📞

Lần đầu tiên, cơ quan dân quyền của Bộ Tư pháp Mỹ có lãnh đạo là phụ nữ gốc Phi

An Chu 08:01 | 26/05/2021
Ngày 25/5, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận bà Kristen Clarke là người đứng đầu bộ phận dân quyền của Bộ Tư pháp trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 51 phiếu thuận và 48 phiếu chống.
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận bà Kristen Clarke (ảnh) là người đứng đầu bộ phận dân quyền của Bộ Tư pháp. (Nguồn: Getty Images)

Thượng nghị sĩ bang Maine Susan Collins là thành viên đảng Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu thuận.

Bà Clarke sẽ là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo cơ quan có ảnh hưởng của Bộ Tư pháp và sẽ giữ vai trò Trợ lý Bộ trưởng về quyền công dân.

Nhiệm vụ của bộ phận dân quyền bao gồm điều tra các cơ quan thực thi pháp luật địa phương và giải quyết các hạn chế về quyền bỏ phiếu của các bang trên toàn nước Mỹ.

Việc xác nhận được tổ chức vào dịp kỷ niệm một năm ngày người đàn ông gốc Phi George Floyd bị ghì cổ đến chết bởi cựu cảnh sát thành phố Minneapolis Derek Chauvin, người đã bị kết án vào tháng 4/2021.

Đảng Cộng hòa phản đối việc đề cử bà Clarke, cho rằng, bà là người có quan điểm chống cảnh sát và cấp tiến, trong khi đảng Dân chủ bác bỏ những lập luận này.

Việc đề cử đối với bà Clarke tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện ở mức cân bằng tới tỷ lệ 11-11, song điều này không ngăn cản đề cử đối với bà được đưa ra toàn thể Thượng viện.

Trong phiên điều trần xác nhận vào tháng 4/2021, bà Clarke đã nói rằng, không ủng hộ việc làm xấu hình ảnh của lực lượng cảnh sát.

Bà cũng nhấn mạnh sự ủng hộ việc tìm kiếm các chiến lược để đảm bảo cơ quan thực thi pháp luật có thể thực hiện công việc một cách an toàn và hiệu quả hơn, đồng thời phân bổ nguồn lực để điều trị sức khỏe tinh thần và các lĩnh vực thiếu nguồn lực nghiêm trọng khác.

Cho đến khi được đề cử vào vị trí cấp cao của Bộ Tư pháp, bà Clarke là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ủy ban Luật sư về quyền công dân. Trong vai trò trên, bà ủng hộ trung thành cho Đạo luật John Lewis về thúc đẩy quyền bầu cử.

Cuộc chiến giành đề cử của bà Clarke có nhiều điểm giống so với việc xác nhận của nữ luật sư Vanita Gupta cho vị trí "số 3" tại Bộ Tư pháp Mỹ. Hai người phụ nữ này đều nhận được sự hậu thuẫn của các nhóm thực thi pháp luật, ngay cả khi các nhà lập pháp bảo thủ cho rằng, những nhân vật này có quan điểm chống cảnh sát.

(theo NBC News)