📞

Lạm phát, khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo

Thục Phương 15:40 | 10/07/2022
Tình trạng lạm phát và khủng hoảng lương thực ở Trung Đông Bắc Phi đã tác động trực tiếp đến lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, bắt đầu diễn ra từ ngày 9/7.
Những người Hồi giáo cầu nguyện dịp lễ Eid al-Adha ở Jerusalem, ngày 9/7. (Nguồn: AP)

Theo truyền thống, trong dịp lễ Eid al-Adha, các gia đình Hồi giáo sẽ thực hiện nghi lễ hiến tế gia súc, thường là cừu hoặc bò. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu không ngừng tăng, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine đến các nước phụ thuộc nhập khẩu và nguồn cung lúa mì từ Ukraine, nhiều hộ gia đình đã phải thắt chặt chi tiêu trong đợt lễ này.

Tại Tunisia, lạm phát tăng lên 8,1%, mức cao nhất kể từ tháng 10/1991 khiến người dân giảm tối đa tiêu dùng xuống mức cơ bản nhất. Thay vì mỗi nhà mua riêng 1 con cừu, năm nay, nhiều hộ gia đình tại quốc gia Bắc Phi cùng góp tiền mua một con để vừa có không khí nghỉ lễ vừa tiết kiệm tiền.

Liban, vốn đang đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ trước tới nay khi đồng nội tệ mất giá thảm hại, ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình, lễ Eid al-Adha năm nay cũng được tổ chức với phương châm "thắt lưng buộc bụng".

Rất nhiều người phải cắt giảm cả khoản tiền mua các loại mứt, kẹo Arab truyền thống để đón tiếp khách đến chơi. Hassan al-Saghir, người bán hàng tại cửa hàng Ghazi Hallab nổi tiếng ở Beirut, cho biết nhu cầu các loại mứt kẹo giảm hơn 50% so với năm ngoái. Khách hàng thường gọi đến để hỏi giá thay vì đến thẳng cửa hàng mua như mọi khi.

Giá một loại bánh truyền thống thường được dùng trong dịp lễ Eid al-Adha hằng năm đã tăng gần 10 lần, từ 35.000 bảng Liban lên 320.000 bảng Liban.

Ở Bờ Tây, giá gia súc làm đồ hiến tế tăng vọt do chi phí mua cỏ khô đắt đỏ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng tại Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Các chợ gia súc ở Dải Gaza hầu như không có khách đến mua hàng.

Trong khi đó, hàng nghìn người chăn nuôi gia súc ở các quốc gia trên còn phải đối mặt với những thách thức tồi tệ hơn khi chi phí chăn nuôi đắt đỏ nhưng lại không bán được hàng hoặc bán với mức lãi không đáng kể. Thông thường, trong dịp lễ này, những gia đình giàu có ở Ai Cập cũng mua đồ hiến tế và phân phát cho những gia đình thu nhập thấp, bạn bè và người quen.

Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ trở nên eo hẹp hơn do ảnh hưởng của lạm phát khi quốc gia Bắc Phi đã ghi nhận lạm phát tăng lên mức 15,3% trong tháng 5, cao gần gấp 3 lần mức lạm phát cùng kỳ năm ngoái. Theo Phòng Thương mại Ai Cập, trung bình giá cả các gia súc hiến tế năm 2022 tăng 30% so với năm ngoái.

(theo AP)