Khán giả Việt nhầm lẫn về hai chữ "bom tấn"
Rõ ràng là như vậy, vì hầu như phim nào cũng được rất nhiều báo chí và khán giả gọi là phim bom tấn, bất kể phim Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc, dù là phim tình cảm hay kinh dị cũng mặc. Để rồi sau đó lại than vắn thở dài là bom tấn gì như bom xịt, kỹ xảo dở, nội dung chắc chỉ dài 1 trang giấy... Nhưng có đúng là Hollywood đang bị bội thực bom tấn đến như thế không?
Titanic tốn hết 200 triệu đôla chi phí gây nên một cơn choáng cực độ cho dân tình |
Nói một cách đơn giản, phim bom tấn (blockbuster) là phim giải trí hoàn toàn (bạn đừng mong ở đây có triết lý cao sang hoặc những cốt truyện bí hiểm ban đầu), có chi phí đầu tư lớn (bao gồm diễn viên + đạo diễn nổi tiếng, kỹ xảo hoành tráng, có chiến dịch quảng bá rầm rộ từ khi phim mới quay) và cuối cùng phải có doanh thu cao, thu hút được lượng người xem lớn.
Chỉ bao gồm ba tiêu chí cơ bản vậy thôi, nhưng các tiêu chí này luôn thay đổi theo thời gian, và đặc biệt nữa: đôi khi chỉ cần đạt được một hoặc hai yếu tố này cũng được coi là phi bom tấn rồi.
Ví dụ dễ thấy nhất, những tiêu chí dính dáng đến tiền bạc như chi phí đầu tư hoặc chỉ tiêu doanh thu đã thay đổi rất nhanh. Khoảng những năm 1975, một phim thu được 100 triệu đôla đã được coi là bom tấn, còn bây giờ phải 200 triệu đô mới đứng vào hàng ngũ này.
Cũng như cách đây 10 năm, Titanic tốn hết 200 triệu đôla chi phí gây nên một cơn choáng cực độ cho dân tình, thì bây giờ con số đó cũng thường thôi. Thậm chí một phim tình cảm hài cũng đã ngốn hết 100 triệu đô, nên nếu giữ nguyên tiêu chuẩn cũ chắc có tới phân nửa số phim sản xuất hàng năm ở Hollywood thành bom tấn.
The Blair Witch Project phim nghiệp dư đầu tiên vượt qua mốc 100 triệu đô | The Rugrats Movie - phim hoạt hình đầu tiên không phải của Disney mà thu được hơn 100 triệu đôla |
Những bộ phim đầu tư ít, chẳng có kỹ xảo, diễn viên lạ hoắc vẫn có thể được coi là phim bom tấn xét theo doanh thu và những kỷ lục nó lập được.
Ví dụ như phim The Rugrats Movie (phim hoạt hình đầu tiên không phải của Disney mà thu được hơn 100 triệu đôla), The Blair Witch Project (phim nghiệp dư đầu tiên vượt qua mốc 100 triệu đô), Crouching Tiger, Hidden Dragon (phim không nói tiếng Anh đầu tiên chễm chệ nhiều tuần trên bảng xếp hạng phim ăn khách), Fahrenheit 9/11 (thắng lợi bất ngờ của phim tài liệu...) cũng đều được coi là bom tấn nhờ hoàn thành được chỉ tiêu "100 triệu" đi kèm "lần đầu tiên".
Rồi hai serie The Lord of The Rings hoặc Pirates of Caribean (Cướp biển vùng Caribê) đều không phải bom tấn ngay từ khi sinh ra, hoặc chí ít là lúc đầu, chẳng ai ngờ đây sẽ là bom hạng nặng. The Lord of The Rings rõ ràng không đạt tiêu chí diễn viên + đạo diễn nổi tiếng, cho dù kinh phí lớn và phải sau khi chiếu thì mới được lên hạng nhờ doanh thu khổng lồ.
Cướp biển vùng Caribê cũng vậy, khi làm phần 1 chắc chắn Disney không ngờ đây là một bom tấn cỡ bự, nên cũng chẳng tạo cái kết mở cho phần 2 bắt đầu.
The Lord of The Rings dù kinh phí lớn và phải sau khi chiếu thì mới được lên hạng nhờ doanh thu khổng lồ |
Thêm một điểm nữa, bom tấn thường chỉ xuất hiện ở hai thời điểm đẹp nhất của năm: mùa phim hè và mùa phim Giáng sinh, được phát hành cùng thời điểm trên một mạng lưới rạp khổng lồ để tạo tiếng vang.
Do đó, những phim nằm ngoài thời điểm này, dù có đầu tư nhiều và nhân có sự nổi tiếng cũng chỉ được coi là phim lớn. Chẳng hạn như phim 100.000 BC, rồi Jumper hay Vua kungfu đều không được Hollywood coi là phim bom tấn, vì chưa đủ những tiêu chí nêu trên, chỉ có người mình tưởng vậy mà thôi.
Cuộc chạy đua mới của dòng phim bom tấn
Cái thời Hollywood vung tiền không tiếc cho bom càng to càng tốt mà quên đầu tư cho lượng thuốc nổ bên trong đã qua rồi. Giờ đây, các nhà sản xuất cũng như đạo diễn đang cố gắng tạo ra những quả bom không tốn quá nhiều tiền, không quá hào nhoáng nhưng sức công phá lại mạnh hơn gấp nhiều lần. Đó chính là đầu tư cho nội dung phải ngang bằng hoặc nhiều hơn kỹ xảo.
Có khá nhiều lý do cho sự chuyển mình này. Đầu tiên chính vì trình độ kỹ xảo của Hollywood gần như đã đến một giới hạn bão hòa, khó thêm đột phá. Khán giả no mắt với những màn cháy nổ, những siêu nhân tài nghệ đầy người, những robot biến hình trong chớp mắt, những khung cảnh hùng vĩ, những nhân vật ảo mà sống động như thật...
Cảnh trong phim Người nhện | Cảnh trong phim Dị nhân |
Đâm ra nếu chỉ trông chờ một bom tấn riêng về kỹ xảo, e rằng Hollywood đang hết chiêu mới. Thêm nữa, bởi có quá nhiều bom tấn lạm dụng kỹ xảo nên khán giả cũng ít hào hứng. Do đó đẩy mạnh nội dung là điều tất yếu.
Người nhện 2 chính là minh chứng rõ ràng cho bước chuyển dịch này khi gây ấn tượng mạnh cho mọi người không phải vì người nhện bay quá đẹp mà nhờ câu chuyện dung dị. Tập phim này xây dựng nên một siêu nhân cũng bình thường, có thất bại trong học tập, có thất vọng trong tình yêu... chứ không phải anh hùng trăm trận trăm thắng.
Dị nhân 3 cũng trở thành tập phim được đánh giá cao nhất của series phim này nhờ đi sâu đi sát vào nội tâm của từng nhân vật, cho thấy những người đột biến đã khổ sở ra sao với những khả năng đặc biệt, họ cô đơn thế nào, đau đớn nhường nào khi phải tiêu diệt lẫn nhau...
Xét cho cùng, nội dung vẫn là điều quan trọng nhất của bộ phim, dù là bom tấn hay không. Và Hollywood đang cố gắng để phim bom tấn lấy được sức hút như ngày xưa.
Theo Sinh Viên Việt Nam