TIN LIÊN QUAN | |
Kinh tế Nga có dấu hiệu cải thiện | |
Iran sẽ bán cho Nga 40 tấn nước nặng |
Ngày 8/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliev và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tiến hành cuộc gặp ba bên tại Baku (Azerbaijan) để thảo luận sâu rộng nhiều vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, tình hình Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố và buôn bán ma túy, hoạch định phương hướng hợp tác kinh tế.
Sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này đã được Tổng thống Aliev đưa ra trong cuộc điện đàm vào tháng 2/2016 với ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliev và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Sputnik) |
Cuộc gặp đặc biệt quan trọng
Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov nhấn mạnh rằng đây là cuộc gặp ba bên đầu tiên ở cấp lãnh đạo cấp cao và những sự kiện như thế này là điều rất cần thiết. Theo ông Ukhakov, cả ba nước đều đang phải đối mặt với những vấn đề giống nhau trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và chống khủng bố. Giới chuyên gia cho rằng cuộc gặp này sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ ba bên.
Chuyên gia Boris Dolgov thuộc Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo và Arab, thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, nhận định cuộc gặp này là rất quan trọng đối với quan hệ Nga, Iran và Azerbaijan. Mối quan hệ giữa “bộ ba” này đã phát triển rất năng động trong những năm gần đây.
Ông nói: “Hội nghị đặc biệt quan trọng với Iran, bởi họ là đối tác gần gũi của Nga trên phương diện kinh tế, và lại có sự gần gũi đáng kể về mặt chính trị, nhất là do sự liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria, nơi Iran là đồng minh của Nga. Còn Azerbaijan cũng là đối tác của Nga nhưng vẫn tồn tại một loạt vấn đề cần phải được làm rõ”.
Cuộc gặp ba bên Nga-Azerbaijan-Iran ngày 8/8 được thế giới quan tâm do tính chất quan trọng của mối quan hệ ba nước. (Nguồn: Youtube) |
Ông Dolgov cho rằng trong cuộc gặp lần này, các nhà lãnh đạo sẽ đề cập đến việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế và nhiều "điểm nóng" chính trị, như tình hình Trung Đông, hay bối cảnh ngày càng trở nên phức tạp tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với ý kiến cho rằng tình hình tại Trung Đông và Afghanistan chắc chắn sẽ là trung tâm của sự chú ý trong hội nghị thượng đỉnh này. Đây được cho là hai điểm bất ổn lớn, là “cái nôi” nảy sinh mối đe dọa nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên biên giới.
Bốn vấn đề lớn
Trước thềm cuộc gặp, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết, Nga đã đề xuất với Iran và Azerbaijan đẩy mạnh trao đổi thông tin về các tổ chức khủng bố quốc tế.
Ông Ushakov dẫn lời Tổng thống Putin khẳng định Nga, Iran và Azerbaijan có triển vọng khá tốt để đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố và buôn bán ma túy trong khuôn khổ ba bên. Tổng thống Putin nói: “Azerbaijan và Nga đã phối hợp hành động trong khuôn khổ Trung tâm chống khủng bố của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), cũng như trên cơ sở song phương. Ngoài ra, Moscow có nhiều điểm tương đồng với Iran về nhiều vấn đề then chốt nên có thể đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải”.
Ba nước hứa hẹn sẽ có những phối hợp cần thiết trong công tác chống khủng bố. (Nguồn: Russia Direct) |
Việc xác định quy chế pháp lý cho vùng biển Caspi đã trở thành vấn đề thời sự kể từ sau khi Liên bang Soviet sụp đổ, và sau đó xuất hiện những chủ thể mới của luật pháp quốc tế là những quốc gia như Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenia, làm nảy sinh vấn đề phân định ranh giới biển Caspi giữa 5 quốc gia. Sự phức tạp trong quá trình xác định quy chế vùng Caspi liên quan đến việc công nhận Caspi là hồ hay biển, cũng như việc phân định ranh giới bị chi phối bởi nhiều nội dung trong luật quốc tế. |
Có nguồn tin cho biết trong cuộc gặp này Moscow cũng dự định đề xuất đẩy mạnh đối thoại ba bên về vấn đề vùng biển Caspi.
Theo chuyên gia Sotnikov, Nga, Iran, và Azerbaijan là những quốc gia giáp biển Caspi cùng với Kazakhstan và Turkmenistan, và có nhiều vấn đề khúc mắc liên quan đến vùng này. Điều này đòi hỏi các bên phải tiến hành thảo luận bởi tiến trình thông qua văn kiện chung về vùng biển Caspi thời gian gần đây đã có sự chậm trễ đáng kể.
Tổng thống Nga Putin gần đây tuyên bố rằng Nga không áp đặt Armenia và Azerbaijan cách giải quyết vấn đề Nagorno- Karabakh, và Moscow sẵn sàng ủng hộ bất cứ phương án nào mà các bên xung đột đưa ra.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn nhà nước Azerbaijan trước thềm chuyến thăm nước này, ông Putin nhấn mạnh: "Các bên liên quan cần phải tự đạt được thỏa thuận mà không có áp lực từ bên ngoài, cần tìm ra những giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận được. Đó là lập trường kiên định của Moscow". Nhà lãnh đạo Nga cho rằng việc đạt được thỏa hiệp đồng nghĩa với việc "tìm được sự cân bằng tối ưu giữa những nguyên tắc đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các dân tộc".
Trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev trước thềm hội nghị, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga mong muốn Armenia và Azerbaijan đạt được giải pháp mang tính thỏa hiệp và hai bên đều chấp nhận được trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Moscow cũng hy vọng cả Baku và Yerevan đều nhận thấy rằng hai bên giải quyết vấn đề phức tạp này vì lợi ích của những thế hệ hiện nay và tương lai.
Vấn đề Nagorno-Karabakh cũng là một "điểm nóng" cần phải tìm cách giải quyết trong quan hệ ba nước. (Nguồn: The Conversation) |
Về vấn đề Nagorno-Karabakh, chuyên gia Vladimir Sotnikov thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế tin tưởng rằng Nga và Iran đã sẵn sàng trở thành nước trung gian giải quyết cuộc xung đột nhạy cảm này. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề phức tạp, song Nga và Iran sẽ nỗ lực để tháo gỡ mâu thuẫn và tránh đối đầu bùng phát thành đụng độ vũ trang nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tại cuộc gặp riêng với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước thềm hội nghị, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh sự tiến bộ trong quan hệ Nga-Iran ở tất cả các lĩnh vực.
Theo ông Putin, hiện nay Nga và Iran đã xây dựng được một con đường không nhỏ trong việc phát triển quan hệ song phương, mối quan hệ thân thiết Moscow-Tehran mang tính đa kế hoạch và đang được tăng cường, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tiếp xúc chính trị và lĩnh vực nhân đạo.
Về phần mình, Tổng thống Iran Rouhani cho biết Iran chưa bao giờ quên vai trò tích cực của Nga trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân của Iran, cũng như vai trò cá nhân của Moscow trong việc thực hiện thỏa thuận này.
Theo Tổng thống Azerbaijan tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước tham gia có thể sẽ tạo được những bước đột phá về việc thực hiện “Dự án Bắc-Nam", kết nối phía Bắc châu Âu với khu vực Đông Nam Á. Một phần dự án này là kế hoạch xây dựng đường sắt nối liền Azerbaijan, Iran và Nga. Chuyên gia Sotnikov cho biết hành lang vận tải Bắc-Nam là dự án rất quan trọng, nhưng hiện các cuộc đàm phán về dự án này đang bị đình trệ.
Sáng kiến hành lang Bắc - Nam nối liền phía Bắc châu Âu với miền Đông-Nam châu Á. (Nguồn: APA) |
Tuyên bố chung đầy quyết tâm
Kết thúc hội nghị, ba nước Nga, Iran và Azerbaijan đã ra tuyên bố chung. Tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm của ba bên chống lại chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, buôn bán vũ khí trái phép, các chất ma túy và tiền chất ma túy, buôn người và tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Tổng thống ba nước cũng thừa nhận rằng việc chưa giải quyết được các cuộc xung đột trong khu vực cản trở đáng kể hợp tác khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng là việc giải quyết những cuộc xung đột này phải dựa trên nền tảng các nguyên tắc và chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Ba bên cam kết sẽ tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, cũng như làm sâu sắc và mở rộng đối thoại chính trị ở mọi cấp độ khác nhau về tất cả vấn đề mà các bên có lợi ích. Tổng thống các nước Nga, Iran và Azerbaijan cũng nhất trí làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Azerbaijan - Iran đã đạt được nhiều thành công nhất định. (Nguồn: Report NA) |
Đặc biệt, sau cuộc gặp ba bên, Tổng thống Ilham Aliyev đề xuất việc thành lập hành lang năng lượng giữa Azerbaijan, Nga và Iran. "Azerbaijan đã chuyển từ một nước nhập khẩu điện thành nước xuất khẩu. Tiềm năng xuất khẩu đang gia tăng. Tôi tin rằng với những nỗ lực chung chúng ta sẽ hình thành được một hành lang năng lượng vững vàng chắc chắn. Hành lang này có thể đảm bảo trao đổi năng lượng giữa ba nước và tiến ra cả những thị trường mới", ông Aliyev tuyên bố.
Ông cũng tuyên bố rằng tập đoàn dầu mỏ quốc gia SOCAR quan tâm đến hợp tác với Nga và Iran để làm việc trong các khu vực của họ ở vùng biển Caspian. Ông Aliyev nhấn mạnh: "Các tập đoàn Iran và Nga đã 20 năm nay tham gia phát triển các mỏ dầu và khí đốt trong khu vực của Azerbaijan ở vùng biển Caspian và rót những khoản đầu tư lớn". Cũng tại cuộc gặp, Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẵn sàng thảo luận với Baku và Tehran những dự án cùng có lợi về xây dựng cơ sở hạ tầng đường ống trong khu vực Caspi.
Sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Baku được Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2/2016. Trong cuộc gặp tại Baku, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đề xuất Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Iran. |
Xung đột Armenia-Azerbaijan: Đốm lửa nhỏ, nguy cơ lớn Xung đột ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia - Azerbaijan khiến tình hình an ninh khu vực nói riêng và quốc tế nói chung càng phức tạp ... |
Iran: Đa dạng hóa nền kinh tế Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran là quốc gia lớn thứ hai ở Trung Đông với diện tích đất liền gấp năm lần Việt Nam ... |