📞

Làm ông làm bà ở Việt Nam

14:00 | 24/09/2016
TGVN. (tiếp theo và hết) Vị trí và vai trò của “ông bà” như trên là do tính chất của nền văn hóa Việt. Hai nhà nhân học văn hóa Hofstede và E. Hall xếp các nền văn hóa thế giới làm hai loại: loại mang nặng dấu ấn cá thể (Tây Âu và Bắc Mỹ), loại được đặc trưng bởi ý thức cộng đồng (đặc biệt là châu Á). Văn hóa Việt thuộc loại thứ hai. 

Sở dĩ ý thức cộng đồng người Việt mạnh là vì nhiều lý do lịch sử: tinh thần dân tộc sớm hình thành ngay trong Thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên do liên minh các bộ lạc phải đoàn kết chống thiên tai (lụt) và ngoại xâm - trong hai nghìn năm, Khổng học, một thứ triết học đạo đức và chính trị, tác động như một chất keo gắn bó dân tộc để chống ngoại xâm và xây dựng quốc gia. Trong khung cảnh văn minh lúa nước, cơ sở xã hội là xóm làng, làng xã gôp lại thành quốc gia. Cơ sở xóm làng là gia tộc, gia đình.

Trong một bản luận án nghiên cứu so sánh hiện tượng “sĩ diện” giữa hai nước theo Khổng học (Nhật Bản và Việt Nam), bà Higuchi đánh giá thứ tự quan trọng trong quan hệ xã hội của hai nước như sau:

Nhật Bản: 1) Bạn bè, 2) gia đình, 3) quan hệ nơi làm việc

Việt Nam: 1) gia đình, 2) bạn bè, 3) quan hệ nơi làm việc

Điều này cho thấy mặc dù ngày nay đang bị suy thoái, gia đình ở ta vẫn còn là một giá trị văn hóa quan trọng trong bản sắc dân tộc. Điều chính có lẽ là do nó gắn với tâm linh, với thờ cúng tổ tiên. Người ông bao giờ cũng có nhiệm vụ khấn giỗ Tết, bảo ban về cưới xin tang lễ, việc làng, đặt tên cho con cháu, duy trì dòng họ. Thường thường, ông bà già ở với gia đình một con trai (nhất là con cả); dù nghèo, nhưng ít khi ở với gia đình con gái, vì gia đình ta thuộc phụ hệ, trong nhà có gia phong, tiếng nói ông bà là quyết định. Tuổi già được kính trọng, trìu mến. Đến tuổi 50, con cháu đóng góp làm lễ “lên bô”, “vào bô” trong làng và lễ “mừng thọ” trong nhà. Gia đình “tứ đại đồng đường”, được coi là “phúc ấm”.

Ông bà là linh hồn của gia đình. Ông bà phải gương mẫu về các đức tính, về cách cư xử với nhau và với con cháu, hòa thuận và khoan dung. Tùy khả năng sức khỏe, ông bà đóng góp vào cộng đồng nhỏ: làm việc vặt trong nhà, thổi cơm, chăm sóc, dạy học, vui chơi với các cháu... Ông bà là hạt nhân đoàn kết, góp phần giải quyết những mâu thuẫn giữa vợ chồng con cái. Gia đình truyền thống của ta không có “hố ngăn cách các thế hệ” (generation gap) như ở phương Tây, mà có tính liên tục hài hòa kính già yêu trẻ. Cho đến khi chết, ông bà vẫn gắn bó hữu cơ với tế bào gia đình. Và cả sau khi sang thế giới bên kia, qua hương hoa thờ cúng, vẫn trở về với con cháu. Đó là một nét bản sắc dân tộc.

“Bản sắc dân tộc là gì? Trả lời câu phỏng vấn ấy của anh Nguyễn Đắc Xuân (Hồn Việt, số 12/2008), thiền sư Thích Nhất Hạnh đáp: “Bản sắc văn hóa dân tộc có thể cảm nhận được, nhưng nói ra cho đầy đủ thì rất khó”.

Ông chỉ đưa ra một thí dụ cụ thể về bữa ăn Việt Nam ngày trước: đi ăn giỗ, không cần đến đúng giờ, ung dung đến lúc nào thì đến, không phải vất vả xe cộ sợ quá giờ - bữa cơm gia đình có đủ mặt là một cơ hội tình cảm gắn bó, nay vì công nghiệp hóa khó giữ được. Thích Nhất Hạnh kết luận là xưa ta nghèo nhưng có nếp sống nhàn nhã, ấm tình người, tiền không mua được: “Văn hóa Việt Nam là một cái mỏ vàng”, ta cần “tinh lọc cho được thứ vàng ròng” rồi thay đổi “cho hợp với nếp sống hiện đại”.

Tôi đồng tình với Thiền sư, nên coi kiểu sống của ông bà với gia đình một người con là một nét bản sắc tốt đẹp của người Việt. Nhiều bạn phương Tây của tôi rất thèm được như vậy. Theo họ, tỷ lệ người cao tuổi tự tử ở nước họ cao vì người già ở một mình cảm thấy cô đơn khủng khiếp, mặc dù vật chất đầy đủ. Tiếc thay, truyền thống ông bà ở với gia đình con ở ta mất dần do đạo đức xuống cấp qua mấy chục năm chiến tranh, cải cách ruộng đất, chủ nghĩa cá nhân và văn hóa đồng tiền cùng chủ nghĩa tiêu thụ của phương Tây tràn vào. Ngay ở nông thôn một số ông bà cũng muốn ở riêng, phần do thiếu thốn về kinh tế, chỗ ở, phần do mất gốc truyền thống. Cần khôi phục nếp sống ông bà ở với gia đình một người con, nhưng cải tiến đi cho hợp nếp sống hiện đại: có thể sống với gia đình một con trai hay một con gái (không phân biệt nam nữ) hoặc sống luân phiên trong gia đình con cái tương đồng với nhau các chi tiết về đời sống hàng ngày, tôn trọng quyền lợi và sở thích từng cá nhân (không có phụ quyền, biết kính nể người trên và mến thương người dưới, bớt cái “tôi” của mình đi để chịu đựng cái tôi của người khác, ông bà tự nguyện giúp đỡ chứ không phải là người ở). Làm được như vậy thì người già sống có ý nghĩa hơn, không cô đơn và sẽ sống lâu hơn - không chịu bơ vơ tủi nhục như một số cụ Việt kiều ở Mỹ tâm sự.

Ở Mỹ, cái mà ngày xưa chúng ta mơ ước là câu “vui thú điền viên” với con cháu lúc về già không có. Con cái thì đầu tắt mặt tối cả ngày. Các cháu nội ngoại thì mê máy tính hơn là thích vuốt râu cho ông hay nhổ tóc bạc cho bà... Niềm vui ngày càng nhỏ lại, nỗi cô đơn ngày càng lớn... Một anh bạn đã nói giễu với tôi: “Cuối cùng thì chỉ còn lại hai ông bà già chơi với nhau, rồi nếu một trong hai người ra đi, thì người kia “chơi” một mình”

(Trần Văn An - người Việt ở Mỹ, 2002).