📞

Làm sao nuôi dưỡng tình yêu đọc sách ở trẻ?

18:00 | 06/12/2016
Làm sao để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho con? Làm cách nào để khơi dậy lại tình yêu sách cho chính cô giáo và phụ huynh để truyền lửa cho trẻ?

Đó là trăn trở của các diễn giả cũng như của các bậc phụ huynh tại tọa đàm “Khơi dậy tình yêu với sách và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con” trong ngày hội trẻ cần sách diễn ra tại Hà Nội (3/12).

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thúy Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trăng đỏ - nhận định, trong những năm gần đây tại Việt Nam đang có xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và “phai nhạt” thói quen đọc sách. Trẻ em đang đọc ít hơn 5 cuốn sách mỗi năm. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, trung bình một đứa trẻ chỉ được đọc từ 2 đến 8 cuốn sách trong một năm.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Quân)

Làm sao để tạo hứng thú đọc sách cho con?

Trước câu hỏi: “Làm thế nào để gây dựng được hứng thú đọc sách cho con?”, diễn giả Phan Hồ Điệp (giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam) chia sẻ, cha mẹ đừng ép trẻ phải đọc sách này, sách kia mà hãy gieo tình yêu sách cho con một cách tự nhiên nhất. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con, hãy biến góc đọc sách trong gia đình trở thành nơi thư giãn nhất. Cũng theo chị Điệp, đọc sách giúp cho trẻ có tinh thần lành mạnh hơn.

Tương tự, khi nói về tầm quan trọng của việc đọc sách, nhà báo Phạm Thị Hoài Anh, tác giả của hai cuốn sách “Trái tim của mẹ”, “Mỗi ngày 15 phút yêu con” chia sẻ: “Đối với tôi, việc đọc sách cho con đơn giản cũng giống như việc các con cần phải ăn, phải uống, phải ngủ, phải chơi hàng ngày vậy”.

Nhà báo Phạm Thị Hoài Anh luôn tin rằng mỗi cuốn sách đều đem lại cho bố mẹ và các bạn nhỏ một điều kỳ diệu. Mỗi trẻ có một tính cách khác nhau, có mối quan tâm khác nhau. Vậy nên dù con thích hay không thích đọc sách thì cha mẹ hãy cứ kiên trì thói quen đó cho con mỗi ngày. Chỉ cần con tập trung một đến ba phút thôi cũng là thành công rồi. Đọc sách không chỉ xuất phát từ niềm yêu thích của bản thân đứa trẻ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc hỗ trợ của bố mẹ.

Cũng tại tọa đàm, bà Trịnh Thị Xim (Chủ nhiệm khoa Quản lý Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương), một người cũng tâm huyết với việc xây dựng môi trường học tập chất lượng cao cho trẻ mầm non nhận định, văn hóa đọc của người Việt Nam nói chung, đối với trẻ nói riêng có rất nhiều vấn đề cần phải bàn đến.

Để gieo tình yêu đọc sách cho trẻ, theo bà Xim cần có sự đồng hành đặc biệt ở phía các nhà quản lý, từ cấp cao nhất, cấp trung gian đến các cấp mầm non. Cùng với đó là sự đồng hành của các vị phụ huynh. "Nếu không có sự đồng hành này thì chắc chắn tình yêu với sách khó hình thành ở các con" - bà Xim nói.

Phụ huynh và trẻ được trải nghiệm trong các trò chơi tại ngày hội  trẻ cần sách. (Ảnh: Phạm Quân)

“Hãy dành cho con 10 phút mỗi ngày”

Tại tọa đàm có không ít giáo viên trăn trở với việc làm sao để truyền tình yêu cho con về sách khi mà có ít nhất 50% ông bố bà mẹ trẻ bận rộn với công việc, iphone và công nghệ cao?

