Tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam. |
Bị xâm hại - trẻ thường có hành vi tiêu cực
Hiện nay, các phương tiện truyền thông đang dồn sự tập trung vào việc giáo dục cộng đồng tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hoặc cung cấp các kiến thức về việc nhận diện, phát hiện sớm và phòng ngừa vấn đề xâm hại tình dục. Dường như dư luận đang thiếu sự chú ý cần thiết đến việc chữa lành các vết thương của những nạn nhân là trẻ bị xâm hại tình dục.
Chẳng hạn, một trong những vấn đề mà nạn nhân bị xâm hại tình dục thường gặp, đó là những ký ức kinh hoàng hiện về trong những cơn ác mộng. Nhiều trường hợp, cha mẹ chỉ nghi ngờ và phát hiện ra việc con bị xâm hại qua những cơn ác mộng này.
Nạn nhân của xâm hại tình dục chịu nhiều hậu quả cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh những tổn thương về thể chất, trẻ có thể bị rối loạn, stress nặng nề sau sang chấn.
Nghiên cứu cũng cho thấy nạn nhân của xâm hại thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận. Các em tự đổ lỗi, dằn vặt bản thân. Đáng sợ hơn, các em mất niềm tin vào người khác, tự vo tròn, thu mình lại trước các mối quan hệ xã hội. Về lâu dài, các em có nguy cơ phát triển các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn trong đời sống tình dục khi trưởng thành.
Thường thì trẻ đã từng bị xâm hại có hành vi tiêu cực như tự hủy hoại như cắt tay, tự hành xác và tự tử nhiều hơn. Đáng sợ hơn, những người đã từng bị lạm dụng có nguy cơ trở thành tội phạm lạm dụng những đứa trẻ khác trong tương lai. Con cái của họ cũng thường có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn những nhóm trẻ khác.
Nhớ lại lời tâm sự của chị T trong vụ việc xâm hại tình dục đau lòng tại Vũng Tàu. Chị T nói đã chứng kiến thấy con gái cứ khoảng 2 giờ sáng là lại mơ ngủ, nói những câu nói vô nghĩa và sợ sệt. Trong trạng thái vô thức của giấc mơ ấy, cháu tự cởi quần ra và cấu nhéo vào người. Người mẹ ấy đã cố đánh thức cháu dậy và hỏi vì sao, nhưng phải tới khi có chút nước lạnh rớt vô mặt, thì cháu mới thoát khỏi ác mộng. Nhưng bé vẫn không nói gì với mẹ, chỉ bắt mẹ nắm tay thật chặt rồi mới ngủ tiếp…
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ bị xâm hại tình dục có đến 90% sẽ gặp ác mộng thời gian sau đó. Những cơn ác mộng rất đáng sợ vì chúng diễn ra như thật trong khi chúng ta ngủ. Cơn ác mộng thường làm trẻ tỉnh dậy giữa đêm và không dám ngủ lại. Ác mộng dần dần bào mòn sức khỏe thể chất và khả năng chịu đựng về mặt tinh thần của trẻ cũng như các thành viên khác trong gia đình. Giúp trẻ đương đầu với những cơn ác mộng sẽ là cách thức để hạn chế những tác động tiêu cực do bị xâm hại gây ra.
Có thể nói, cách tốt nhất để chống lại các cơn ác mộng là loại bỏ chúng ra khỏi tâm trí của mình khi thức, lúc mà các em có thể nhận biết là những hình ảnh trong mơ không thể làm hại các em. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng nếu ban ngày những giấc mơ được chia sẻ một cách cởi mở thì chúng sẽ xuất hiện ngày càng ít hơn mỗi khi đêm về.
Vào vai nhà tâm lý
Để loại bỏ những cơn ác mộng, một cách thức hiệu quả là cùng với trẻ vẽ và chia sẻ. Đầu tiên, cha hoặc mẹ có thể nói: "Bây giờ con cùng mẹ sẽ vẽ về cơn ác mộng của con nhé". Không cần vẽ đẹp, đúng hay quá chi tiết. Chỉ cần có chất liệu để con biết đó là giấc mơ sợ hãi của con. Sau khi cùng trẻ vẽ xong, cha mẹ có thể tiếp tục: "Con rất dũng cảm khi hoàn thành được bức vẽ. Bây giờ chúng ta sẽ nói về các bức vẽ này nhé. Con muốn bắt đầu từ đâu?".
Động viên trẻ rằng con đã làm rất tốt khi kể ra giấc mơ mà con sợ hãi với cha mẹ, điều này rất khó nhưng con đã làm được một việc có ích. Kể lại giấc mơ sợ hãi giống như lau rửa một vết thương. Vết thương không được lau rửa chắc chắn sẽ nhiễm trùng và hoại tử. Trong khi "lau rửa vết thương lòng" cho con có thể lúc đầu rất đau hoặc ghê sợ nhưng sẽ giúp vết thương lành nhanh hơn từng ngày. Khi lau rửa vết thương hay khi kể lại giấc mơ, sẽ chỉ rất đau nếu chúng ta thao tác quá mạnh. Vì vậy, để con kể đến mức giới hạn con cảm thấy chịu được.
Tiếp theo, một trong những việc chúng ta muốn con làm là sẽ lặp lại những chia sẻ này không chỉ với bố mẹ mà với cả những người khác con yêu thương hoặc những người có ý nghĩa với con trong và ngoài gia đình. Con hãy kể với họ về giấc mơ này càng chi tiết càng tốt. Nhớ là con càng viết hoặc càng nói về giấc mơ vào ban ngày nhiều bao nhiêu thì khả năng giấc mơ đó tái hiện về ban đêm càng ít đi bấy nhiêu. Trong khi kể, nếu con cảm thấy khó chịu, có thể dừng lại và thư giãn cho đến khi có thể tiếp tục được.
Ngoài ra, hãy hỏi con có muốn thay đổi giấc mơ của mình không? Con có thể tưởng tượng giấc mơ chỉ như một bộ phim còn mình như một đạo diễn tài ba. Con có thể biên tập và biến đổi các hình ảnh trong bộ phim đáng sợ này. Hãy nghĩ về các tình huống trong giấc mơ mà con muốn thay đổi. Con có thể nghĩ đến một kết cục khác.
Con có thể viết tiếp câu chuyện đến một khoảng thời gian khác trong tương lai. Hãy nghĩ về tất cả những điều con muốn làm vì trong giấc mơ này vì con đang được làm đạo diễn.
Nói cho con biết rằng, thậm chí con có thể tạo cho mình một sức mạnh mầu nhiệm, có thể đưa những người trợ giúp đặc biệt hay một nhân vật anh hùng trong tưởng tượng của con xuất hiện trong giấc mơ có thể thay đổi mọi chuyện.
Sau khi đã có chi tiết về kết cục mới, chúng ta sẽ cùng con vẽ lại kết cục này. Trước khi đi ngủ, con sẽ nhẩm lại giấc mơ và kết cục mới được thêm vào. Tự nhủ với mình nếu hôm nay cơn ác mộng trở lại, con sẽ mơ theo kết cục mới.
Với vị trí quan trọng bậc nhất của mình trong con mắt của trẻ, cha mẹ là người phù hợp nhất để hướng dẫn trẻ đương đầu với những cơn ác mộng theo cách thức trên. Với lòng yêu thương và sự kiên trì, cha mẹ sẽ sớm giúp các em cân bằng trở lại sau sang chấn tâm lý.