📞

Lạm phát tại Ukraine sẽ leo lên đỉnh 8 năm, LHQ 'dốc sức' tìm lối ra cho phân bón Nga

Việt An 15:44 | 14/09/2022
Ngày 13/9, Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Ukraine Denys Shmyhal cho biết, lạm phát tại nước này có thể tăng lên 30% vào năm 2023, mức cao nhất trong 8 năm.
Lạm phát của Ukraine có thể tăng lên 30% trong năm 2023. Trong ảnh: Một khu chợ thực phẩm tại Lviv (Ukraine). (Nguồn: NYT)

Phát biểu trên được đưa ra khi ông Shmyhal trình bày dự thảo ngân sách liên quan đến căng thẳng với Nga, trong đó, ông Shmyhal cho hay khoảng 1.140 tỷ Hryvnias (31,23 tỷ USD), tương đương gần 50% ngân sách năm 2023, sẽ được chuyển sang lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng đã đưa ra bình luận tương tự hôm 7/9.

Dự thảo ngân sách của chính phủ Ukraine dự toán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở mức 4,6%, với lạm phát lên tới 30% và là mức cao nhất kể từ năm 2015, thời điểm lạm phát ở mức trung bình 48,7%.

Ông Shmyhal cho biết thêm, khoảng 35% trong ngân sách dự thảo trên sẽ được chi cho các chương trình xã hội như hưu trí, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp, chi trả cho những người phải xa xứ cũng như chi cho thuốc men và giáo dục.

Cùng ngày, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan cho hay, Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực để hạn chế tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu amoniac của Nga, một nguyên liệu chính sản xuất phân bón.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, bà Grynspan nêu rõ: "LHQ đang theo đuổi mọi nỗ lực để cho kết quả tích cực đối với xuất khẩu amoniac của Nga ra thị trường quốc tế".

LHQ đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Nga nói rằng, xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này vấp phải những cản trở từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine.

Theo Trung tâm điều phối chung đặt trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), 129 tàu chở tổng cộng 2,8 triệu tấn ngũ cốc đã rời các cảng ở Ukraine kể từ khi một thỏa thuận do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, được Nga và Ukraine ký hồi tháng 7/2022.

Các đợt xuất khẩu này đã giúp hạ nhiệt giá ngũ cốc và làm dịu lo ngại về một khủng hoảng lương thực toàn cầu, bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hai nguồn cung ngũ cốc chủ chốt trên thế giới.

Tuy nhiên, phía Moscow thông báo, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của riêng nước này tiếp tục bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây không nhằm trực tiếp vào các nông sản. Theo bà Grynspan, LHQ đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này.

(theo Reuters, AFP)