Chị Phan Hồ Điệp cho rằng, thực tế thời gian các bậc cha mẹ dành cho con đang ngày càng bị thu hẹp dần nhưng làm sao để cha mẹ rời công nghệ ra, dành thời gian đọc sách rồi truyền cảm hứng cho con thật sự rất khó. Chị cũng mong muốn các cô giáo nên có sự kết nối với phụ huynh và khuyến khích các gia đình có sự tương tác để nối dài mối liên kết giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh để các con yêu thích sách hơn.

Bên cạnh đó, đứng trước câu hỏi “dưới góc độ là một nhà giáo dục mầm non, làm sao để có thể hình thành cho trẻ thói quen đọc sách ngay từ đầu?”, bà Trịnh Thị Xim nhận định, để các con thích đọc sách, đầu tiên phải tạo môi trường thân thiện, gần gũi với trẻ trước đã.

Theo bà Xim thì thái độ của giáo viên rất quan trọng. Nếu cô yêu thích sách, trân trọng và nâng niu từng cuốn sách thì chắc chắn sẽ thổi hồn vào các con. Thứ hai là không gian đọc sách cũng phải có tính nghệ thuật từ ánh sáng cho đến trang thiết bị. Thứ ba, việc lựa chọn sách cực kỳ quan trọng, có những sách, nhiều câu chuyện kể có thể biến thành chương trình để dạy cho trẻ ở trong lớp. Căn cứ vào từng độ tuổi để có thể lựa chọn sách cho trẻ sao cho phù hợp. Thứ tư là sự đồng hành của giáo viên trong lớp với trẻ cực kỳ quan trọng. Thực tế, trong nhiều vai trò, làm sao để giáo viên mầm non có thời gian đầu tư đọc sách cho các con cũng là rào cản rất lớn.

Không chỉ vậy, khi phản ánh thực trạng bộn bề của cha mẹ, bà Xim đặt câu hỏi liệu rằng mỗi người có dành đúng nghĩa 10 phút cho con mỗi ngày hay không? Cha mẹ có chia sẻ cùng con, có biết con đang cần gì không? Những điều con cần các bậc cha mẹ có đáp ứng được không? Có đồng hành cùng con không?

Để giúp trẻ cảm thấy tự tin, thích thú và khám phá được nhiều điều mới lạ trong cuốn sách, quan trọng là phương pháp làm cho trẻ quen với sách, dạy cho trẻ tiếp cận với sách. Bên cạnh sự đồng hành, trẻ cũng cần được động viên, khen ngợi từ cô giáo cũng như mẹ cha. Đó là động lực thôi thúc trẻ thích sách, có thể khám phá từ sách.

“Với những bà mẹ đã nỗ lực và cố gắng đọc sách cùng con chắc chắn sẽ thu được thành quả rất ngọt ngào. Có thể con bạn không phải giỏi nhất, không phải xuất sắc nhất nhưng nó sẽ là đứa trẻ hạnh phúc nhất. Mà mục tiêu trong cuộc đời mỗi con người đó là hạnh phúc, như vậy là bạn đã thành công rồi” - Diễn giả Phan Hồ Điệp nhắn nhủ.

Ngày hội trẻ cần sách – Kids Need Books Festival Season là sự kiện đồng tổ chức bởi thư viện Kids Need Books và trường Mầm non Trăng Đỏ. Sự kiện này được tài trợ bởi quỹ sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á – YSEALI do Tổng thống Barack Obama sáng lập.

Sự kiện với chủ đề “Khám phá vương quốc sách” nhằm thúc đẩy văn hóa đọc sách cho trẻ em thông qua những hoạt động thú vị, giúp trẻ và phụ huynh tận hưởng trọn vẹn không gian sách tiếng Anh độc đáo giữa lòng Hà Nội.

Ngày hội còn được trang trí độc đáo với chủ đề các vị thần: Zeus, Athena, Aphrodite, Apollo và Hades. Mỗi người sẽ cai quản từng hoạt động trong ngày hội và mang đến cho trẻ những câu chuyện hấp dẫn đằng sau.