi một ngôi nhà OPod được cho thuê với giá 383 USD/tháng - chủ yếu sẽ dành cho những người trẻ tuổi chưa có nguồn tài chính vững vàng. Ông Law giải thích giới trẻ cần phải có một nơi ở ổn định phù hợp với thu nhập của họ để từ đó có thể xây dựng được nguồn tài chính vững vàng hơn. Với ông Law, đam mê của ông là được giúp đỡ những người trẻ tuổi, nuôi dưỡng và bảo vệ họ, giúp họ đạt được những bước tiến mới trong cuộc sống.

Không chỉ James Law Cybertecture mà những công ty như Markbox cũng đang hướng tới những dự án giúp người dân nghèo ở Hongkong có được cuộc sống đầy đủ, thoải mái. Sản phẩm nhà của Markbox được thiết kế và xây dựng lại từ những container cũ, ẩn khuất trong khu vực ngoại ô. Markbox mất khoảng 3 tháng để lắp ráp và chuyển đổi từ một container hàng hóa thành không gian sống với chi phí khoảng 6.400 USD.

Tuy nhiên, tại Hongkong, việc xây dựng nhà ở trong ống bê tông hay container là hợp pháp, nhưng sống lâu dài ở đây lại không được pháp luật cho phép.  Ông Tommy Wong cho biết: "Luật pháp thực sự chưa theo kịp xu thế. Vẫn còn nhiều chính sách lạc hậu và chưa có thay đổi nào cả". Chính quyền Hongkong hiện cho biết ủng hộ các sáng chế nhà ở mới kiểu này, nhưng chỉ xem đây là giải pháp tạm thời trong ngắn hạn.

Dù sao, với những người có thu nhập thấp, được sống trong những ngôi nhà ống bê tông, nhà container hay thậm chí là nhà hộp với khoảng 2m2 cũng là tốt lắm rồi. Ít ra, họ có một mái nhà che mưa, che nắng để chờ đợi đến khi kế hoạch xây thêm các khu chung cư giá rẻ của chính quyền Hongkong được thực hiện vào năm 2027.

(tổng hợp)